Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhớ lại cảm giác lo lắng vào tháng 2/2020, khi lần đầu tiên các trường học phải đồng loại 'đóng cửa', chuyển sang dạy trực tuyến. 

Trường THCS Đông La nằm ở ngoại thành, đời sống của người dân còn khó khăn, chủ yếu làm nông nghiệp. Nhiều năm liền trường không có giáo viên Tin học, chưa kể gần 50% giáo viên theo diện hợp đồng nên thường xuyên biến động về nhân sự.

“Thời gian đầu, qua khảo sát, chỉ có khoảng 50-60% học sinh có thiết bị có thể học trực tuyến. Lúc đó chúng tôi cũng rất lo lắng, bởi dạy học trực tuyến mà không có thiết bị thì không thể làm được”, cô Dung nói và cho hay việc thay đổi dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến khi đó là một thách thức.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) trong một giờ lên lớp trực tuyến với học sinh khối 9. Ảnh: Thanh Hùng

Tuy nhiên, sau khi họp phụ huynh, rất may nhà trường nhận được sự đồng thuận của phụ huynh về việc đầu tư thiết bị cho học sinh.

“Nhà trường cũng kêu gọi các thầy cô giáo ủng hộ, hỗ trợ mua điện thoại, máy tính cũ cho các học sinh khó khăn học tập. Kết quả là đến nay, 99% học sinh tham gia học trực tuyến, 100% học qua truyền hình. Con số này có thể ở các vùng thành phố không nói lên điều gì nhưng với Trường THCS Đông La thì đây là một sự nỗ lực vô cùng”, bà Dung nói.

Lúc đó, trường không có giáo viên Tin học, cô Dung xác định ban giám hiệu sẽ phải là những người học hỏi để tháo gỡ khó khăn cho giáo viên.

Để tìm ứng dụng, cô Dung tham gia Cộng đồng MIE Experts (cộng đồng làm giáo dục sáng tạo, sử dụng công nghệ hiệu quả để nâng cao chất lượng của việc giảng dạy, học tập và quản lý trong giáo dục) và liên hệ với nhiều thầy cô giỏi để học hỏi. Sau khi tìm hiểu về ứng dụng MS Teams, cô quyết định đăng ký Office 365 A1 (bản miễn phí) cho toàn bộ giáo viên và nhân viên nhà trường, đăng ký tài khoản itrithuc của "Đề án Hệ tri thức Việt số hóa".

Thời gian đầu, nhiều giáo viên chưa biết sử dụng phần mềm Teams. Tuy nhiên, nhà trường đã mời chuyên gia về hướng dẫn. Cứ thế, ngày làm các công việc ở trường, buổi tối, các giáo viên lại tham gia tập huấn.

“Đó là những buổi tối các thầy cô vượt lên chính mình miệt mài học tập để thích nghi với không gian lớp học mới. Sau tập huấn của các chuyên gia, các thầy cô lại tiếp tục thực hành và hướng dẫn lẫn nhau”.

{keywords}
Từ xuất phát điểm gần như là con số 0 khi giáo viên Tin học không có nhiều năm liền, ban giám hiệu cũng như tập thể giáo viên Trường THCS Đông La đã mò mẫm, tìm hiểu để dạy học trực tuyến hiệu quả. Ảnh:Thanh Hùng

Cô Dung kể, thực tế, thời gian đầu nghe đến dạy trực tuyến không ít thầy cô nản khi phải học một thứ xa lạ. Khó khăn lại gấp bội với những thầy cô lớn tuổi, gần như chưa từng tiếp xúc với công nghệ thông tin.

Thầy giáo 60 tuổi 'hòa mình' dạy học trực tuyến

Thầy giáo Trương Đắc Cốc, đã hơn 60 tuổi chia sẻ lo lắng khi ngày đầu nhận được thông báo về việc dạy học online trên ứng dụng mới, bởi với thầy như bắt đầu từ con số 0.

Nhưng rồi, cùng với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, con cái và thậm chí cả cháu nội, thầy Cốc cố gắng tham gia vào dạy học trực tuyến.

“Tôi còn nhớ cảnh cháu nội hướng dẫn ông đánh máy. Con trai và con dâu thì hướng dẫn thầy Cốc cách chia sẻ màn hình. Nhiều hôm các con ngồi trực bên cạnh để nếu có trục trặc gì thì hỗ trợ bố”, cô Dung kể.

“Thời gian đầu, thầy rất lúng túng, song một vài buổi dạy, thầy đã trở nên thành thục hơn”.

Đến nay, thầy đã có thể dạy học một cách chuyên nghiệp. “Đó là người thầy mà tôi rất cảm phục, tôi vẫn đưa tấm gương của thầy Cốc để nói với các giáo viên trẻ khi gặp phải những khó khăn”.

{keywords}{keywords}

Thầy Nguyễn Văn Thanh, giáo viên Toán của trường cảm nhận rõ ưu việt: “Ứng dụng dạy học trực tuyến cũng giống như một trường học thật với đầy đủ các hệ sinh thái hỗ trợ mình. Tôi có thể giao bài, kiểm tra và chấm chữa luôn trên đấy và trả bài kịp thời cho học sinh”.

Thầy Thanh kể, vừa dạy, thầy vừa học, tìm hiểu thêm các tính năng mới nên thấy hay lại hứng thú hơn.

“Có những hôm đến 1h sáng, làm được xong một cái mới, lại trao đổi với hiệu trưởng và đồng nghiệp, thành say mê. Thực sự tôi ham mê bởi chính thách thức đặt ra là làm sao dạy học qua trực tuyến nhưng vẫn phải cuốn hút và hấp dẫn, tránh tình trạng học sinh chán nản, hoặc tranh thủ chơi game,...

Khi chấm điểm thì học sinh được nhìn thấy bài của mình và được chữa luôn trên đó. Bài làm của tất cả học sinh đều được chiếu lên để cả lớp cùng sửa chữa. Tôi nghĩ đó là điểm được hơn với việc chữa bài trực tiếp - bởi không thể sửa từng bài,...

Tất nhiên, để so sánh thì trực tiếp vẫn hơn, nhưng hình thức dạy học trực tuyến là hình thức tối ưu, hiệu quả nhất trong giai đoạn không thể đến trường vì dịch bệnh”, thầy Thanh nói.

{keywords}
Thầy Nguyễn Văn Thanh, dạy Toán trực tuyến với sự hỗ trợ của máy tính, điện thoại cá nhân và camera do nhà trường trang bị.

Giờ đây, giáo viên, nhân viên nhà trường đã sử dụng thành thạo công cụ Microsoft Forms để lập các trang tính thống kê như: thống kê số lượng học sinh học online, soạn thảo các văn bản cần sự phối hợp của nhiều người trên Word, Excel của Office 365, lưu trữ tài liệu trên OneNote, OneDrive.

Trong khi đó, học sinh trường Đông La đã biết thế nào là "lớp học ảo", có thêm các kỹ năng về công nghệ. Khi nhà trường phát động phong trào thiết kế video "Một ngày ở nhà" cho học sinh trong thời gian nghỉ vì dịch, hơn 120 học sinh gửi sản phẩm dự thi với nhiều nội dung phong phú.

{keywords}
Em Nguyễn Đức Hải, học sinh lớp 8A1 Trường THCS Đông La trong tiết học trực tuyến với thầy Nguyễn Văn Thanh và bạn bè qua MS Teams dù đã đi học tập trung tại trường. Hải chia sẻ qua học trực tuyến, kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm học, tìm kiếm tài liệu của em tốt hơn. 

Đầu tháng 3, khi học sinh Hà Nội đi học trở lại, giáo viên nhà trường vẫn sử dụng dạy học trực tuyến như là một kênh thường xuyên để bồi dưỡng 2 nhóm đối tượng học sinh giỏi và học sinh yếu kém, giao bài tập qua Teams,... 

“Khi trở lại học tập trực tiếp, chúng tôi vẫn tiến hành song song dạy học trực tuyến. Bởi trong các ứng dụng này có hệ sinh thái rất tốt. Học sinh có thể vào đó làm các bài tập, họp và trao đổi nhóm mà không cần lúc nào cũng phải hẹn nhau tại trường hay tại nhà ai đó. Việc này cũng giúp thuận lợi cho học sinh trong việc gửi tài liệu bằng các file đính kèm để có thể hỗ trợ cho nhau”, bà Dung nói.

{keywords}{keywords}

Hiện, vào 2 ngày cuối tuần, thầy cô Trường THCS Đông La vẫn lên lớp trực tuyến để hỗ trợ cho các học sinh yếu kém. Vào các buổi tối, nếu có bài khó, chỗ nào không hiểu, các em cũng có thể được các thầy cô giải thích qua lớp trực tuyến.

Bản thân cô Dung cũng trực tiếp dạy học sinh yếu kém của lớp 9 trong Teams để hỗ trợ cho các giáo viên bộ môn Ngữ văn 9. “

Thanh Hùng

Để không còn 'rào cản' với dạy học online ở Việt Nam

Để không còn 'rào cản' với dạy học online ở Việt Nam

Trong trường hợp hội tụ đủ các yếu tố: bố mẹ có điều kiện hỗ trợ, thầy cô đủ năng lực chuyển đổi hình thức học và học sinh đã được làm quen với sự tương tác thì hoàn toàn có thể học online.