Đọc bài tổng hợp này, tôi thấy ai đưa ra ý kiến cũng hay, cũng đầy lí lẽ thuyết phục. Nhưng phải nói thật chỉ có những người trong cuộc mới hiểu.

Trước hết, tôi phải nói rằng, những người đi học bổng 322 không phải là những người "dở", họ đều là những người có khả năng, năng lực, ý chí... Có thế, họ mới có thể đạt được học bổng, trải qua những ngày tháng vất vả, xa lạ nơi xứ người để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình.

Chính vì thế, khi họ định hướng cho tương lai, họ luôn biết cân nhắc và suy nghĩ. Hầu hết họ đều có tài, và trong đó cũng có những người có tâm.


Ngày đến với đất nước mình đang theo học, tôi có sự choáng ngợp, có cả nỗi lo, và đôi khi là sốc.

Để có thể theo học được chương trình ở đây không phải dễ, chưa kể đội ngũ 322 đa phần không được chuẩn bị tốt về ngôn ngữ, nên khó khăn gấp bội.

Mọi người cứ nhìn vào khoản tiền học bổng mà cứ bảo là "dân 322" sung sướng. Nhưng các bạn chưa ngồi nói chuyện phím với các anh tiến sĩ 322 thì chưa biết những câu chuyện dở khóc dở cười. Cười đấy, nhưng xót xa đấy... Có người phải xa vợ, xa con để đi học, chỉ mong sau này được khá hơn, có điều kiện phát triển hơn. Có người từ căn nhà mấy chục mét vuông ở Việt Nam chuyển thành căn phòng chưa đến 18m² ở kí túc.

Với mức học bổng 322 nếu quy ra tiền Việt Nam thì nhiều thật đấy, nhưng đối với cuộc sống ở đây, so với các học bổng khác thì cũng chưa là gì cả. Nếu không biết tiết kiệm, không biết tính toán cho cuộc sống, sẽ cũng dở khóc dở cười.

Đó chỉ là một phần nhỏ, nhưng cái lớn hơn là cuộc sống học tập. Để có được cái bằng tiến sĩ ở nước ngoài đâu có mà đơn giản, ngay cả tiếng nói, ngôn ngữ cũng phải bắt đầu như một học sinh tiểu học. Từ một người có thể "nghe đâu hiểu đấy" ở Việt Nam, trở thành "nghe chưa chắc đã hiểu ngay được", cũng dễ khủng hoảng lắm.  Để vượt qua được 3 năm tiến sĩ không phải đơn giản.


Sống nơi xứ người, nhìn cái nhà kia, cái máy nọ... mà tôi luôn so sánh với Việt Nam, thấy thương cho quê hương mình nhiều lắm. Vì khoảng cách phát triển đúng là quá xa. Cùng là con người, nhưng tại sao cuộc sống, điều kiện sống ở hai đất nước lại quá khác nhau như vậy. Tôi ước ao được mang hết tất cả về cho nhân dân tôi, đất nước tôi, nơi đó có gia đình tôi, bạn bè thân thiết của tôi. Thế nhưng làm sao tôi mang về được, khi mà bạn cố mang một con đại bàng để cho vào một cái lồng của một con chim nhỏ.

Ai đó đòi hỏi chúng tôi cần phải có lý tưởng cộng đồng. Tôi dám khẳng định với người đó là họ chưa chắc có "lý tưởng cộng đồng" bằng chúng tôi đâu.

Bạn đang sống cùng hơn 80 triệu người dân Việt Nam, làm sao bạn thấy nó giá trị so với chúng tôi khi số lượng người Việt ở đây tương đối ít.

Nếu bạn ra đi từ nhỏ thì bạn sẽ không có cảm giác gì cả, nhưng bạn đã gắn bó ở quê hương hơn 20, 30 năm thì bạn đã thực sự gắn bó với nó rồi, bạn có thể quên nó vài năm, nhưng bạn không thể quên nó suốt đời.

Hầu hết chúng tôi đều muốn về Việt Nam sống và làm việc, vì dù ở đâu quê hương mình vẫn ấm áp nhất, đó là chân lí muôn đời cho những ai đang sống nơi xứ người.

Bạn có cố gắng hòa nhập với xã hội hiện tại, nói tốt ngôn ngữ họ, hiểu rõ văn hóa họ, nhưng tâm hồn, hình dáng bạn vẫn là người Việt Nam mà thôi. Nên chuyện về hay ở sẽ là sớm hay muộn mà thôi.

Tôi dám khẳng định: Việt Nam không bao giờ mất nhân tài. Mọi người phải hiểu rằng, một ông tiến sĩ tốt nghiệp xong về nước, và một ông tiến sĩ tốt nghiệp và có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài rồi về nước có giá trị và đóng góp hoàn toàn khác nhau.


Còn nói về chuyện làm ngoài hay làm trong cơ quan nhà nước, bạn cũng đều đóng góp chung cho xã hội Việt Nam, đất nước Việt Nam, tôi chẳng thấy có gì là khác nhau. Đừng nhìn vào "đồng lương" mà vội đánh giá họ ích kỉ hay không.

Hãy tạo cho trí thức một môi trường công bằng, và hãy thể hiện Nhà nước đã sử dụng đồng tiền của dân hợp lí như thế nào qua cách Nhà nước "bỏ tiền đầu từ" và "chiền lược kinh doanh" của mình.

Tôi thấy hiện nay, thực sự dự án 322 chỉ mời thành công ở khâu "đầu tư" nhưng chưa có "chiến lược kinh doanh" đúng mức, nên chuyện "sinh lợi" hãy còn mờ mịt lắm. Các nước khác đã bước lên nền kinh tế thứ ba "kinh tế tri thức" từ lâu rồi mà tôi thấy Việt Nam hãy còn chậm.

  • Bạn đọc Cris Trần