Cách đây 41 năm ở London, thủ đô nước Anh, Lê Bá Khánh Trình, lúc ấy 17 tuổi, học sinh Trường Quốc học Huế, đoạt giải Nhất (lúc đó chưa gọi là Huy chương Vàng) trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) với số điểm tuyệt đối.

Lê Bá Khánh Trình cũng là học sinh đầu tiên đạt điểm tối đa và người duy nhất của Việt Nam tính đến nay đoạt thêm giải đặc biệt cho lời giải hay. Lời giải bài toán hình học được Lê Bá Khánh Trình giải ngắn hơn đáp án và chỉ bằng kiến thức lớp 9.

Với thành tích ấn tượng, Lê Bá Khánh Trình được mệnh danh là "cậu bé vàng của Toán học Việt Nam".

Hiện nay, TS Lê Bá Khánh Trình giảng dạy môn Toán ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Áp lực là do mỗi cá nhân

Được mệnh danh là “cậu vé vàng Toán học Việt Nam”, nhưng TS Lê Bá Khánh Trình nói, ông không biết mình được gọi như vậy từ khi nào. Bản thân ông cũng không rõ ai đã đặt cho mình biệt danh này.

“Thời của tôi không có “bé vàng” gì đâu. Còn áp lực với danh hiệu này hay không là do mỗi cá nhân. Tôi nhìn nhận nó rất bình thường vì mình chỉ làm những điều say mê và thấy phù hợp với cuộc sống. Mỗi người làm sao sống có ích, phát triển được năng lực của mình”- TS Trình nói.

Sau IMO năm 1979, Lê Bá Khánh Trình du học 9 năm ở Nga. Trở về Việt Nam, TS Lê Bá Khánh Trình trở thành thầy giáo dạy Toán. Nhiều năm nay, ông quen thuộc trong vai trò trưởng đoàn, phó đoàn dẫn đội tuyển Việt Nam đi thi IMO.

{keywords}
TS Lê Bá Khánh Trình được mệnh danh là "cậu bé vàng Toán học Việt Nam"

Hồi hộp mỗi lần đưa trò đi thi

Theo TS Trình, mỗi lần đưa đội tuyển đi thi IMO, ông đều hồi hộp. Ông luôn đứng ở cương vị của mình 41 năm trước để hiểu những thành viên trong đội tuyển cần gì và tự nhủ trong lòng phải cố gắng tạo điều kiện để các thành viên đội tuyển thấy học và sống với đam mê thật thoải mái vui vẻ, chứ không nặng nề. Những thành viên trong đội tuyển dù học ở trường nào, đến từ địa phương nào cũng nhận được sự giúp đỡ từ ông như nhau.

“Tôi lo cho tâm lý các thành viên. 6 thành viên mỗi năm, mỗi khác. Trong đội tuyển có em này, em kia, có nhiều tình huống khác nhau nhưng tất cả các em đều căng thẳng như nhau. Tôi cũng luôn cố gắng giữ tâm lý cho các em thật tốt”- ông kể.

Trong rất nhiều năm làm trưởng đoàn rồi phó đoàn IMO của Việt Nam, TS Lê Bá Khánh Trình nhớ “sự cố” thì có nhưng không nhiều và cũng không phức tạp. Theo TS Trình, những năm đầu dẫn đoàn đi thi IMO còn “non” kinh nghiệm nên có tiếc nuối. Ông nhớ trong kỳ thi IMO năm 2013 ở Colombia, đội tuyển Việt Nam dự thi có thành viên Đinh Lê Công, Trường THPT Chuyên ĐH Vinh, Nghệ An.

“Công rất dễ thương và nghe nói đẹp trai có tiếng trong trường phổ thông. Hôm đi thi IMO, Công giải bài hình nhưng làm chưa hết. Khi chấm, giám khảo đề nghị 3 điểm nhưng chúng tôi đề nghị 4 điểm và cố gắng đấu tranh nhưng không được. Lúc cộng điểm tất cả các bài thi, Công được 30 điểm, thiếu 1 điểm để đoạt Huy chương Vàng nên em rất buồn” – TS Trình kể.

TS Trình cũng rất buồn vì điều này. “Bản thân tôi cũng buồn và đêm đó không thể ngủ được. Tôi nghĩ giá như mình lỳ lợm hơn một chút có thể giành thêm cho em được 1 điểm”.

Nhưng theo TS Trình, điều rất mừng là sáng hôm sau Công đã vượt qua và vui vẻ. Vừa rồi TS Trình có gặp Công ở Anh. "Công hiện nay không chỉ là nghiên cứu sinh và công tác tốt mà theo lời của đại sứ Việt Nam ở đây thì em là một trong những lưu học sinh xuất sắc nhất và hoạt động rất tích cực trong cộng đồng"- TS Trình kể.

TS Trình bật mí, ông ít liên lạc với các thành viên từng đi thi IMO. Nhưng mỗi năm đều có một buổi liên hoan và mời những thành viên trước đó. Gặp lại, thầy trò nói chuyện đủ điều. Trong số những thành viên từng đi thi IMO, có người thuận lợi trong con đường học tập nhưng cũng có người chưa.

“Tôi nghĩ làm thầy có học trò là bình thường nhưng điều quan trọng là giữ được ngọn lửa đam mê. Các thành viên tôi đưa đi dự thi đều là những người rất ngoan, chịu khó và em nào cũng cố gắng”.

{keywords}
Thành tích đội Việt Nam trong các kỳ IMO 15 năm qua

Thi IMO không đạt được như kỳ vọng là bình thường

Với những thành viên dự thi IMO nhưng không đạt được thành tích như kỳ vọng, TS Trình cho rằng thi cử luôn có yếu tố tâm lý.

"Ở trong nước có thể em đó giỏi nhất, nhì đội tuyển nhưng ra quốc tế không xếp thứ hạng cao là điều bình thường. Những điều chúng tôi dạy ở trong nước có thể khác với thi quốc tế. Có những bài toán ở trong nước không phải sự sáng tạo và không mới, các em làm rất tốt nhưng khi đi thi quốc tế gặp vấn đề mới hoàn toàn thì các em không thể làm tốt nhất. Đề thi và những gì chúng tôi dạy đôi khi không giao thoa nhau, do vậy tôi đón nhận việc không đạt được như kỳ vọng là bình thường” – TS Trình trải lòng.

Theo TS Trình, với những thành viên không đạt thành tích như kỳ vọng rất buồn nhưng đoàn luôn động viên rằng thành tích chung của đội tuyển là tốt, các em không phải nặng nề tâm lý vì đã cố gắng…

Năm nay, TS Trình cũng là phó đoàn dẫn đội tuyển Việt Nam dự IMO. Với thành tích 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen, đoàn Việt Nam xếp thứ 17 trong 105 quốc gia tham dự.

TS Lê Bá Khánh Trình nhìn nhận, thành tích của đội tuyển Việt Nam năm nay nằm trong mức độ chung, bởi từ trước đến nay xếp hạng của đội tuyển Việt Nam thường dao động xung quanh vị trí số 10, có những năm ở vị trí cao có thể là thứ 3 hay thứ 4 nhưng cũng có thể xuống vị trí 16-17.

"Trong mỗi lần tham dự IMO, đoàn Việt Nam kỳ vọng sẽ vào tốp 10 quốc gia có thành tích tốt nhất. Năm nay đoàn Việt Nam đứng thứ 17, tuy không đạt như kỳ vọng nhưng cũng không quá thấp. Dù kết quả chung của đoàn Việt Nam tại IMO 2020 không như mong đợi nhưng đoạt 2 Huy chương Vàng là tốt. Về nếu tính tổng số Huy chương Vàng từ khi Việt Nam tham gia IMO đến nay thì thứ hạng khá cao" - TS Trình nói.

Lê Huyền

Những mùa hè làm nên điều kỳ diệu của 'cậu bé vàng Toán học'

Những mùa hè làm nên điều kỳ diệu của 'cậu bé vàng Toán học'

Trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1979 tại Anh, Lê Bá Khánh Trình từng đoạt giải Nhất với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo.