PGS.TS Đào Ngọc Chương, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM, vừa đăng trên trang Facebook cá nhân của mình thư ngỏ bán thơ lấy tiền chữa bệnh.

Bán thơ với giá 5.000 đồng/bài

Thư ngỏ của PGS.TS Đào Ngọc Chương được đăng tải trên facebook, do con trai ông là Đào Nguyễn Vĩnh ghi theo lời của cha trong cơn bạo bệnh đăng lên như sau:

"Tôi tên là Đào Ngọc Chương dạy môn Văn học Mỹ tại tổ Văn học nước ngoài, Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1 TP.HCM. Hôm thứ bảy tuần trước tôi bị xuất huyết não phải chữa trị tại BV Thống Nhất khoa ngoại thần kinh phòng 316-a6. Trong suốt mấy ngày, tôi cứ mơ hồ về nhiều chuyện cuộc sống, những khó khăn gian khổ. Nay tôi quyết định gởi tới các bạn bức thư ngỏ này để nói với các bạn rằng tôi sẽ bán thơ tôi lấy tiền chữa bệnh. 

Tôi sẽ gởi bài thơ tới các bạn với hình thức status với giá 5.000 một bài thơ, các bạn có thể trả rẻ hơn. Khi trả rất mong các bạn trả qua số tài khoản sau: 1700215021693 Agribank. Đồng thời, xin các bạn ghi rõ địa chỉ của mình để tôi có thể in bài thơ và gởi đến các bạn như là thứ kỉ niệm. Trong đó, tôi sẽ ghi rõ ngày giờ mà tôi sáng tác bởi vì bài thơ có đời sống của nó. Tôi cũng sẽ ký vào đó...".

{keywords}
Status đăng bán thơ của PGS.TS Đào Ngọc Chương

"Rất có thể đây là cuộc giao lưu thơ giữa những người bạn với nhau đầu tiên. Sau này, tôi sẽ đề xuất một số hình thức giao lưu thơ khác như thơ và thiền. Chắc chắn bây giờ các bạn sẽ tham gia nhiều hơn. Hoặc tôi có thể gởi đến các bạn những bài bình thơ với giá rẻ nhất, nhưng không phải là dở nhất...

Cả hai bài chỉ đều giá 5.000. Sau này, tôi có gởi cho các bạn những bài thơ khác cũng với giá như vậy...".

Được biết, PGS.TS Đào Ngọc Chương, sinh năm 1953, là giảng viên Văn học nước ngoài của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM từ năm 1996 đến nay. Trước đó, ông Chương từng là giáo viên tại Trường THPT Cầu Ngang (Cửu Long), Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long.

Trong nghiên cứu, ông Chương từng chủ nhiệm nhiều đề tài cấp trường và cấp quốc gia được đánh giá tốt như: Mikhail Bakhtin – Nguyên lý đối thoại; Phê bình huyền thoại; Truyện ngắn dưới ánh sáng so sánh; Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Khuynh hướng huyền thoại và hậu hiện đại trong văn học Mỹ và văn học Mỹ Latin… 

Ông Chương cũng hướng dẫn nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh…

Có thể do tâm lý sau phẫu thuật

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết PGS. Chương bị xuất huyết não nên phải phẫu thuật. Hiện tại, Khoa Văn học đã cử người đến thăm, nhưng do sức khỏe ông Chương chưa tốt nên gia đình chưa muốn bạn bè vào gặp.

Về việc ông Chương rao bán 5.000 đồng/ bài thơ trên Facebook để điều trị bệnh, ông Giang cho biết một số ý kiến từ ý kiến sơ bộ của các giảng viên trong khoa như sau:

Ông Chương là giảng viên cao cấp của trường nên lương tạm ổn. Ngoài ra, ông Chương cũng được trường giao trách nhiệm làm trưởng chi nhánh đào tạo ngoại ngữ nên ngoài lương cũng có thu nhập. Các con của ông đã trưởng thành, có công ăn việc làm tốt nên cuộc sống không đến nỗi khó khăn túng thiếu.

Việc ông Chương bị tai biến mạch máu não rất nguy hiểm nhưng điều trị không quá tốn kém, hơn nữa điều trị ở Bệnh viện Thống nhất có chế độ đãi ngộ cao do bảo hiểm chi trả. Hiện nay cũng chưa đến giai đoạn thanh toán tiền thuốc và viện phí.

Về lý do ông Chương phải "bán thơ lấy tiền chữ bệnh", ông Giang phỏng đoán có thể do sau phẫu thuật ông Chương chưa tỉnh hẳn hoặc lúc tỉnh lúc không nên chưa biết thực hư thế nào. 

“Tôi hỏi bác sĩ thì được biết có thể do huyết khối chèn ép, nên ông mới nói "tôi cứ mơ hồ về nhiều chuyện cuộc sống, những khó khăn gian khổ". Tức là mới mơ hồ thôi, khó khăn chưa phải là thúc bách thật” - PGS Giang cho biết.

Cũng theo ông Giang, ông Chương có nói việc bán 5.000 đồng/ bài thơ dường như không phải là chuyện kinh tế mà như một trò chơi tương tác thơ. Bởi trong tâm thư này có viết:

"Rất có thể đây là cuộc giao lưu thơ giữa những người bạn với nhau đầu tiên. Sau này, tôi sẽ đề xuất 1 số hình thức giao lưu thơ khác như thơ và thiền... Trên vòng quay đó tôi hi vọng chúng ta sẽ chạm sự vận động của 1 vùng thơ trên đất nước chúng ta. Tôi rất mong các bạn cùng có ý nghĩ chung đó. Chúng ta là những người yêu thơ. Hãy sống hết mình với thơ" - ông Giang trích dẫn.

Ông Giang cũng cho biết, sáng mai Khoa Văn học sẽ tổ chức tới bệnh viện thăm hỏi ông Chương và sẽ hỏi cho rõ hơn hoàn cảnh và suy nghĩ thật của ông về việc bán thơ.

"Chiều 8/10, khi chúng tôi đến thăm tại Bệnh viện Thống Nhất, thầy Chương đang ngủ. Phía sau đầu thầy vẫn còn bầm tím vì ca phẫu thuật mở hộp sọ để lấy máu bầm vào tuần trước. Anh Đào Nguyễn Vĩnh, con trai lớn của thầy, cho biết thầy đã tỉnh táo, tạm qua cơn nguy kịch nhưng sức khoẻ vẫn còn yếu.
Anh Vĩnh kể hơn 1 tuần trước, khi đang chạy xe máy ngoài đường, cảm thấy không được ổn nên thầy Chương đã gửi xe tạm ở gần Công viên Lê Văn Tám, sau đó gọi taxi vô Bệnh viện Gia Định rồi điện thoại cho các con tới. Sau đó, thầy được chuyển qua Bệnh viện Thống Nhất.
Cô Nguyễn Thị Huyền Linh - vợ của thầy Chương, cũng là một giáo viên đã nghỉ hưu - cho biết thầy rất kỹ tính, đặc biệt không muốn làm phiền đến vợ con. Khi vừa tỉnh dậy sau cuộc đại phẫu, thầy có vẻ lo lắng, không biết bệnh tình sẽ thế nào. Thầy đã kêu con trai lớn đem máy tính và viết status trên Facebook theo gợi ý của mình. Lo bệnh tình của cha nên khi được yêu cầu đem máy tính, dù không muốn nhưng các con vẫn tôn trọng ý ông.
Tối cùng ngày, trả lời Báo Người lao động qua điện thoại, thầy Đào Ngọc Chương xác nhận tất cả thông tin đăng trên Facebook cá nhân đều là thật.
"Ngay khi tỉnh dậy sau ca mổ, tôi nảy ra ý tưởng bán thơ và đã yêu cầu con trai ghi lại, đăng trên Facebook của mình. Tôi nghĩ đó sẽ là nơi mở ra một kỳ giao lưu thơ, không chỉ với tôi, với mọi người mà muốn cả mọi người giao lưu với nhau, để làm được điều gì đó, cho vùng thơ mà mình đang sống. Có thể mang thơ của xứ này tới xứ kia... 
Tôi cũng muốn nghĩ như thế này: Các nhà thơ của mình có thể bán thơ để họ có thể sống và làm việc với thơ được lâu dài. Cách tôi đăng như vậy có chỗ nào sơ sót không? Liệu rồi sau khi  đăng lên, có người nghĩ rằng tôi "xin đểu" không? Nhưng ai nghĩ như vậy thì kệ họ. Tôi vẫn mong muốn sống chân chính, gửi sản phẩm thơ của mình và những ai muốn mua thì mua, có thể họ mua giá rẻ hơn vẫn được. Rồi tôi sẽ gửi cho họ" - thầy Chương chia sẻ.
Trao đổi thêm với cô Linh, chúng tôi được biết thầy có hơn 200 bài thơ viết nhiều thể loại, đa số là thơ tình cảm, thơ tự do…

Theo Báo Người lao động

Lê Huyền