Để ngôi trường dân lập đầu tiên được ra đời, PGS Văn Như Cương và thầy giáo Nguyễn Xuân Khang từng phải rơi cả nước mắt. Đến nay, có thể nói, mỗi người đã "xưng bá" ở một trường dân lập. Nói về những ngày "chạy bở hơi tai" đó, cả hai ông đồ "gàn" đều ví von: như một ca đẻ khó!

Ca đẻ khó

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ngành giáo dục nước nhà rơi vào tình trạng khủng hoảng. Giáo viên bỏ nghề hàng loạt vì đời sống quá khó khăn, học sinh thất học ngày càng đông. Trước tình cảnh đó PGS Văn Như Cương, lúc đó đang là cán bộ giảng dạy ở trường ĐH Sư phạm, nung nấu ý định mở trường tư thục. Ý tưởng của ông được thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, giảng viên của trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐHQG Hà Nội) nhiệt tình ủng hộ.

Tìm được một người "đồng chí" đã khó, để những người khác ủng hộ là một điều không dễ dàng. Giáo dục nhà nước đã ăn sâu vào não trạng của nhiều thế hệ, "trường tư" là một khái niệm hết sức xa lạ với cả những lớp người đã gần 50 tuổi.

{keywords}

Ảnh chân dung PGS.TS Văn Như Cương của nhiếp ảnh gia Bùi Văn Sơn đoạt giải Nhất, trong cuộc thi ảnh “Chân dung và cuộc sống người Hà Nội” 

Bàn đi tính lại, hai ông đánh liều viết một bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục! Không ngờ, ý tưởng của hai ông được Bộ trưởng Giáo dục lúc đó, GS Phạm Minh Hạc, chia sẻ.

Ngày 1/8/1988, Bộ Giáo dục tổ chức một cuộc hội thảo để hai ông lên thuyết trình về kế hoạch thành lập trường dân lập. Hội thảo "thành công rực rỡ" với sự cho phép của Bộ nhưng yêu cầu cầu đổi chữ "Tư thục" thành "Dân lập". Bộ bảo hai ông về đặt tên trường đi. Trường thì phải có tên. Thuê cơ sở ở đâu thì ghi vào.

Hai ông ra về lòng vui như mở hội, liền rẽ vào hàng phở trên phố Lò Đúc, mỗi người chén một bát. Vừa ăn vừa phân công mỗi người nghĩ ra một cái tên để mai thảo luận. Hôm sau, ông Khang đưa ra tên Lương Thế Vinh còn ông Cương thì đưa ra tên Nguyễn Trường Tộ. Bàn bạc một lúc rồi nhất trí lấy tên Lương Thế Vinh...

Tên đã có. Cơ sở cũng đã thuê xong. Nhưng lúc ấy, Bộ lại chưa hề có quy chế về trường dân lập. Ông Cương liền đề nghị với Bộ trưởng để ông soạn dự thảo về quy chế...

Khi có quy chế rồi, lại mắc ở chỗ khác

Theo quy chế, trường phải có quyết định trước ba tháng mới được tuyển sinh. Như vậy, chậm nhất, ngày 1/6/1989 quyết định thành lập trường phải được ký.

Chờ đến sáng 31/5, vẫn chưa có quyết định. Hai ông lòng như lửa đốt. Chỉ còn 12 giờ đồng hồ cho "đứa con" của mình ra đời. Nếu không "đẻ" ngay thì sẽ phải chờ... sang năm. Vậy mà, tối hôm đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (lúc đó là bà Nguyễn Thị Tâm Đan) người có quyền hạ bút ký quyết định này sẽ đi công tác nước ngoài một tháng.

(Nhắc lại chuyện này, ông Khang bảo, có thể họ cũng dè dặt vì đây sẽ là trường dân lập đầu tiên sau thời kỳ đổi mới. Trong Hội nghị Giám đốc sở năm ấy, có lãnh đạo Bộ còn cương quyết: "...Ở đâu có phi quốc lập chứ giáo dục thì không!". Quan điểm của lãnh đạo về loại hình trường này cũng chưa ngã ngũ).

Không còn lựa chọn nào khác. Hoặc một ngày hoặc là một năm! Ông Khang liền liều đánh tiếng "dọa" đến tai bà Phó Chủ tịch: "Nếu chị không ký trước khi đi, chúng tôi sẽ thông báo với báo chí ngay trong ngày: "Năm học 1989-1989, trường Lương Thế Vinh sẽ không khai giảng được. Không phải vì Bộ không đồng ý mà chỉ vì thiếu chữ ký của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội..."

Ngay đêm đó, quyết định được ký!

"Đêm 1/6/1989, ông Khang chạy sang ôm chầm lấy tôi, vừa khóc vừa nói: "Thầy ơi ký rồi". Nước mắt tôi trào ra..." GS Văn Như Cương nhớ lại.

Sao người ta cứ xô vào?

Có quyết định thành lập trường trong tay, PGS Văn Như Cương dốc túi không có đồng xu! Muốn khắc con dấu cho trường ông Khang phải tháo chiếc nhẫn đem bán...

{keywords}
PGS Văn Như Cương trong một lần gặp gỡ phụ huynh đi nộp hồ sơ tuyển sinh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngày họp phụ huynh, hội trường gần 1.000 chỗ ngồi chật cứng. Phụ huynh học sinh ngồi la liệt cả ở ngoài để nghe cuộc đối thoại với hiệu trưởng. Nhiều người bỏ cả chiếc xe thồ kiếm cơm chỏng chơ giữa trời nắng thiêu đốt...

Đến bây giờ ông Cương cũng không nhớ mình đã nói gì, họ chất vấn những gì nhưng điều ám ảnh ông là những bức xúc về nhu cầu học của con em họ thì ông không quên! Người xin nhập học ngày một đông. Ngay sau buổi họp ấy, con số học sinh đã lên tới 1.200! Nhiều học sinh đang học ở trường công cũng xin chuyển sang.

"Tôi cứ tự hỏi mình mặt mũi râu ria thế người ta biết bụng dạ mình thế nào mà cứ xô vào..?" - Ông nói vui.

"Học phí trường thu một tháng tương đương 10 kg gạo. Nhiều gia đình nông dân đã nộp gạo thay tiền. Những lần đi "nghe ngóng" qua văn phòng tôi phải cầm lòng khi nhìn thấy nhiều bao gạo vá chằng vá đụp!" - giọng ông Cương buồn buồn...

Ngày ấy, nhiều giáo viên kéo đến xin tình nguyện dạy không công! Thầy trò cùng chạy sô. Trường lớp thì chạy chỗ. Khi thì học ở Trường ĐH Sư phạm. Khi thì học ở ĐH Tổng hợp. Nhưng ngay năm đầu tiên trường đã khẳng định được bằng kết quả thi tốt nghiệp và đại học.

Gàn: Mỗi ông một kiểu...

"Là hiệu trưởng mà tôi bổ nhiệm vợ làm kế toán! Lên Sở GD-ĐT Hà Nội xin quyết định, người ta không chịu. Tôi lý sự: Cái đáng lo ngại nhất là giám đốc cặp bồ với kế toán chứ chồng hiệu trưởng, vợ làm kế toán thì có gì các anh phải lo? Nếu các anh không thuận thì tôi về ly dị với bà ấy. Xong, bổ nhiệm bà ấy làm kế toán là được chứ!?"- ông Cương bắt đâu câu chuyện về mình như thế.

Sinh ra ở vùng quê Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, làng không có đất, phải kiếm sống bằng cái chữ nên từ nhỏ ông rất siêng học. Năm 1954, ông ra Hà Nội học Sư phạm. Tốt nghiệp 1957, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Ngày đó, cứ hết giờ làm ở cơ quan là ông đi dạy thêm. Xoay như đèn cù mà cũng chẳng đủ ăn.

Sau khi đi học ở Liên Xô về (năm 1971), đã là phó tiến sĩ nhưng lương chẳng đủ ăn, ông liền quây sân nhà... nuôi lợn! Một con lợn, trừ tiền cám, mỗi tháng ông cũng kiếm được 70.000đ, bằng đúng lương ông phó tiến sĩ!

Ông vẫn nói đùa với với khách đến chơi, nhà có hai phó tiến sĩ: cả hai cùng kiếm được 70.000đ. Nhiều người hỏi "sao ông không cho nó làm tiến sĩ". Ông bảo, mình hết đề tài, tức hết tiền mua rau cám nên phải cho nó "bảo vệ" sớm.

Thời đó, trong những câu chuyện vỉa hè lưu truyền ở Hà Nội, người ta kể rằng, PGS Cương nuôi lợn trong căn hộ tập thể. Nuôi lợn thì đương nhiên đi kèm với ồn ào, bẩn thỉu, hôi thối làm ảnh hưởng đến những căn hộ xung quanh. Buộc lòng họ phải phản ánh lên phường. Cán bộ phường đến lập biên bản "PGS Văn Như Cương nuôi lợn ở tầng 4". Ông phản đối, đòi phải ghi là "lợn nuôi PGS Văn Như Cương ở tầng 4 thì mới đúng"!.

PGS Cương nói về mình thế! Bao giờ cũng là những câu chuyện hài hước và hóm hỉnh. Đôi lúc khiến người nghe cười ra nước mắt.

Với người ngoài, bao giờ ông cũng khác người, cũng "gàn" nhưng với học sinh và giáo viên trường Lương Thế Vinh mà tôi có dịp tiếp xúc thì họ nói về ông như một người thầy tận tâm tận lực. Một lần, một học sinh của trường bị rối loạn tâm lý vì gia đình gia đình trục trặc, thầy hiệu trưởng không những đến tận nhà thăm hỏi mà còn cử một giáo viên kèm cặp chăm sóc suốt mấy tháng trời. Hầu như ngày nào ông cũng đích thân hỏi thăm bệnh tình của cô bé.

{keywords}

Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường Marie Cuire. Ảnh: Lê Anh Dũng

Với PGS Văn Như Cương "đồng tiền liền khúc ruột", tiền phải nằm trong túi mình thì mới chắc. Ông áp dụng luôn mô hình "gia đình trị". Trong khi người cộng sự của ông, thầy Nguyễn Xuân Khang lại quan niệm "nhà là nhà, trường là trường. Không có khái niệm nhà trường là nhà cộng với trường". Hai con hổ không thể ở chung một chuồng. Năm 1992, một ngày, PGS Cương bất ngờ khi thấy người phó của mình với tư cách là hiệu trưởng một trường mới đang chiêu sinh ngay dưới sân...

Trường Marie Curie ra đời như thế. Kết quả của 5 ngày Tết giam mình trong phòng thí nghiệm Trường ĐH Tổng hợp của thầy Khang.

"Ngày ấy có cả bài báo viết gọi trường của tôi là trường... ma! Lỗi một phần cũng vì trường là đứa con "đẻ ngược"! Chưa có giấy phép nhưng tôi vẫn tuyển sinh vì đã được bật đèn xanh. Ngay trong buổi ra mắt, đã có những câu hỏi đại loại như: "Ông chiêu sinh với tư cách gì?; "Trường ông chương trình giảng dạy ra sao?"... Người ta muốn lôi tôi ra khỏi công việc đấy. Mình mà bị phân tán là hỏng hết. Con hổ nó chỉ là chúa sơn lâm khi nó ở trong rừng còn về vườn bách thú nó chỉ là con thỏ! Tôi chỉ là tôi khi tôi làm việc" - Ông Khang nói.

Còn nhớ lần ông đến Trường ĐH Tổng hợp xin nghỉ việc. Lúc ấy ông mới 43 tuổi. Lãnh đạo nhà trường bảo: "Nếu muốn về hưu non hay về theo văn bản 176 trường sẽ giúp?". Ông từ chối: "Tôi đi làm hiệu trường trường khác mà mang tiếng là về hưu được sao?".

Là hiệu trưởng trường dân lập nhưng khi làm Chủ tịch Hội đồng coi thi ở trường khác ông vẫn cứ "nếp" trường mình mà.... áp! Cán bộ coi thi đến muộn, ngồi không đúng chỗ là ông trả lại ngay. Nhiều người gọi ông là cái máy.

Ông bảo, họ khen mình đấy! Làm việc mà được như cái máy thì còn gì hay hơn. Nói đến cái máy là người ta nghĩ ngay đến sự khoa học, chính xác. Điều này vô cùng quan trọng cho con người để họ có thể làm việc và phát huy hết khả năng của mình. Nhưng không ai phủ nhận tôi có một trái tim...

Rồi ông cho tôi xem bức thư ông viết nhân dịp tết Trung Thu vừa qua, khi mà học sinh và giáo viên của ông phải phá cỗ, đón trăng dưới trời mưa tầm tã...

Nhiều giáo viên nói đã khóc khi nhận được bức thư ấy!

"Chúng tôi không phải là kẻ lãng tử"

Vừa rồi, Trường PTDL Lương Thế Vinh được UBND TP.HN cấp 13.000m2 đất để xây dựng trường...

Hiện nay (năm 2005 - PV) trường có 3.000 học sinh, mỗi tháng thu được trên 700 triệu tiền học phí. Một năm gần chục tỷ. 75% số tiền ấy được dùng trả lương cho giáo viên. Tiền thuê địa điểm hết 1 tỷ đồng/năm. Số tiền còn lại, sau khi chi trả các khoản khác ông cho vào quỹ dự phòng may rủi và ngoại giao.

Ông Cương bảo, lương của ông 10 triệu/tháng. Bao nhiêu năm nay, ông cứ tích luỹ lại đó để quay vòng. Vậy mà vừa rồi phải mang ra "bôi trơn" hết! Với một ngôi trường có quy mô như PGS Cương đang dự tính, ít nhất cũng phải có 30 tỷ đồng để đầu tư. Đã có nhiều doanh nghiệp muốn góp vốn nhưng ông không nghe...

{keywords}
Thầy Văn Như Cương với học sinh Trường Lương Thế Vinh. Ảnh chụp tháng 10/2005. Lê Anh Dũng

"Thà đi vay chỗ khác chứ cái kiểu chỉ cho mình góp 49% vốn để họ cầm trịch rồi muốn chọn giáo viên học sinh thế nào tùy họ thì có mà nát trường. Giáo dục đâu phải là chuyện làm ăn bình thường. Dù nó là một dịch vụ nhưng bao giờ cũng phi vụ lợi" - Ông Cương khảng khái.

Ông Cương đã nhẹ được một phần... Còn ông Khang "cái gánh" vẫn trĩu vai từng ngày. 2200 học sinh trường Marie Curie phải thuê học ở hai cơ sở. Một ở số 3 phố Trần Quốc Toản, một ở Trường Sư phạm Mẫu giáo Khương Đình, Hà Nội. 1.100 học sinh bán trú ở trường, lo chỗ ăn nghỉ, xe đưa xe đón, chăm sóc, quản lý từng ấy con người chu tất bao năm nay chưa để xảy ra sự cố gì là cả một vấn đề không dễ dàng.

{keywords}
Thầy Nguyễn Xuân Khang trong lễ khai giảng năm học 2014-2015. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Nếu vì lý do gì mà không có lớp cho học sinh, cái này khó dự liệu lắm. Tôi có chết cũng không sao! Nhưng còn học sinh Marie Curie? Chúng tôi không phải là kẻ lãng tử. Không dễ gì khi có "sự cố" về cơ sở vật chất mà một sớm một chiều có thể ổn định cho ngần ấy học sinh được. Chúng sẽ học ở đâu?" - ông Khang trăn trở.

Thu Thuỷ - Minh Thuỵ (Bài viết đăng tải trên VietNamNet tháng 10/2005)

Trường PTTH Lương Thế Vinh được thành lập năm 1989.  Từ những năm đầu thành lập, địa điểm học phải đi thuê mượn với những khó khăn, vất vả về cơ sở vật chất, đến nay trường đã có một cơ ngơi khang trang của riêng mình tại C5 Nam Trung Yên. Hiện nay, trường có 2 cơ sở đào tạo tại quận Cầu Giấy và huyện Thanh Trì.

Trên website của trường giới thiệu: "Ngay từ khi mới thành lập, nhà trường luôn kiên trì mục tiêu đào tạo kép: Giáo dục toàn diện cho học sinh thi đỗ tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nhất cho học sinh thi đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng”.

Trường Marie Curie thành lập từ năm 1992. Năm 2015, trường chuyển trụ sở về cơ ngơi khang trang của riêng mình tại  khu đô thị Mỹ Đình.
Trên website của trường giới thiệu: Nhà trường đào tạo học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 theo chương trình hiện hành của Bộ GD-ĐT. Nhà trường chú trọng đặc biệt về giáo dục nhân cách, bồi dưỡng năng lực trí tuệ, rèn luyện kỹ năng sống và chăm sóc sức khoẻ học sinh.

Sau nền tảng trường phổ thông ngoài công lập do 2 ông gây dựng, hiện nay tại Hà Nội, giáo dục phổ thông ngoài công lập đã phát triển mạnh mẽ, với sự tham gia của nhiều mô hình giáo dục với các triết lý khác nhau, tạo sức cạnh tranh sôi động và góp phần tạo ra sự đa dạng trong chọn lựa của phụ huynh.