Theo bà Phạm Thị Ly, việc nghiên cứu phân tích những khó khăn, thậm chí thất bại của mô hình VNEN quan trọng hơn nhiều so với việc chứng minh những tác động tích cực của nó. Chỉ trên cơ sở hiểu rõ vướng mắc mới có cách giải quyết và đi tới.

VietNamNet trao đổi với bà Phạm Thị Ly về kết quả nghiên cứu về tác động VNEN vừa được WorldBank công bố:

Phóng viên: Thưa bà, trong nghiên cứu vừa công bố, WorldBank đánh giá khá tích cực về tác động của mô hình trường học mới VNEN ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương cả GV và phụ huynh lại đang phản ứng. Liệu có điều gì đó thiếu sót trong nghiên cứu của WB?

Bà Phạm Thị Ly: Tôi khá thất vọng với bản báo cáo này khi nó hoàn toàn không đề cập đến hiện tượng 9/53 tỉnh/thành đã và đang phản đối dữ dội với VNEN. 

Một người trong nhóm nghiên cứu này đã nói rằng những hiện tượng phản đối đó là “outliers” tức các trường hợp ngoại lệ, quá ít và không có ý nghĩa đáng kể. Tôi nghĩ ngược lại, không thể coi 9/53 tỉnh thành là con số quá nhỏ không đáng để ý tới.

{keywords}
Bà Phạm Thị Ly cho rằng cần phân tích kỹ những khó khăn VNEN mới có thể rút kinh nghiệm để đi tới. Ảnh: Lê Văn.

Thậm chí, tôi nghĩ việc thu thập dữ liệu và phân tích về những ý kiến phản đối này còn quan trọng hơn nhiều so với việc chứng minh rằng VNEN tốt như thế nào. Vì chỉ trên cơ sở hiểu rõ những chỗ vướng mắc và có cách giải quyết nó, chúng ta mới có thể đi tới.

Kể cả nếu chúng ta quyết định không đi tới, thì việc phân tích những “thất bại” đó cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, để không bao giờ có VNEN nào khác lặp lại. Kết thúc VNEN theo cách hiện nay không phải chỉ là lãng phí 80 triệu đô la Mỹ, mà còn là hủy hoại niềm tin của người dân với tất cả mọi nỗ lực cải thiện giáo dục.

Khi niềm tin đã mất, việc xây dựng lại sẽ cần rất nhiều nỗ lực và thời gian. Không có niềm tin của công chúng và sự cộng tác của phụ huynh, sẽ không có bất cứ nỗ lực cải cách nào thành công được cả.

Báo cáo của WB đưa ra con số 85% cha mẹ phụ huynh khi biết về VNEN bày tỏ sự ủng hộ, trong đó 64% là rất ủng hộ. Bà có bình luận gì về con số này không?

-Tôi không có điều kiện kiểm chứng nên không thể bình luận về tính đúng sai của những con số đó. Nhưng giả sử những con số đó thực sự đúng, nó cũng có nghĩa là 15% phụ huynh không ủng hộ VNEN. Và chúng ta không thể coi 15% đó như là nó không có.

- VNEN được giới thiệu là mô hình có nhiều ưu điểm, từng thành công trên thế giới nhưng khi vào Việt Nam lại không thành công như kỳ vọng. Theo bà nguyên nhân là do đâu?

Câu hỏi này cần phải được trả lời bằng một kết quả nghiên cứu nghiêm túc để tránh những nhận định chủ quan và phiến diện. Trong khi chưa có một nghiên cứu như thế, tôi tạm giả thiết là vì chúng ta đã không chuẩn bị cho giáo viên ở mức độ phù hợp.

{keywords}
Nghiên cứu của WB khẳng định VNEN có tác động tích cực tới học sinh và nhận được sự ủng hộ của cha mẹ phụ huynh khi họ biết về mô hình này. 

“Chuẩn bị” không có nghĩa là vài khóa tập huấn chỉ đủ chuyển giao vài kỹ năng có tính chất kỹ thuật mà là bảo đảm cho giáo viên những điều kiện sống ở mức trung bình trong xã hội để họ chuyên tâm vào sứ mệnh nghề nghiệp, và chuyển giao cho họ không chỉ phương pháp dạy học mà còn là làm thay đổi nhận thức của họ về vai trò của người thầy và mục tiêu của giáo dục.

VNEN không đòi hỏi phải chi tiền nhiều hay phải có cơ sở vật chất đầy đủ. Cái mà VNEN cần nhất là chất lượng người thầy và một hệ thống chính sách hỗ trợ, bao gồm cả hệ thống đánh giá kết quả học tập phù hợp. Một yếu tố cốt lõi khác là sự ủng hộ của phụ huynh, không phải bằng tiền, mà là bằng sự hiểu biết và tinh thần hợp tác.

- Bà có đánh giá thế nào về giải pháp hiện nay của Bộ GD-ĐT nhằm tháo gỡ những khó khăn của VNEN?

Tôi không tán thành quan điểm buông tay kiểu ai thích thì làm, ai không thích thì dừng. Dĩ nhiên là tôi cũng không ủng hộ việc áp đặt buộc các trường phải dạy VNEN khi giáo viên và phụ huynh đều phản đối.

Nhưng nếu chúng ta cứ đem những ý tưởng mới vào các trường, lúc gặp khó khăn thì lùi lại, thì rất khó thực hiện những đổi mới để cải thiện chất lượng giáo dục.

Vấn đề là vì sao một ý tưởng tốt như VNEN lại bị giáo viên và phụ huynh phản đối dữ dội như vậy? Mức độ phản đối lớn tới đâu, ở những địa phương nào, vì sao, và liệu chúng ta có cách gì để giải quyết?

{keywords}
Mô hình VNEN từng áp dụng thành công tại nhiều nước nhưng lại đang gặp phải những khó khăn nhất định khi áp dụng tại Việt Nam. 

Thất bại của VNEN chính là thất bại của công tác truyền thông và xây dựng chính sách. Giáo dục thực sự là sự nghiệp của toàn dân, nó cần sự cộng tác của phụ huynh và cộng đồng xã hội. Nếu họ chưa hiểu, thì phải giải thích, thuyết phục, làm cho họ hiểu để xây dựng niềm tin và sự đồng thuận. Nếu có chỗ vướng ở đâu thì phải xây dựng những chính sách phù hợp để tìm cách giải quyết.

Nếu chúng ta không làm được điều đó, thì sẽ chẳng có cuộc cải cách nào thành công được cả. Người dân sẽ lại tìm cách tự cứu lấy họ, và nếu mỗi người chỉ loay hoay đi tìm lối thoát cho riêng mình, thì xã hội đi về đâu?

- Vậy đề xuất của bà là gì?

Cần có đánh giá độc lập về VNEN và phân tích những khó khăn của nó để có những khuyến nghị chính sách cần thiết.

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm, là các nhà làm chính sách, những người có trách nhiệm trong việc cải thiện chất lượng giáo dục cần phải là những người kiên cường theo đuổi một mục tiêu đã được nghiên cứu và cân nhắc thận trọng.

Lắng nghe ý kiến công luận là việc đúng nên làm, tuy nhiên bên cạnh việc tiếp thu những góp ý đúng; cần kiên trì với những quan điểm và ý tưởng đúng cho dù nó bị một bộ phận bảo thủ phản đối.

Bộ GD-ĐT cũng cần một đội ngũ chuyên gia có trình độ và thực sự nắm vững vấn đề tham gia vào những cuộc thảo luận rộng rãi trên công luận nhằm giúp tất cả các bên hiểu rõ tinh thần của cải cách và tìm kiếm sự đồng thuận cao nhất có thể của các bên liên quan, nhất là phụ huynh.

Thiếu một tư tưởng làm nền tảng, thiếu cái quyết tâm đổi mới, nay thì theo hướng này mai thì theo hướng khác, làm sao có thể đi tới?

-Xin cảm ơn bà!

Lê Văn (thực hiện)