Yuta Ito, 10 tuổi, đã thú nhận với bố mẹ rằng mình không còn muốn đến trường nữa. Trong nhiều tháng theo học tại trường tiểu học, Yuta Ito đi học với sự miễn cưỡng. Cậu thường xuyên bị bắt nạt và đánh nhau với các bạn cùng lớp.

Nghe con trai nói vậy, cha mẹ Yuta Ito đã đưa ra 3 lựa chọn: đưa Yuta đến trường tham gia trị liệu với chuyên viên tư vấn tâm lý học đường, giáo dục tại nhà hoặc gửi cậu đến một trường học tự do. Yuta Ito đã chọn phương án cuối cùng.

Bây giờ, Yuta dành thời gian đi học để làm bất cứ điều gì cậu muốn và bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều.

{keywords}

Trường học tự do đặt ra những quy tắc riêng

Yuta là một trong số những trẻ “futoko” của Nhật Bản, được Bộ Giáo dục định nghĩa là trẻ em không đến trường trong hơn 30 ngày vì những lý do không liên quan đến sức khỏe hoặc tài chính.

Thuật ngữ này đã được dịch theo nhiều cách như vắng mặt, trốn học, ám ảnh học đường hay bài xích trường học.

Thái độ của người dân Nhật Bản đối với “futoko” đã thay đổi qua nhiều thập kỷ. Năm 1992, hiện tượng này được gọi là từ chối trường học, sau đó được gọi là “tokokyoshi” (có nghĩa là kháng cự). Nhưng vào năm 1997, thuật ngữ này đã thay đổi thành “futoko” mang sắc thái trung tính hơn, có nghĩa là không tham dự.

Ngày 17/10, Chính phủ Nhật Bản cho biết, số lượng học sinh Tiểu học và THCS vắng mặt đã đạt mức cao kỷ lục, với 164.528 trẻ vắng mặt trong 30 ngày trở lên trong năm 2018, tăng từ con số 144.031 vào năm 2017.

Các phong trào trường học tự do bắt đầu nở rộ ở Nhật Bản từ những năm 1980 để đáp ứng số lượng “futoko” ngày càng tăng. Đây là một lựa chọn thay thế được chấp nhận cho giáo dục bắt buộc cùng với việc giáo dục tại nhà, nhưng học sinh sẽ không được cấp bằng công nhận.

Số lượng học sinh theo học các trường tự do đã tăng vọt trong những năm qua, từ 7.424 vào năm 1992 đến 20.346 trong năm 2017 .

Bỏ học có thể gây ra hậu quả lâu dài và có nguy cơ cao là những người trẻ có thể tách mình ra khỏi xã hội, tự nhốt mình trong phòng. Đáng lo ngại hơn, sẽ có số lượng lớn học sinh tự kết liễu đời mình. Năm 2018 là năm có số vụ tự tử ở trường học cao nhất trong 30 năm qua với 332 trường hợp.

Năm 2016, số vụ tự tử của học sinh ngày càng tăng khiến Chính phủ Nhật Bản phải thông qua một đạo luật nhằm ngăn ngừa nguy cơ tự tử của học sinh với các khuyến nghị đặc biệt dành cho các trường học.

Tại sao nhiều trẻ em Nhật Bản lại không muốn đến trường?

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng “futoko” là hoàn cảnh gia đình, vấn đề cá nhân với bạn bè hoặc bị bắt nạt. Nhiều học sinh bỏ học cho biết rằng các em không hòa đồng với bạn bè, đôi khi là mâu thuẫn với cả giáo viên.

{keywords}

Học sinh có thể chọn những hoạt động muốn làm trong các trường học tự do

Đó cũng là trường hợp của Tomoe Morihashi. Cô bé 12 tuổi cho biết: “Em cảm thấy không thoải mái khi ở cùng nhiều người. Cuộc sống học đường thật tẻ nhạt”.

Tomoe mắc chứng câm chọn lọc gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao tiếp và xuất hiện trước đám đông. Em không thể nói chuyện ngoài phạm vi gia đình và thấy khó tuân theo những quy tắc cứng nhắc trong trường học.

“Quần chỉ một màu, tóc cũng không được nhuộm, dây buộc tóc cũng có màu nhất định và không được đeo chúng lên cổ tay”, cô bé kể.

Nhiều trường học ở Nhật Bản kiểm soát trên mọi khía cạnh về ngoại hình của học sinh, ví dụ như buộc học sinh phải có tóc nâu đen hoặc không cho học sinh mặc quần bó, áo khoác ngay cả trong thời tiết lạnh. Thậm chí trong một số trường học còn quyết định cả màu quần lót của học sinh.

Những quy định này được gọi là “quy tắc đen trong trường học” -  thuật ngữ được sử dụng phổ biến để chỉ các công ty chuyên bóc lột sức lao động của nhân công.

Bây giờ Tomoe cũng giống như Yuta, theo học tại trường tự do Tamagawa ở Tokyo, nơi học sinh không cần mặc đồng phục và tự do lựa chọn các hoạt động của mình theo một kế hoạch được thống nhất giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh. Các em được khuyến khích phát huy kỹ năng và sở thích cá nhân.

Tại trường, có máy tính cho các lớp học tiếng Nhật và Toán, một thư viện đầy ắp sách và truyện tranh. Không khí tại trường thân mật giống như một gia đình lớn. Học sinh có thể trò chuyện cởi mở và chơi cùng nhau.

“Mục đích của ngôi trường này là phát triển các kỹ năng xã hội”, Takashi Yoshikawa – Hiệu trưởng nhà trường nói.

Cho dù đó là thông qua việc học tập, tập thể dục hay chơi trò chơi, điều quan trọng trường học này hướng tới là giúp trẻ thoải mái, không hoảng loạn khi chơi trong một tập thể.

Ông Yoshikawa mở trường vào năm 2010, trong một căn hộ ba tầng nằm ở khu dân cư Fuchu, Tokyo. “Ban đầu, tôi hy vọng sẽ nhận được những học sinh từ 15 tuổi trở lên, nhưng các em đăng ký mới chỉ 7-8 tuổi. Hầu hết các em đều im lặng do mắc chứng câm chọn lọc và không làm gì ở trường cũ”, ông nói và tin rằng vấn đề giao tiếp là căn nguyên của việc từ chối trường học của hầu hết học sinh.

GS. Ryo Uchida, chuyên gia giáo dục tại Đại học Nagoya cho rằng, việc trong lớp có 40 học sinh mỗi năm có thể xảy ra nhiều vấn đề.

Theo GS Uchida, đối với nhiều học sinh, các em không cảm thấy thoải mái trong các lớp học quá đông, nơi các em phải làm mọi thứ với các bạn cùng lớp trong một không gian nhỏ.

Hơn nữa, ở Nhật Bản, trẻ sẽ học cùng nhau từ năm này qua năm khác. Vì vậy, nếu có vấn đề xảy ra, việc đi học sẽ trở thành ám ảnh.

“Do vậy việc xuất hiện các trường học tự do có ý nghĩ rất lớn. Tại đây, trường có xu hướng coi trọng suy nghĩ và cảm xúc của từng học sinh”, GS Uchida nói.

Mặc dù các trường học tự do là một giải pháp thay thế, nhưng các vấn đề trong chính hệ thống giáo dục vẫn là một vấn đề. Theo GS Uchida, việc không chú trọng đến sự đa dạng của học sinh là vi phạm quyền con người.

Vào tháng 8, nhóm chiến dịch “Dự án loại bỏ quy tắc đen trong trường học” đã gửi đơn kiến nghị trực tuyến tới Bộ Giáo dục Nhật Bản được ký bởi hơn 60.000 người, yêu cầu điều tra những quy tắc vô lý trong trường học. Quận Osaka sau đó đã ra quyết định xem xét lại các quy tắc học đường và khoảng 40% trường học đã thực hiện những thay đổi.

Giáo sư Uchida cho rằng Bộ Giáo dục dường như chấp nhận việc học sinh nghỉ học không phải sự bất thường mà là một xu hướng. Ông coi đây là sự thừa nhận ngầm rằng trẻ em “futoko” không phải vấn đề mà là các em đang phản ứng lại hệ thống giáo dục không cung cấp môi trường giáo dục lành mạnh.

Trường Giang (Theo BBC)

3.000 học sinh phải thi lại môn Toán, thanh tra toàn bộ quy trình ra đề

3.000 học sinh phải thi lại môn Toán, thanh tra toàn bộ quy trình ra đề

 - Sau sự việc hi hữu toàn bộ học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân (Hà Nội) phải thi lại môn Toán do có 70% bài thi dưới điểm trung bình, ngày 20/12, UBND quận này đã yêu cầu thanh tra toàn bộ quy trình ra đề.