Trao đổi với VietNamNet, ông Lại Đức Vượng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (Bộ Nội vụ) cho biết theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT phải báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp.

Chỉ nên một chương trình đào tạo, không chẻ ra nhiều thứ 

Còn Bộ Nội vụ chủ trì sửa đổi Nghị định 101 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Việc sửa nghị định này, Bộ Nội vụ đang thực hiện xuất phát từ các quy định mới từ Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức năm 2019 và các Nghị định có liên quan.

{keywords}
Ông Lại Đức Vượng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (Bộ Nội vụ)

Theo ông Vượng, việc sửa Nghị định 101 phải bám vào ba nội dung. Một là phải đúng theo quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức. Thứ hai là những vấn đề liên quan đến chứng chỉ bồi dưỡng thì phải bám sát tiêu chuẩn, điều kiện. Thứ ba, viên chức từng ngành thì đương nhiên bộ chủ quản quản lý. 

Bộ Nội vụ chỉ quy định khung, còn nội dung, chương trình đào tạo, liên kết với các chương trình khác như thế nào thì các Bộ chủ quản phải cân đối không để trùng lặp.

Còn việc chứng chỉ nào bắt buộc hay không, có là điều kiện để thăng hạng hay không thì các Bộ chuyên ngành phối hợp với Bộ Nội vụ để làm. 

“Một trong những điểm mới khi sửa Nghị định 101 là hạng chức danh nào có vị trí việc làm ấy và tương ứng với từng tiêu chuẩn, điều kiện. Bây giờ đã có vị trí việc làm theo Nghị định 62/2020 thì vị trí nào có tiêu chuẩn đó. Vì vậy phải bám vào đó để đào tạo. Tiêu chuẩn đi trước còn đào tạo đi sau để đáp ứng tiêu chuẩn đó”, ông Vượng phân tích.

Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cũng thông tin thêm, định hướng mới là xây dựng công cụ đánh giá viên chức, trong đó có giáo viên để biết được năng lực, trình độ của từng người. Như vậy sẽ không còn tranh cãi chuyện chứng chỉ nữa. 

“Bộ chủ quản như Bộ GD-ĐT quy định nhiều hạng chức danh nghề nghiệp thì sau này sửa lại làm sao các hạng chức danh có một chương trình, học một lần thôi, không chẻ ra nhiều thứ khổ cho anh em. Đó là một cách tiếp cận”, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói.

Cách hiểu chưa thống nhất, khiến giáo viên tâm tư, lo lắng

Nói về việc có bỏ chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Trương Hải Long cho biết, Luật Viên chức quy định viên chức được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.

Việc đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức có thể được thực hiện trước khi bổ nhiệm (đào tạo theo chức vụ lãnh đạo, quản lý) hoặc khi thay đổi chức danh nghề nghiệp (đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) hoặc đào tạo để bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp (đào tạo theo vị trí việc làm).

{keywords}
Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ - Trương Hải Long

Triển khai Luật Viên chức, Nghị định 18 trước đây và Nghị định 101 sau này có quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Tuy nhiên, Nghị định chỉ quy định chung, không quy định chức danh nghề nghiệp hoặc ngạch công chức nào phải có chứng chỉ bồi dưỡng.

“Khi Bộ GD-ĐT ban hành chùm thông tư cũ và mới, trong đó có một số chức danh nghề nghiệp trước đây không quy định phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thì đến thông tư mới này lại có quy định là phải học, dẫn đến có cách hiểu chưa thống nhất, khiến giáo viên tâm tư, lo lắng”, ông Long giải thích thêm.

Điều 26 của Nghị định 101 quy định về chứng chỉ bồi dưỡng

1. Chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm:

a) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức;

b) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý;

c) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.

2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp chứng chỉ các chương trình bồi dưỡng được giao thực hiện.

3. Việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng

a) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đăng ký dự thi nâng ngạch, đăng ký dự thi thăng hạng; xét bổ nhiệm vào ngạch, hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề;

b) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức có giá trị thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng; chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức có giá trị thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng. Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức cùng hạng ở các chuyên ngành khác nhau có giá trị thay thế cho nhau;

c) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của cán bộ, công chức, viên chức;

d) Chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Bộ Nội vụ hướng dẫn chi tiết mẫu chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thu Hằng

Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên

Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về chứng chỉ thăng hạng giáo viên

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến việc xếp hạng giáo viên cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.