Tài chính trống rỗng, trường cắt giảm nhân sự

Cô Hằng, hiệu trưởng một trường mầm non ở Biên Hòa (Đồng Nai) tâm tự, sau 2 tuần nghỉ Tết và 2 tuần nghỉ dịch virus corona đã rất nhớ học sinh và những đồng nghiệp của mình. 

Trước khi mở trường tư và làm quản lý 5 năm nay, cô có 6 năm làm giáo viên mầm non. Được ủng hộ của gia đình, năm 2015 cô tham gia đấu giá khoảng sân rộng 1.500m2 trong toà nhà chung cư ở ngay mặt đường Nguyễn Ái Quốc tại thành phố với giá thuê hơn 40 triệu/tháng để mở trường mầm non. Trường cô có 13 lớp với 275 học sinh, 26 giáo viên đứng lớp chưa kể bộ phận cán bộ, tài chính, bếp núc, bảo vệ..

{keywords}
Trường vắng học sinh

Những ngày này, cả học sinh và giáo viên đều nghỉ, trường chỉ duy trì hai bảo vệ túc trực. Thỉnh thoảng, cô Hằng ghé qua kiểm tra công tác an ninh và làm vài việc khác.

Đặc thù của bậc học mầm non là tiền đóng theo tháng. Trước đây, số tiền học phí hơn 2 triệu đồng/tháng/ bé được cân đối để trả lương cho cán bộ công nhân viên và chi các khoản khác. Học sinh nghỉ học rồi nghỉ do dịch bệnh, trường vắng lặng, cùng với đó không có nguồn thu.

Mới đây, cô Hằng nhận thông báo đã đến hạn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên tháng 1/2020 với số tiền là 48 triệu đồng. Ngoài ra còn có bảo hiểm xã hội, y tế, tiền mặt bằng rồi thuế, điện, nước và nhiều khoản phát sinh khác. Riêng khoản phải chi trả nhiều nhất là quỹ lương cho giáo viên với hơn 200 triệu/tháng.

Trước đó, để thưởng Tết, cô Hằng đã lấy tiền dự phòng ra chi trả. Sau Tết học sinh tiếp tục nghỉ, trường không có nguồn thu. Nữ hiệu trưởng này quyết định rút tiết kiệm gia đình để thanh toán lương cho giảng viên, nhân viên nhà trường theo quy định nhà nước để giữ chân họ vượt qua thời gian dịch bệnh. 

Trước khi quyết định cắt giảm 1/3 số nhân sự của trường, cô Lê Thị Bé Tuyết, chủ Trường mầm mon Đôrêmi, Bình Dương, đã trăn trở suốt đêm. “Bỏ một cây hay để phá một vườn, cắt vài nhánh hay để chết cả cây, cả đêm chị trăn trở... Hôm nay, buộc chị phải thông báo cắt giảm biên chế phòng trường hợp nghỉ dài hạn, nghỉ không có hứa hẹn thời hạn, mà chị không nuôi nổi cả guồng máy..." - nữ chủ trường viết

Theo cô Tuyết, quỹ lương riêng trường (gồm lương và các khoản trích theo lương) là 350 triệu đồng/tháng. Thời gian chờ việc khi học sinh nghỉ học, lương sẽ được trả theo thỏa thuận nhưng không được dưới mức lương tối thiểu vùng (là 4.420.000 đồng) cùng chi phí bảo hiểm trường. Như vậy nếu tính sơ sơ khoản này là 240 triệu đồng mỗi tháng cho hơn 40 nhân sự.

Không biết rằng thời gian nghỉ sẽ kéo dài tới hết tháng 2 hay cả tháng 3, do vậy nữ hiệu trưởng này đã rất khổ tâm trước quyết định cắt giảm những nhân sự chỉ kém nỗ lực hơn những người khác một chút.

Chỉ riêng khối phổ thông tại TP.HCM hiện nay đã có 989 trường ngoài công lập. Hệ thống trường này đóng một vài trò quan trọng khi giảng dạy cho hơn 292 nghìn học sinh và giải quyết việc làm cho hơn 22 nghìn giáo viên.

Đáng lưu ý, TP.HCM cũng có 1.804 nhóm trẻ mẫu giáo độc lập tư thục với hàng nghìn bảo mẫu đang làm việc. Chắc chắn việc học sinh nghỉ, họ cũng phải tạm ngưng công việc.

Tới tìm cách xoay xở chuyên môn

Ngoài mối lo về tài chính, các trường tư thục hiện nay cũng đang tìm mọi cách để xoay xở hoạt động chuyên môn. 

Nhiều trường tư thục khác bằng cách này hay cách khác đang cố duy trì việc học tập của học sinh theo tiến độ chương trình. Có trường giáo viên thu băng rồi gửi cho học sinh. Có trường gửi bài tập qua email. Các phương thức trao đổi qua mạng zalo, viber cũng được nhiều trường vận dụng.

Cùng với thông báo cho học sinh nghỉ học, Trường THCS- THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) yêu cầu thầy cô tổ trưởng chuyên môn lập kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức môn học và phân công biên soạn bài tập thường xuyên trong thời gian tạm nghỉ. Thầy cô giáo bộ môn, giáo viên quản nhiệm phối hợp với các thầy cô trưởng khối giao bài ôn tập và bài tập cho học sinh mỗi lớp – đặc biệt bài luyện tập các môn thi THPT cho học sinh các lớp 12 - thông qua trang website của nhà trường và các trang mạng của tổ, nhóm.

Nhà trường yêu cầu giáo viên thường xuyên theo dõi việc làm bài và ý kiến phản hồi của học sinh để cập nhật ôn tập phù hợp với tình hình. Riêng tổ trưởng chuyên môn phải gửi kế hoạch ôn tập cho ban giám hiệu và cập nhật các bài ôn tập, luyện tập trong suốt thời gian tạm nghỉ để phổ biến cho học sinh.

Tại Đồng Nai, cùng với quyết định cho nghỉ học, UBND tỉnh đề nghị Sở GD-ĐT và Đài PT-TH Đồng Nai nghiên cứu lên phương án dạy học trực tuyến qua truyền hình...

Thế nhưng, học trực tuyến như thế nào để hiệu quả vẫn đang là câu chuyện không dễ dàng. Hiện nay, các trường đều có hệ thống kết nối và giáo viên sẵn sàng tham gia nhưng không ít phụ huynh và cả giáo viên nhìn nhận việc day học trực tuyến, giao bài nhận bài qua mạng chỉ là giải pháp nhất thời trong tình huống phát sinh ngoài kế hoạch. Đây mới chỉ là hoạt động chủ yếu để duy trì nếp học tập, để học trò liên hệ nối kết với thầy cô và tạo sự yên tâm cho phụ huynh trong đợt nghỉ bất khả kháng này.

Khó khăn là nhất thời

Trong khi đó, một đại diện Trường THPT Việt Nhật (TP.HCM) cho hay tài chính của nhà trường sẽ không ảnh hưởng dù học sinh có nghỉ học bởi đã có quy định kinh phí trong một năm học. Do vậy, ở đây chỉ là việc đóng trước hay đóng sau.

“Cụ thể, trong một năm học phụ huynh sẽ phải đóng những khoản đã quy định và chia thành 10 lần. Như vậy, nếu tháng này không đóng thì sẽ để lần sau và kéo dài tới tháng 7. Nhà trường cũng sẽ chi trả cho cán bộ giáo viên như bình thường với đầy đủ 12 tháng của năm”.

Theo vị này, nghỉ phòng dịch là yếu tố bất khả kháng, do vậy mỗi đơn vị nên nhìn nhận thực trạng và thực hiện việc này nhẹ nhàng. Hơn nữa, làm giáo dục thì không thể lấy đâu chi đó mà phải có nguồn kinh phí dự trù đề phòng khi rủi ro xảy ra.

Hiệu trưởng một trường trung cấp ở TP.HCM nhìn nhận có lẽ đây giai đoạn khăn chung của nhiều trường tư bởi phần lớn đều phải thuê mặt bằng, lấy học phí trả lương.

Riêng ở trường ông chi phí thê mặt bằng gần 150 triệu đồng/ tháng. Chi phí lương cho cán bộ giảng viên hàng tháng gần 300 triệu đồng. Ngoài ra chưa tính các khoản như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, điện, nước, thuế...Mức chi một tháng ngót nghét 600 triệu đồng. Dù học phí được thu theo kỳ, nhưng hơn 2 tháng sinh viên nghỉ học, các hoạt động khác bị đình trệ. Nhà trường chỉ duy trì ban giám hiệu và bảo vệ làm việc và vẫn phải cố gắng đảm bảo quỹ lương cho cán bộ, giảng viên để vượt qua thời gian này.

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM cho rằng khó khăn ở các trường tư tương đối giống nhau, bởi nguồn thu chủ yếu từ học phí. Vậy nên, để duy trì trường sẽ phải dùng nguồn vốn lưu động để thanh toán các khoản như lương, bảo hiểm, điện, nước.... Dù nghỉ học nhưng nhà trường vẫn phải đảm bảo những khoản lương cơ hữu cho giáo viên.

Tiến sĩ luật Nguyễn Ngọc Sơn nhìn nhận khó khăn của các trường tư thục có thể xảy ra khi các trường này thực hiện thu học phí và các khoản phí khác theo tháng. Đối với các trường thu theo năm học, đương nhiên không giảm các khoản thu cơ bản.

Tuy nhiên, với các trường thu theo tháng, những khó khăn này cũng chỉ là nhất thời. Bởi lẽ từ tổng thể, doanh thu của các trường tính theo năm tài chính, việc nghỉ học vì dịch sẽ được giải quyết bù vào mùa hè chứ không có chuyện học dồn, học gấp để kết thúc năm học. Do vậy, các khoản thu sẽ tính bù vào những tháng mùa hè nên tổng thu theo năm không suy giảm quá nhiều.

Việc nghỉ dịch hoàn toàn là bất khả kháng. Dẫu biết rằng sự bất khả kháng này không làm cho các trường tư giảm số chi cố định (lương, chi tiền thuê cơ sở…), đôi khi còn tăng thêm những khoản chi khác như chi phí tẩy khuẩn… Tuy nhiên, các trường chắc chắn có phương án, kế hoạch tài chính dài hạn” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, trong kinh doanh cũng vậy, không phải mọi thời điểm đều có lợi nhuận và không phải bất kỳ giai đoạn lỗ nào cũng đều đáng lo ngại, buồn phiền. Một đơn vị có sự cân đối tài chính dài hạn sẽ đảm bảo sự ổn định ngay cả rơi vào tình huống bất khả kháng. 

Riêng hoạt động giáo dục được nhiều ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Vậy nên, sự chung tay của các trường trong việc ngăn dịch, dập dịch là tất yếu cho dù có những khó khăn nhất định trong giai đoạn này.

Lê Huyền

Có thể nghỉ học hết tháng 3, tổ chức 4 kỳ nghỉ trong năm học?

Có thể nghỉ học hết tháng 3, tổ chức 4 kỳ nghỉ trong năm học?

- Cùng với các quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học từ 1-2 tuần phòng dịch bệnh virus Covid-19, lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM còn có thêm những đề xuất khác: Nghỉ học hết tháng 3, hoặc tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm học.