Trường Mầm non Nghĩa Thắng (xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa) được xác định là điểm trường trung tâm xã với quy mô nuôi dạy 400 cháu. Dự án có tổng diện tích xây dựng khoảng 5.100 m2 và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 do UBND huyện Tư Nghĩa làm chủ đầu tư với tổng vốn 4,9 tỷ đồng trên diện tích 567 m2.

{keywords}
Trường Mầm non Nghĩa Thắng đóng cửa suốt nửa năm vì thiếu kinh phí xây dựng các hạng mục phụ

Công trình hoàn thành từ cuối năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Nguyên nhân được đưa ra là hết vốn xây các hạng mục phụ trợ khác.

Theo ông Nguyễn Hoàng Chín - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng, công trình đã được UBND huyện bàn giao cho xã quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, trường còn thiếu nhiều hạng mục quan trọng như bếp ăn bán trú, nhà hiệu bộ, tường rào, cổng ngõ, sân chơi, trang thiết bị… nên đành phải đóng cửa.

“Cái quan trọng nhất là bếp ăn, trang thiết bị dạy học mà không có thì làm sao hoạt động. Vừa qua xã đã có tờ trình xin kinh phí đầu tư các hạng mục này để đưa trường vào sử dụng”, ông Chín cho hay.

{keywords}
Dãy phòng học Trường Mầm non Nghĩa Thắng nằm chơ vơ suốt nửa năm qua

Không chỉ riêng huyện Tư Nghĩa, 2 điểm trường mầm non tại huyện đảo Lý Sơn cũng rơi vào tình trạng "cửa đóng then cài" suốt một thời gian dài.

Theo đó, Trường Mầm non xã An Vĩnh được đầu tư xây dựng trên diện tích 442 m2 với quy mô 2 tầng, 6 phòng học cùng nhiều hạng mục phụ. Tổng vốn đầu tư của công trình gần 8,2 tỷ đồng. Dù được bàn giao từ tháng 9/2018 nhưng đến nay điểm trường này vẫn đóng cửa im ỉm.

{keywords}
Trường Mầm non An Vĩnh được khánh thành từ tháng 9/2018 rồi đóng cửa suốt từ đó đến nay.

Ngoài điểm trường xã An Vĩnh, 4 phòng học tại điểm trường mầm non xã An Hải cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Và không biết từ khi nào, khuôn viên điểm trường này bị người dân "biến" thành nơi tập kết rác vô cùng nhếch nhác.

{keywords}
Điểm trường Mầm non xã An Hải bị biến thành nơi tập kết rác

Việc đầu tư xây dựng 2 điểm trường khang trang nhằm từng bước giảm tải, nâng cao chất lượng giáo dục bậc mầm non trên địa bàn huyện Lý Sơn. Tuy nhiên, trường xây xong rồi đóng cửa suốt một thời gian dài khiến người dân cảm thấy khó hiểu.

Theo ông Phan Văn Thảo - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lý Sơn, toàn huyện hiện có 60 giáo viên bậc mầm non. Nếu chỉ tính số điểm trường đang hoạt động vẫn thiếu 7 giáo viên. Riêng 10 phòng học mới cần thêm khoảng 19 giáo viên mới có thể đi vào hoạt động.

"Theo quy định thì từ tháng 1/2019 không thể ký hợp đồng với giáo viên để giảng dạy. Do đó, không có nguồn giáo viên để đưa 2 điểm trường này đi vào hoạt động", ông Thảo cho biết.

Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn xác nhận tình trạng nói trên và cho biết dù huyện đã xin thêm biên chế giáo viên nhưng chỉ tiêu được tuyển rất ít. Lần thi tuyển gần đây nhất vào năm 2018, huyện xin tuyển 32 chỉ tiêu nhưng tỉnh chỉ cho 11, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên kéo dài.

"Huyện đang xem xét để ký hợp đồng với giáo viên và dùng tiền tiền học phí phụ huynh đóng để chi trả. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục kiến nghị tỉnh phân bổ đủ chỉ tiêu tuyển dụng theo nhu cầu thực tế trong lần thi tuyển sắp tới", ông Ninh nói.

An Nhiên

Cô trò mầm non phát hoảng khi nền lớp học nổ, nứt gạch

Cô trò mầm non phát hoảng khi nền lớp học nổ, nứt gạch

Trong lúc Phòng GĐ-ĐT đang làm việc với Ban giám hiệu, sàn phòng học ở trường mầm non từng bị tố cho trẻ ăn cơm mốc, đầu cá bất ngờ phát ra tiếng nổ, gạch nền bị nứt vỡ.