Là giáo viên dạy môn Lịch sử và Giáo dục công dân ở trường THCS, với 34 năm công tác giảng dạy trong ngành giáo dục, tôi đã chứng kiến nhiều đổi thay, đổi mới của ngành để vươn lên phát triển cùng xu thế của thế giới, của thời đại. Song dịch Covid-19 lần này đến bất ngờ và diễn biến rất phức tạp, hoàn toàn khác với những gì đã từng xảy ra, khiến tất cả phải thay đổi để thích ứng.

Đối với tôi, ba tháng ở nhà vì dịch bệnh là khoảng thời gian nhiều kỉ niệm khó quên trong đời đi dạy học. Nhưng tôi nhớ nhất là những tiết dạy trực tuyến đầu tiên thực hiện ở nhà, xin được sẻ chia cùng độc giả và đồng nghiệp.

Thú thật, với cá nhân tôi, việc dạy trực tuyến là khó khăn, trở ngại lớn bởi đã gần tuổi hưu (57 tuổi). Lâu nay, trình độ vi tính của tôi là chỉ biết gõ chữ trên bàn phím. Nay phải dạy trực tuyến nên ban đầu, sau khi đã tự loay hoay mãi mà không ổn, tôi phải nhờ cậu con trai là sinh viên năm thứ tư, nhưng cũng đang nghỉ ở nhà tránh dịch, làm quân sư.

Để chuẩn bị cho tiết dạy trực tuyến 45 phút, tôi phải mất hai ngày chuẩn bị. Tiết dạy trực tuyến về hình thức có khác với dạy trực tiếp, không có sự tương tác nhiều giữa thầy với trò, thường diễn ra một chiều, ngoài các em học sinh tham gia học còn có sự giám sát của phụ huynh… nên tất cả đều phải chỉn chu, từ giáo án đến từng lời nói. Tôi cảm thấy rất áp lực.

Vạn sự khởi đầu nan. Tiết dạy trực tuyến đầu tiên của tôi theo phân phối chương trình là tiết 22, bài 18 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, môn Lịch sử lớp 9.

Để tiết dạy “có hồn”, tôi phải tập dượt nhiều lần, làm sao để nhịp nhàng giữa từng lời nói với slide PowerPoint. Sau nhiều lần tập luyện, tôi mới chính thức ghi âm ghi hình, tạo video gửi cho bộ phận chuyên môn duyệt để đưa lên trang web của trường.

Thế nhưng, những cố gắng ban đầu của tôi lại nhận được phản hồi rất… phũ phàng. Người phản hồi lại không phải là đồng nghiệp, không phải học sinh hay phụ huynh. Đây là một người rất đặc biệt, vốn dĩ tôi không ngờ, đó là… vợ tôi.

Chẳng là, sau khi thực hiện xong tiết dạy, tôi mở lại xem. Vợ tôi ngồi xem cùng buông lời nhận xét: “Giọng anh nói còn bị cứng, giống như cọp nhai đậu phộng vậy”.

Thật là buồn, dù đã cố gắng nhưng vẫn bị vợ chê! Vậy cần phải cố gắng hơn nữa cho tiết sau, tôi tự hứa.

Hơn nữa, như tôi đã lường trước, ngoài học sinh vào học, phụ huynh cũng có thể vào trang web của trường để “thẩm định năng lực giảng dạy của thầy”. Áp lực thật đấy, nhưng cũng là động lực để cố gắng.

Rút kinh nghiệm giọng còn bị cứng, tiết dạy trực tuyến thứ hai mà tôi thực hiện là bài 12, môn Giáo dục công dân lớp 9 về Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân.

Để có tiết dạy sinh động, lần này không còn lúng túng, tôi đã thay đổi tư thế giảng bài. Không còn ngồi dạy như ở tiết trước, tiết này tôi đứng lên, đi qua đi lại, huơ tay như đứng trước lớp nên giọng nói trở nên tự nhiên. Đó cũng là kinh nghiệm đầu tiên mà tôi rút ra được khi dạy trực tuyến.

Lần này, tôi được con trai khen là “lôi cuốn và hấp dẫn”, quả thật là rất vui.

Nhưng hôm sau, khi tôi dạy tiết Lịch sử, tôi còn bất ngờ và sung sướng hơn bởi có hai cô giáo trẻ dạy cùng trường đã gọi điện thoại. Cô Thanh Hòa nói rằng “Thầy dạy hình thức này hay quá, chỉ cho em với”, còn cô Lý nói “Sao anh dạy lồng tiếng rõ hay vậy”. Tôi tự hào lắm, thế mới là “gừng càng già càng cay”…

Rồi cũng quen dần, và tôi nghĩ rằng mình phải cảm ơn Bộ GD-ĐT triển khai việc dạy học trực tuyến, để giúp cho tôi có thêm kỹ năng sư phạm về phương pháp giảng dạy này. Ban đầu dù có những khó khăn, bỡ ngỡ nhất định nhưng tôi cùng với bao thầy cô phải cố gắng để thực hiện trách nhiệm truyền thụ kiến thức cho học sinh, như Bác Hồ đã căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt”.

Tôi thầm chợt nghĩ, đúng là “mọi việc đều có giá của nó” - sự cố gắng sẽ đem lại niềm vui. Tôi đã cố gắng rất nhiều để có những tiết dạy giúp học sinh thêm yêu thích môn học vẫn được xem là môn phụ, ít được quan tâm: Lịch sử và Giáo dục công dân. Và những niềm vui mà sự cố gắng này đem lại thật vô giá.

Các bạn có niềm vui nào trong “kỳ nghỉ Tết lịch sử” này không?

Ngân Anh ghi theo lời kể của thầy Nguyễn Văn Lực – Giáo viên Trường THCS Diên Khánh, Khánh Hòa

Cách tính tiết dạy của giáo viên từ dạy học trực tuyến

Cách tính tiết dạy của giáo viên từ dạy học trực tuyến

- Bộ GD-ĐT vừa ban hành công văn hướng dẫn về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019-2020.