Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân I, anh Vừ Mí Chứ được chuyển sang lực lượng Bộ đội Biên phòng và nhận công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú.

Đây là địa bàn rộng, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của người dân còn hạn chế.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn..., anh Chứ xác định việc cần thiết và quan trọng không kém là phải vận động các gia đình cho con em đi học.

Đồn Biên phòng Lũng Cú phụ trách 2 xã Ma Lé và Lũng Cú của huyện Đồng Văn với tổng số học sinh trong độ tuổi đến trường là 2.592 em. Song đời sống của nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, ít quan tâm đến việc học chữ của con em. 

Sinh ra và lớn lên trên địa bàn, anh Chứ tích cực tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức, thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang về việc thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Năm 2014, khi chương trình được phát động, anh đã trực tiếp tham gia cùng với chính quyền địa phương và nhà trường rà soát trên địa bàn, lựa chọn và nhận đỡ đầu 4 cháu học sinh (2 cháu mồ côi cha mẹ, 2 cháu có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi).

Năm 2016, theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang về việc thực hiện 100 suất đỡ đầu của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong chương trình “Nâng bước em tới trường”, anh đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, nhà trường rà soát, lựa chọn 8 cháu đảm bảo đối tượng, tiêu chuẩn.

Quá trình rà soát, anh thấy có 3 cháu nhỏ là chị em trong một gia đình người H’Mông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bố chết, mẹ bỏ đi lấy chồng xa và phải ở với bà nội đã hơn 70 tuổi, không còn khả năng lao động và nuôi dưỡng (các cháu gồm Thò Thị Dính, Thò Mí Và, Thò Thị Xúa ở thôn Má Lủng, xã Má Lé, huyện Đồng Văn).

{keywords}
 

Không chần chừ, anh đã tham mưu cho đơn vị phối hợp với địa phương, nhà trường đón các cháu về nuôi dưỡng tại Đồn Biên phòng Lũng Cú. Anh Chứ cũng được giao nhiệm vụ chăm sóc, dạy học hằng ngày cho 3 đứa trẻ.

“Tôi đã dành hết tình yêu thương của mình cho 3 cháu như con đẻ của chính mình”, anh Chứ kể.

Cứ thế, mỗi ngày, cho đến khi lũ trẻ chìm trong giấc ngủ, anh mới yên tâm trở về phòng của mình. Trước những tình cảm đó, lũ trẻ còn trìu mến gọi anh là cha.

“Vậy là tôi có thêm 3 đứa con nhưng cũng có thêm ngần ấy nỗi lo toan trách nhiệm với cuộc đời của chúng. Những ngày đầu 3 con mới về đơn vị, việc nuôi dưỡng và dạy bảo gặp không ít khó khăn, bởi cả 3 đều gần như không nói sõi được tiếng phổ thông, chưa kể cháu bé nhất mới chỉ 4 tuổi. Tôi vừa dạy nói, dịch tiếng, rồi dạy chữ, dịch chữ”.

Dành cho những đứa trẻ tình thương yêu như với chính con ruột, nên anh Chứ không quản ngại vất vả. Hằng ngày, ngoài giờ các con tới trường lên lớp, mỗi tối, anh lại kèm cặp các em học tập, kiểm tra lại kiến thức tiếp thu trên lớp và bù đắp thêm nếu còn yếu. Rồi lại xuống bản, làng giúp dịch tiếng Mông sang tiếng Việt và ngược lại phụ giúp giáo viên ở lớp học,...

Không chỉ một mình chăm sóc các con, anh còn nhờ và kéo cả vợ vào việc dạy bảo 3 đứa trẻ cùng mình, bởi vợ anh cũng ở gần đơn vị. 

Đầu năm 2020, anh được điều động chuyển công tác sang Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang - cách Đồn Biên phòng Lũng Cú 100 km. Đồn Biên phòng Sơn Vĩ đóng chân trên địa bàn xã Sơn Vĩ (huyện Mèo Vạc) - một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh khi tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Nhiều cháu học sinh nơi đây chưa đến tuổi lao động đã phải đi làm vất vả để kiếm sống.  

Thực hiện Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang phát động, anh tiếp tục nhận nuôi dưỡng thêm 6 người con là những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số này, 1 cháu mồ côi cả bố và mẹ; 5 cháu còn lại mồ côi bố hoặc mẹ, nhưng đều bị bỏ lại, không được chăm sóc, nuôi dưỡng mà phải sống nhờ tạm bợ. Tât cả cũng đều yêu thương gọi anh là cha.  

Anh Chứ tâm sự, thời gian tới, sẽ tiếp tục những công việc gắn bó với ngành giáo dục như: Vận động trẻ tới trường, phiên dịch giúp học trò và giáo viên trong các buổi học khi cần; chỉ bảo và dạy người dân những kỹ năng trồng trọt cần thiết, tuyên truyền giúp người dân hiểu được các chủ trương, chính sách… Đặc biệt, anh sẽ tiếp tục dạy bảo và chăm sóc cho 6 đứa trẻ tại Đồn Biên phòng Sơn Vĩ mà anh nhận nuôi với hy vọng các em sẽ trở thành những con người có ích cho xã hội.

Hải Nguyên

'Quả ngọt' của cô giáo mầm non ở Tuần Giáo

'Quả ngọt' của cô giáo mầm non ở Tuần Giáo

Vượt khó khăn nơi vùng cao, cô Cà Thị Thoa (giáo viên Trường Mầm non Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) thu về “quả ngọt” khi kết quả huy động trẻ ra lớp luôn vượt kế hoạch giao, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ nâng lên rõ rệt.