Chia sẻ với VietNamNet, TS Nguyễn Việt Cường cho biết, số liệu sử dụng để tiến hành phân tích là từ Tổng Điều tra dân số và nhà ở 2009 - tổng điều tra dân số mới nhất cho đến nay.

“Số liệu này không có thông tin về chi tiêu hay thu nhập vì nó là Tổng điều tra nên câu hỏi phải ngắn gọn. Tuy nhiên có các thông tin về tài sản loại nhà ở, diện tích, tiếp cận nước máy, và các đồ dùng lâu bên như tivi, tủ lạnh, xe máy, điều hòa, máy giặt,.... Chúng ta có thể xây dựng chỉ số tổng hợp chung từ các biến nhà ở và tài sản này, gọi là chỉ số tài sản. Chỉ số này hiểu như là trung bình có quyền số của các biến tài sản nói trên, và nó thường được chuẩn hóa để có trung bình bằng không và độ lệch chuẩn là 1. Hộ nào có chỉ số gần 0, có nghĩa là mức tài sản thuộc nhóm trung bình, lớn hơn 1 là nằm trong khoảng 15% dân số giàu nhất, và hơn 2 là khoảng 5% dân số giàu nhất. Tương tự là nếu dưới -1 thì nằm trong nhóm 5% dân số nghèo nhất.  Sau đó mình hồi quy OLS chỉ số tài sản này theo nghề chính của chủ hộ, có kiểm soát các biến về tuổi, giới tính, học vấn chủ hộ, quy mô hộ, số trẻ em và người già, thành thị, dân tộc. Nghề của chủ hộ được phân thành các nhóm: thầy bói (và thầy cúng), giáo viên tiểu học, giáo viên trung học, giảng viên, người làm quản lý, và các nghề còn lại, trong đó các nghề còn lại được sử dụng làm nhóm tham chiếu. Những hộ mà chủ hộ không đi làm được bỏ ra khỏi mẫu”, TS Cường giải thích về nghiên cứu của mình.

{keywords}
 

Kết quả cho thấy chủ hộ làm lãnh đạo thì có mức tài sản cao nhất, gần 0.5 độ lệch chuẩn so với những người làm nghề còn lại.

Giáo viên tiểu học có mức tài sản tương đương với các nhóm nghề khác.

Điều đáng buồn nhất là giáo viên trung học (THCS và THPT) có mức tài sản thấp nhất, thấp hơn những 0.2 độ lệch chuẩn so với các nghề khác, tức là họ dưới mức trung bình so với xã hội.

Thầy bói và thầy cúng có mức tài sản hơn hẳn giáo viên tiểu học và trung học. Họ chỉ kém giáo viên đại học.

“Mặc dù phân tích trên chỉ là tương quan, và chưa phản ánh mối quan hệ nhân quả giữa nghề nghiệp và giàu có, nhưng nó cho thấy thầy bói có mức sống tốt hơn giáo viên, đặc biệt là các giáo viên trung học. Kết quả thực sự đáng buồn. Tôi nghĩ ở các thành phố lớn thầy cô giáo có thể dạy thêm và có thu nhập cao, chứ nhìn chung cả nước thì không phải vậy”.

Về hướng đi tiếp trong nghiên cứu của mình, TS Cường cho hay khi có số liệu Tổng Điều tra dân số 2019 sẽ phân tích lại khi mức sống của nhà giáo đã được cải thiện so với trước đây 10 năm.

Khảo sát cùng những kết luận sau nghiên cứu của TS Nguyễn Việt Cường hiện vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý từ cộng đồng.

Cũng có ý kiến nên phân tích thêm về nhóm đối tượng thầy thuốc.

Một thành viên chia sẻ: “Thầy bói lương cao hơn thầy giáo không có gì lạ và bất thường, do cung cầu thị trường cả thôi. Về lâu dài sẽ về điểm cân bằng. Cũng tương tự việc lương người giúp việc có thể cao hơn lương kế toán viên thôi”.

Thành viên Phùng Đức góp ý: “Tôi thì nghĩ rằng thu nhập thầy bói có trung bình cao nhưng độ phân tán thấp, trong khi thu nhập của giáo viên nói chung thấp nhưng độ phân tán cao”.

Ghi nhận những yếu tố cần phân tích tiếp, TS Cường cũng chia sẻ thực tế cũng cần lưu ý là không phải ai cũng thích làm thầy bói và có muốn thì việc gia nhập cũng phải không dễ dàng.

Thanh Hùng

Chi tiêu cho đồ cúng gấp gần 8 lần đồ chơi và sách truyện trẻ em

Chi tiêu cho đồ cúng gấp gần 8 lần đồ chơi và sách truyện trẻ em

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Việt Cường (hiện làm việc tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong) cùng khảo sát mới đây của mình hiện đang nhận được nhiều sự chú ý trên mạng xã hội Facebook.