- Được lên phó phòng nhưng hiệu trưởng một mực từ chối, xin ở lại trường; người sắp nghỉ hưu hoặc chưa đủ thời gian công tác 5 năm vẫn phải luân chuyển; điều động gần giữa năm học...

Những câu chuyện lạ về điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ giáo viên phần lớn là lãnh đạo các trường tiểu học, THCS đang diễn ra trên địa bàn Tp Hưng Yên.

Không muốn lên chức

Tháng 7/2014, Ban thường vụ Thành ủy Hưng Yên điều động phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Châu về công tác ở Trường THCS Lê Lợi. Sau đó đơn vị này lại điều động, đồng thời bổ nhiệm một giáo viên chưa từng làm công tác quản lý ở Trường THCS Trung Nghĩa về làm phó Hiệu trưởng thay thế.

{keywords}
Thông báo điều chuyển, bổ nhiệm giáo viên vàtờ trình xin được ở lại trường của lãnh đạo các trường TH, THCS trên địa bàn thành phố Hưng Yên.

Đến 29/10 Ban thường vụ Thành ủy tiếp tục điều động và bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường lên làm công tác quản lý ở Phòng GD-ĐT thành phố.Khi tiếp nhận thông báo điều động này Hiệu trưởng lại bày tỏ nguyện vọng muốn được ở lại cơ sở.

Trò chuyện với VietNamNet, bà Quách Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Châu chia sẻ: “Nhà trường chúng tôi đang rất ổn định và phát triển về mọi mặt, có nhiều thành tích nhưng cùng lúc lại điều chuyển, thay thế từ hiệu trưởng đến hiệu phó. Bản thân tôi tâm lí cũng không ổn định”.

Về lý do xin ở lại trường, không muốn lên làm quản lý ở Phòng GD-ĐT thành phố Hưng Yên, bà Quỳnh cho biết: “Một phần tôi muốn ở lại để tiếp tục phát triển nhà trường, phần vì sức khỏe của tôi không đảm bảo để công tác ở phòng”.

Gần nghỉ hưu: Vẫn điều chuyển

Trong khi đó, cô Đào Thị Minh Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Châu đã công tác tại trường hơn 20 năm và hết năm học này sẽ nhận quyết định nghỉ hưu nhưng vẫn nhận thông báo sẽ phải chuyển về Trường Tiểu học Minh Khai.

“Thời gian ngắn lại phải tiếp cận, tìm hiểu tâm tư cán bộ giáo viên, hồ sơ sổ sách mới; làm quen với phong tục tập quán của địa phương nên việc quản lí trường mới sẽ gặp khó” –cô Hằng chia sẻ.

Từ phụ huynh, giáo viên đến UBND phường nơi cô Hằng công tácđến bản thân cô đều có đơn và nguyện vọng để cô ở lại công tác tại trường đến khi nghỉ hưu.

Vào tháng 1/12/2014, cô Nguyễn Thị Tâm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Châu sẽ về nghỉ hưu theo chế độ.

Nhà trường cũng đã có kế hoạch bỏ phiếu tín nhiệm sau đó ngày 19/10/2014 làm tờ trình Đề cử cô Lê Quỳnh Hoa – Hiệu phó nhà trường, người có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực chuyên môn thay thế cô Tâm lên Ban Thường vụ Thành ủy Tp Hưng Yên.

Tuy nhiên, ngày 24/10, Thành ủy Hưng Yên lại có thông báo bổ nhiệm lại và điều động đồng chí Trần Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Châu.

Chưa hết, cô Kim Dung chưa được điều động đi đã có thông báo thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng mới được ấn định là cô N.T.T.M - Hiệu phó Trường Tiểu học Nguyễn Huệ mà không lấy ý kiến thăm dò, tín nhiệm hai hiệu phó để làm cơ sở, nghiên cứu, bổ nhiệm.

Chưa hết trong đợt bổ nhiệm và điều động cán bộ trước thềm năm học mới còn có tình trạng hiệu trưởng chưa làm hết một nhiệm kì đã luân chuyển sang trường khác, có hiệu trưởng công tác quá hai nhiệm kì (12 năm) nhưng lại không bị điều động, luân chuyển.

Vì sao có "điều động lạ"?

Trao đổi với VietNamNet, Trưởng ban tổ chức Thành ủy Tp Hưng Yên ông Hoàng Hưng cho biết:

Theo Điều lệ trường tiểu học và THCS, mỗi trường có hiệu trưởng và một số hiệu phó. Nhiệm vụ của hiệu trưởng là 5 năm, không quá 2 nhiệm kỳ ở một trường. Sau một nhiệm kỳ, hiệu trưởng có thể được đánh giá để bổ nhiệm hoặc công nhận lại.

Ông Hưng giải thích lý do "không thực hiện vào đầu năm hoặc cuối năm" là bởi niên hạn lại tính vào 1/11/2014- các hiệu trưởng đến niên hạn.

Một điều nữa là căn cứ vào các quyết định các hiệu trưởng được đảm nhận ở các trường. Một số hiệu trưởng được bổ nhiệm chức vụ từ 20/8/2004 đến1/11/2009 được bổ nhiệm lại, theo niên hạn đến 1/11/2014 sẽ hết nhiệm kỳ 2 năm, cần phải điều chuyển.

"Tuy nhiên, tỉnh ủy cũng có quyết định nếu các thầy cô gần đến tuổi nghỉ hưu (còn dưới 2 năm) thì có thể xem xét cho kéo dài thời gian công tác tại trường. Trong bối cảnh một số hiệu trưởng có thời gian công tác tại một trường trên 10 năm, chúng tôi xin ý kiến thường trực và được chỉ đạo đảo chéo các trường với nhau" - ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, làm công tác quản lý cần quen các môi trường giáo dục khác nhau, để lâu dễ gây ra sức ỳ lớn.

"Cấp trên cũng cho ý kiến nếu dừng lại không điều động thì trường hợp khác sẽ không đi" - ông Hưng nói thêm.

Trả lời câu hỏi “Tại sao nhân sự không nắm được? Chúng ta có nắm được tâm tư nguyện vọng, sức khỏe, năng lực của người có đủ đáp ứng vào diện quy hoạch?” – ông Hưng quả quyết: Quy hoạch này do Phòng GD-ĐT đề xuất.Ban thường vụ Thành ủy bỏ phiếu kín, công bố tại chỗ. Tiếp đó, thành ủy có ra thông báo xác nhận quy hoạch.

“Trước khi ra văn bản để làm việc với các nhân sự, lãnh đạo ban tổ chức và lãnh đạo phòng đã gặp các đồng chí ở cơ sở, sau đó gặp gỡ trao đổi tâm tư nguyện vọng’ – ông Hưng cho biết.

Văn Chung