Trong số 499 trường hợp trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, có 25 người là cán bộ, giáo viên, giảng viên công tác trong lĩnh vực giáo dục.

Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) cho biết, việc trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XV vừa là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn lao.

“Tôi nhận thấy mình vinh dự khi được đại diện không chỉ cho các thầy cô giáo, mà còn là đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại diện cho phụ nữ và cho cả những thanh niên trẻ tuổi. Tôi mong muốn mình sẽ là cầu nối, tích cực tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để đem tiếng nói ấy đến nghị trường quốc hội”.

{keywords}

Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ)

Cô Phượng mong muốn có thể đề xuất với Quốc hội để đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy - học môn tiếng Anh trong các nhà trường nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam nói chung.

“Tôi cũng sẽ tiếp tục lan tỏa và chia sẻ mô hình lớp học xuyên biên giới cùng các phương pháp giảng dạy tích cực 4.0 với các trường trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, để có thêm nhiều em học sinh sớm trở thành những công dân toàn cầu, đặc biệt trước những thách thức của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến đối với ngành giáo dục.

Ngoài ra, tôi cũng sẽ quan tâm tới các vấn đề nhiều học sinh Việt Nam đang gặp phải như văn hoá đọc, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, vấn đề thanh thiếu niên an toàn khi sử dụng mạng...

Tôi tin rằng, nếu trở thành Đại biểu Quốc hội, những dự án mình đang thực hiện như Thư viện hạnh phúc, An toàn trên không gian mạng, Mô hình lớp học xuyên biên giới, ... sẽ được tiếp thêm sức mạnh”, cô Phượng nói.

Là một giáo viên, cô Phượng cũng rất quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi của nhà giáo – một trong những vấn đề cấp bách được đội ngũ nhân sự ngành quan tâm hàng đầu. Cô Phượng cho biết sẽ ủng hộ các chính sách liên quan đến vấn đề quyền lợi của giáo viên, giúp giáo viên chuyên tâm với nghề dạy học.

Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của mình tới chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, bởi thực tế, đời sống của một bộ phận dân cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại một số khu vực vẫn ở mức cao so với nhiều địa phương trong cả nước.

{keywords}
Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Lương Tài (Bắc Ninh)

Trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XV, cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Lương Tài (Bắc Ninh) bày tỏ mong muốn sẽ trở thành cầu nối mang tiếng nói của người dân tới nghị trường, góp phần tạo nên những đổi thay tích cực cho ngành giáo dục cũng như cho cuộc sống của nhân dân tỉnh nhà.

Cô Hà khẳng định, bản thân sẽ chuyển tải đầy đủ các nguyện vọng của cử tri, phản ánh trung thực những vấn đề bức xúc của cử tri tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước; giúp việc xây dựng các cơ chế, ban hành chính sách, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn và đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho biết sẽ xây dựng kênh tiếp thu ý kiến của cử tri, đặc biệt là cử tri trẻ thông qua mạng Internet.

Là một người trẻ, cô Hà cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc phát huy chất xám của những trí thức trẻ, đóng góp phần vào sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh và cả nước; đồng thời đặc biệt quan tâm tới những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mong muốn họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng và phát triển một cách bình đẳng.

Một vấn đề khác được Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh quan tâm là công tác dạy nghề và hướng nghiệp cho thanh thiếu niên, giúp họ có cơ hội làm việc, lập nghiệp ngay trên chính quê hương của mình.

Với vai trò là một giáo viên, cô Hà mong muốn đề xuất ý kiến của mình với Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em học sinh, đặc biệt là học sinh vùng kinh tế khó khăn; chú trọng đến việc phát triển kỹ năng sống và khả năng sử dụng ngoại ngữ để làm chủ cuộc sống.

Cô Hà bày tỏ mong muốn được nói lên tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh và các thầy cô giáo, để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

“Tôi ý thức rõ rằng, đây cũng là một trách nhiệm nặng nề, vì vậy tôi xác định bản thân cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, tiếp tục học tập, phấn đấu không ngừng trong sự nghiệp trồng người cũng như trong cuộc sống, để xứng đáng là người đại biểu dân cử”, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nói.

Thúy Nga

Giảng viên, giáo viên ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV là những ai?

Giảng viên, giáo viên ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV là những ai?

Trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, có 40 người là giáo viên, giảng viên ở các trường trong cả nước.