Hoạt động học nuôi dưỡng cảm xúc thật

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Tổng chủ biên SGK môn Đạo đức, Giáo dục công dân của bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” cho hay, Đạo đức, Giáo dục công dân là môn học dễ rơi vào giáo điều, thuyết giảng một cách khô cứng. Điều đó khiến học sinh chán học. Những bài giảng phải thuộc lòng máy móc không đem lại hứng thú, cảm xúc và không thực sự “ngấm” để trở thành thói quen, hành vi, nhận thức của học sinh. “Chúng tôi quan tâm việc làm thế nào để học sinh hứng thú với môn học, trước hết là cảm xúc của các em.

"Vì thế, khi biên soạn SGK mới môn Đạo đức, chúng tôi thống nhất cách tiếp cận nhằm khơi dậy cảm xúc. Cảm xúc không thể áp đặt hay làm thay được mà phải chính từ bản thân các em cảm nhận qua các hoạt động học tập mới có thể có có được thực sự”, bà Lộc nói.

{keywords}
Giới thiệu bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực".

Theo GS Lộc để biên soạn cuốn sách đảm bảo yêu cầu đặt ra, ngoài việc nghiên cứu tâm sinh lý lứa tuổi để thiết kế các nội dung phù hợp, gần gũi, tạo hứng thú, nhóm biên soạn phải đi thực nghiệm ở nhiều địa phương, với các đối tượng học sinh khác nhau. Từ đó, SGK Đạo đức lớp 1 của bộ sách này được thiết kế theo các chủ đề gần gũi, cần thiết trong cuộc sống thường ngày với các câu chuyện, tình huống…

SGK gợi mở cho giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động đa dạng theo chủ đề như đóng vai trong các tình huống, tham gia trò chơi, tương tác giữa cặp đôi, trong nhóm… Qua hoạt động, trải nghiệm, học sinh được trao đổi, nói lên suy nghĩ, tình cảm của mình. Với cách thiết kế này, các hoạt động của học sinh không chỉ gói trong phạm vi lớp học mà giáo viên có thể “giao việc” cho học sinh quan sát xung quanh, nhờ cha mẹ giải đáp…

Tương tác không chỉ là học sinh với nhau hay với giáo viên, mà còn với cha mẹ và những người lớn trong cộng đồng dân cư. Theo GS Lộc, những chủ đề được chọn sẽ có tác động tích cực đến thói quen, hành vi, từ đó hình thành dần các giá trị cho trẻ.

“Điều này sẽ rất khác với việc ta đưa cho trẻ một giá trị trừu tượng nào đó bắt ghi nhớ nhưng trẻ không hiểu và không biết thể hiện nó ra sao”.

Nạp kiến thức từ cuộc sống

Quan điểm của nhóm tác giả SGK môn Tiếng Việt trong bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” cũng đặt ra những mục tiêu khác so trước đây khi học tiếng Việt là chỉ học vần, chữ từ những mẫu sẵn trong sách.

Theo đó, dù nội dung lõi vẫn dựa trên nền tảng chuyên môn về Tiếng Việt, nhưng những bài học được đặt trong tình huống, câu chuyện của cuộc sống thường ngày.

Các bước hoạt động học cũng được viết dễ hiểu để gợi mở cho giáo viên linh hoạt, sáng tạo trong cách tổ chức hoạt động học cho học sinh.

PGS.TS Trần Thị Hiền Lương, Chủ biên sách Tiếng Việt của bộ SGK này cho biết, các bài học đều thiết kế gắn với các tình huống giao tiếp thực tế quen thuộc với học sinh. Cũng vì thế, học sinh có thể sử dụng vốn ngôn ngữ đã có để phát triển lên.

“Không phải chỉ yêu cầu học sinh làm các bài luyện tập, ngồi viết vào vở, mà các em được thực hiện các hoạt động, trò chơi, cuộc thi như thi viết đúng, điền chữ viết đúng một cách nhanh nhất. Khi học sinh nhìn vào bài học là biết mình phải làm gì, hoạt động như thế nào. Điều đó tạo cho học sinh hứng thú học tập”, bà Hiền Lương chia sẻ.

Với cách thiết kế này, theo bà Lương, học sinh không học tiếng Việt theo cách bắt chước theo mẫu một cách cứng nhắc.

{keywords}
PGS Trần Thị Hiền Lương trao đổi với giáo viên Lào Cai khi dạy thử nghiệm sách mới.

Các tình huống học tập sẽ gợi ý cho học sinh bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc và sử dụng vốn ngôn ngữ của mình để diễn đạt. Giáo viên là người dẫn dắt để qua các hoạt động, học sinh có được vốn ngôn ngữ và hiểu cách sử dụng nó trong những tình huống cụ thể.

Cùng một yêu cầu học tập, mỗi học sinh sẽ có thể có các cách trả lời khác nhau chứ không chỉ một đáp án đúng do cô giáo đưa ra. Không chỉ với môn Tiếng Việt mà các môn Tự nhiên và Xã hội hay Toán, các tác giả viết SGK mới cũng tìm tòi để có các hướng tiếp cận gần gũi, khơi dậy hứng thú và tâm thế học tích cực của học sinh.

GS.TSKH Đinh Thế Lục, Tổng chủ biên môn Toán bậc tiểu học của bộ sách này chia sẻ: “Lâu nay môn Toán bị xem là môn rất khó đối với học sinh bởi vì các em phần lớn là chỉ học lý thuyết, có nghĩa là học kiến thức nhưng mà không hiểu được là kiến thức đó từ đâu ra, và không hiểu được là kiến thức đó nên áp dụng như thế nào vào những điều kiện thực tế”. Do đó, SGK môn Toán đã đưa vào các tình huống gần gũi với đời sống, gợi ý cho học sinh những nội dung kiến thức trong bài học xuất phát từ đâu, sử dụng trong tình huống nào. Từ đó học sinh hiểu được ý nghĩa mỗi khái niệm, nắm vững các phương pháp. Lúc đó học sinh sẽ áp dụng dễ dàng, sẽ thấy dễ hiểu hơn, sẽ biết vì sao và phải làm như thế nào.

PGS.TS Phan Doãn Thoại, Phó trưởng ban biên soạn SGK “Cùng học để phát triển năng lực”, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội) cho biết, để SGK là tài liệu hỗ trợ tốt nhất cho định hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, trong tất cả các môn của bộ sách đều ưu tiên lựa chọn các kiến thức có nhiều ứng dụng thực tế và có tác dụng tích cực đến việc phát triển năng lực của học sinh.

“Cũng vì yêu cầu này mà ngoài các nhà khoa học giáo dục có kinh nghiệm trong nghiên cứu và biên soạn SGK, chúng tôi mời giáo viên phổ thông tham gia quá trình biên soạn và thẩm định nội bộ. Giáo viên phổ thông giúp chúng tôi rất nhiều trong việc đưa các tình huống thực tế vào bài học, sao cho vừa sức, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh ở các vùng, miền khác nhau. Có thể nói, điểm đặc trưng của bộ SGK chúng tôi đã và đang tiếp tục biên soạn là kiến thức được xây dựng lên từ cuộc sống và được vận dụng vào cuộc sống”.

Hải Nguyên

“Giờ chưa thấy sách giáo khoa, chọn sao cho kịp?”

“Giờ chưa thấy sách giáo khoa, chọn sao cho kịp?”

- Đến cuối tháng 3/2020, tức còn khoảng hơn 3 tháng nữa, các cơ sở giáo dục sẽ phải báo cáo phương án lựa chọn sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều vấn đề đặt ra ở chính công tác này.