- Sáng 10/7, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm lại chức vụ Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2017-2022 cho GS.TS Nguyễn Văn Minh.

GS.TS Nguyễn Văn Minh từng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm 2012 đến nay. Ông Minh nguyên là Trưởng Khoa Vật lý của nhà trường.

Có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói đây vừa là một cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với GS Minh.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Minh được tái bổ nhiệm

Bộ trưởng cũng hy vọng GS Minh tiếp tục phát huy những điểm mạnh của mình để đưa Trường ĐH Sư phạm lên một vị thế mới trong tương lai.

Theo ông Nhạ, trường có điểm mạnh là truyền thống, thương hiệu bậc nhất trong các trường sư phạm; có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản (tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giáo viên cơ hữu đạt 54-55%, trong khi toàn ngành là khoảng 20%)...

{keywords}
Ông Phùng Xuân Nhạ: "Các vị trí chủ chốt trưởng thành từ giáo viên giỏi nghiên cứu nên quản trị còn lúng túng". Ảnh: Thanh Hùng

Bộ trưởng nhìn nhận phần lớn các vị trí chủ chốt trưởng thành từ giáo viên vốn giỏi nghiên cứu, giảng dạy chứ không mạnh về quản lý, quản trị nên khá lúng túng. Việc quản trị nhà trường chủ yếu theo kinh nghiệm bản thân và theo văn bản quản lý nên sự chủ động, sáng tạo bị hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

“Đây không chỉ là điểm yếu của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mà ở hầu hết các trường. Bộ GD-ĐT cũng đã chuẩn bị xây dựng các chuẩn theo các tiêu chí chức danh trong quản trị nhà trường, để từ đó có hướng đào tạo bồi dưỡng để các thầy cô có thêm kiến thức. Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo xây dựng những khóa, chương trình đào tạo quản trị nhà trường đối với bậc phổ thông, đối với bậc đại học là các lớp bồi dưỡng”, ông Nhạ nói.

{keywords}

Bộ trường đặc biệt nhấn mạnh điểm yếu trong việc kết nối giữa các trường sư phạm với các trường phổ thông. Phần lớn các thầy cô rất giỏi nhưng nặng về hàn lâm. Trong khi thực tiễn ở địa phương rất đa dạng phong phú thì việc kết nối trước, trong và sau khi sinh viên tốt nghiệp là chưa thực sự sâu, có chiến lược bài bản.

“Các trường sư phạm và các trường phổ thông giống như mô hình trường đại học y và bệnh viện. Không thể có các bác sĩ giỏi nếu như không có bệnh viện tốt cho sinh viên thực hành. Hiện ngành sư phạm cũng có nhưng chủ yếu vẫn là từ mối quan hệ cá nhân của các thầy cô. Điều này dẫn đến việc phối kết hợp đào tạo giáo sinh chưa thường xuyên, chưa sâu sắc, thiếu bài bản, việc thực tập kiến tập còn nhiều hình thức, nên hiệu quả mang lại chưa cao”, Bộ trưởng Nhạ thẳng thắn.

Theo ông Nhạ, nếu có kết nối bài bản căn cơ thì các bên đều sẽ có lợi chứ không phải là "quan hệ nhờ vả", và mới mang lại hiệu quả cho toàn xã hội.

{keywords}

Chia sẻ tại buổi lễ, GS. TS Nguyễn Văn Minh  cho hay: "Tôi ý thức rằng người đứng đầu không phải là người biết tạo ra được dấu ấn mà cao hơn là tạo ra giá trị và bồi đắp giá trị. Tôi nghĩ mình có thể không làm được tất cả nhưng có trọng trách tìm ra những cách làm để tạo dựng một môi trường đại học đúng nghĩa, để tạo ra những con người văn minh, trí tuệ, trách nhiệm, được thỏa sức sáng tạo và cống hiến”.

Thanh Hùng