Thực hiện Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, các trường cao đẳng sư phạm chỉ còn có thể đào tạo được giáo viên mầm non.

Theo đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, số lượng các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước vẫn còn khá nhiều, nếu không tuyển sinh được thì sẽ gây lãng phí cơ sở vật chất, nhân sự ở các trường này. 

Do đó, đề nghị Bộ GD-ĐT có lộ trình và hướng đi cụ thể trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho hay, hiện, hệ thống có tổng số 25 trường cao đẳng sư phạm thực hiện đào tạo giáo viên mầm non.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành T.Ư Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ đã huy động các nguồn lực và tập trung hoàn thiện Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và hình thành một số trường sư phạm trọng điểm giai đoạn 2019-2025” và trình Chính phủ vào tháng 7/2020.

Nội dung của Đề án đã đề xuất những giải pháp căn cơ liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên. Cụ thể, trên cơ sở các chuẩn chất lượng, bên cạnh việc tập trung đầu tư để hình thành các ĐH, trường ĐH sư phạm lớn thì một số cơ sở đào tạo sư phạm khác (trong đó có các trường cao đẳng sư phạm) sẽ được tổ chức lại thành khoa sư phạm, trường sư phạm, phân hiệu của ĐH hoặc của trường ĐH chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên hoặc chuyển đổi thành cơ sở giáo dục khác tại địa phương.

Kế hoạch thực hiện dự kiến bắt đầu từ 2021 đến 2025 để bảo đảm phù hợp với lộ trình dừng tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên trừ ngành Sư phạm mầm non từ năm 2026, nhằm thực hiện nâng chuẩn giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Theo Bộ GD-ĐT, trước đây, các trường cao đẳng sư phạm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các cấp học mầm non, phổ thông. Tuy nhiên, sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, quy định trình độ chuẩn của nhà giáo dạy tiểu học và THCS được nâng lên, các trường cao đẳng sư phạm không còn đào tạo giáo viên tiểu học và THCS mà chỉ còn đào tạo duy nhất ngành sư phạm mầm non; việc đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, THCS sẽ do các trường ĐH sư phạm đảm nhiệm.

Vì vậy, từ năm học 2020 - 2021, Bộ GD-ĐT sẽ đề nghị các địa phương xem xét, tính toán để giao cho các trường cao đẳng sư phạm phối hợp với các trường ĐH Sư phạm bồi dưỡng giáo viên hằng năm, trong đó có bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình sách giáo khoa mới (ngoài nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non).  

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GD-ĐT  hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021. Trong đó, thực hiện các giải pháp chuyển đổi để bảo đảm tận dụng được đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của các trường sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên các cấp theo nhu cầu của địa phương.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 28/2/2019, có 49 cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Cụ thể danh sách các cơ sở TẠI ĐÂY.

Thanh Hùng

Khi chính sách giáo dục 'xếp hạng' cả đạo đức của giáo viên

Khi chính sách giáo dục 'xếp hạng' cả đạo đức của giáo viên

Không chỉ khiến giáo giới "xáo động" về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chuyện nâng hạng, tụt hạng..., những văn bản mới của Bộ GD-ĐT còn gây bất ngờ khi ở từng hạng giáo viên lại có riêng tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp.