- Bằng những nguyên liệu đơn giản và dễ kiếm, vị tiến sĩ người Australia đã chia sẻ phương pháp dạy các môn khoa học mang tính tương tác đầy thú vị.

{keywords}
TS Stuart hướng dẫn các học viên chuẩn bị các dụng cụ thí nghiệm từ những nguyên liệu đơn giản. Ảnh: Lê Văn.

Đó là buổi chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy của TS Stuart Kohlhagen, nguyên là giám đốc Khoa học và học tập của Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia Australia. Những người tham dự chủ yếu là giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên của Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.

Buổi chia sẻ nặng tính chuyên môn về nội dung phương pháp sư phạm lại trở nên vô cùng sôi động với những thí nghiệm nho nhỏ, đơn giản song rất thú vị dành cho những người tham gia.

Thay vì giới thiệu về phương pháp của mình thông qua những slide trên máy chiếu như thông thường, vị tiến sĩ đến từ Australia mở ba lô lấy ra hàng loạt những "dụng cụ thí nghiệm" của mình.

Hầu hết là những thứ người ta có thể mua ở bất cứ cửa hàng tạp hóa nào: Chiếc cốc nhựa uống nước dùng một lần, cuộn chỉ sợi to, băng keo, kéo, dao cắt giấy,…

Ông Stuart cho biết, ông sử dụng những nguyên liệu đơn giản này để dạy nhiều chủ đề khoa học cho học sinh. Và vị tiến sĩ đã thực hành ngay tại lớp.

Để giới thiệu những nguyên lý quang học, ông Stuart đã yêu cầu các học viên tự tay chuẩn bị những chiếc cốc được bịt một đầu bằng giấy bạc còn một đầu bằng giấy thường rồi đục một lỗ nhỏ trên tờ giấy bạc.

Tiếp đó, ông Stuart cầm trên tay chiếc đèn màu đỏ, màu xanh lá và màu xanh lam lần lượt chiếu để các học viên nhìn thông qua chiếc lỗ nhỏ trên miếng giấy bạc bịt ở miệng cốc. Học viên sẽ tự so sánh sự khác biệt khi ông thay đổi vị trí đèn, tự đặt câu hỏi và tự trả lời.

Hầu hết những người tham gia buổi chia sẻ chuyên môn đều thích thú thực hiện thí nghiệm do ông Stuart đưa ra.

Ông Stuart cho biết, việc sử dụng những nguyên liệu đơn giản kết hợp với những tìm tòi khám phá mang tính mở nhằm mục tiêu thu hút cũng như thách thức những bộ óc trẻ là cốt lõi của phương pháp giảng dạy mang tính tương tác mà ông muốn chia sẻ.

Với phương pháp này, học sinh không chỉ học tốt hơn những môn khoa học mang tính học thuật như Toán, Vật lí, Hóa học, Công nghệ, Kỹ thuật… mà còn giúp học sinh trang bị những kỹ năng quan trọng như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và phản biện.

"Ở trung tâm của chúng tôi có một khẩu hiệu rất nổi tiếng, đó là, nếu bạn nghe thì bạn dễ quên, bạn nhìn thì bạn có thể nhớ còn bạn làm thì bạn sẽ thực sự hiểu" - ông Stuart nói.

{keywords}
Các học viên trải nghiệm trực tiếp phương pháp giảng dạy mang tính tương tác mà TS Stuart chia sẻ. Ảnh: Lê Văn.

Theo vị tiến sĩ đến từ Australia, điểm quan trọng của phương pháp dạy mang tính tương tác này là hướng tới trang bị kỹ năng cho học sinh thông qua việc thu hút các em tham gia vào cùng suy nghĩ và giải quyết một vấn đề hay tình huống đặt ra chứ không nhấn mạnh vào cơ sở vật chất.

Những thí nghiệm đơn giản vẫn có thể kích thích trí tò mò, sáng tạo và tư duy phản biện của học sinh mang đến cho chúng những kỹ năng cần thiết trong suốt cuộc đời của các em sau này.

Từ đó, ông Stuart cho rằng, các chính phủ nên đầu tư vào giáo viên để họ chắc chắn và tự tin đứng lớp dạy các em thay vì đầu tư trang thiết bị công nghệ mà chỉ 1-2 năm sau sẽ lạc hậu.

"Đầu tư vào con người sẽ mang lại lợi ích lâu dài hơn" - TS Stuart khẳng định. Đây cũng là mục đích của chuyến chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của ông Stuart lần này.

Lê Văn