Liên quan đến việc PGS Nguyễn Thời Trung bị loại trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn Giáo sư (GS) năm 2020, VietNamNet có cuộc trao đổi với TS. Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Hội đồng GS ngành Cơ học có thể chất vấn ứng viên trước khi kết luận

Ông nhìn nhận như thế nào về việc PGS Nguyễn Thời Trung bị loại khỏi danh sách xét công nhận GS năm 2020?

- TS Lê Văn Út: PGS Nguyễn Thời Trung bị loại khỏi danh sách xét công nhận đạt chuẩn GS Nhà nước năm nay là một việc rất đáng tiếc. Tôi hơi hoài nghi những lý do để loại PGS Nguyễn Thời Trung như có đột biến trong công bố, có hợp tác công bố với nước ngoài, công bố đa ngành.

{keywords}
TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Theo tôi, Hội đồng GS ngành Cơ học có thể chất vấn ứng viên về tính đột biến trước khi đưa ra kết luận. Và nếu có cơ sở kết luận rằng hiện tượng “đột biến” trong công bố là không đúng thì việc loại sẽ thuyết phục hơn.

PGS Nguyễn Thời Trung giải thích rằng lý do “đột biến” trong công bố khoa học là khả thi vì PGS Trung vừa là trưởng nhóm vừa Viện trưởng Viện khoa học tính toán của trường. Theo cơ chế của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một nhà khoa học như PGS Trung có quyền đề xuất tuyển dụng nhân sự thực hiện nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của mình.

Thống kê của WoS (Web of Science, Mỹ) hay Scopus (Hà Lan) về số liệu từng năm không hẳn phản ánh toàn bộ công bố trong mỗi năm đó. Một công trình từ lúc được nhận đăng báo cho đến khi đăng chính thức và được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu này không nhất thiết phải là một quá trình đều đặn hay tức thời. Do đó, việc dồn công trình vào những năm nhất định mà không có sự không đều về thời gian là hiển nhiên.

Còn nếu bị loại vì có hợp tác công bố khoa học với nước ngoài rất dễ dẫn đến tranh cãi.

Hợp tác trong nghiên cứu khoa học cần được khuyến khích. Vấn đề ở đây là hợp tác như thế nào và với vài trò là gì?

{keywords}
Những nhà khoa học PGS Nguyễn Thời Trung hợp tác. Nguồn: TS Lê Văn Út

Theo WoS, trong số 25 tác giả mà PGS Trung có nhiều hợp tác công bố khoa học thì nhiều nhất là với GS Nguyễn Xuân Hùng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM với 37 công trình ISI. Tiếp đó là hợp tác với TS Hồ Hữu Vịnh với 30 công trình ISI chung. PGS Trung hợp tác với GS. Gui Rong Liu – người hướng dẫn khoa học của PGS Trung tại ĐHQG Singapore - với 27 công trình ISI. Tiếp theo nữa là hợp tác với hai nghiên cứu viên trẻ từng làm trong nhóm nghiên cứu của PGS Trung tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng với 26 và 21 công trình ISI.

{keywords}
Những lĩnh vực mà PGS Nguyễn Thời Trung đã có nhiều công bố. Nguồn: TS Lê Văn Út

Theo cơ sở dữ liệu WoS, những lĩnh vực PGS Trung có nhiều công bố hầu hết (trên 90%) là thuộc chuyên ngành của gồm cơ học, kỹ thuật liên ngành, toán ứng dụng, khoa học vật liệu, kỹ thuật công trình, kỹ thuật xây dựng. Ngoài ra, PGS Trung có một số ít công bố liên quan chuyên ngành gần theo xu hướng mở rộng các hướng nghiên cứu đang triển khai.

Như vậy, những lĩnh vực mà PGS Trung có công bố khoa học chưa thấy có gì đột biến hay bất thường. Thậm chí, nếu PGS Trung có công bố trong lĩnh vực chưa từng được đào tạo (hiểu theo nghĩa có bằng cấp) cũng chưa thể kết luận mà phải có thẩm định trước khi đưa ra bất kỳ nhận xét nào.

Công bố nhiều hay ít là do năng lực khoa học 

PGS Trung công bố khoa học quá nhiều, tới 77 bài trong 9 tháng khiến nhiều người bất ngờ. Quan điểm của ông thế nào?

- TS Lê Văn Út: Tôi nghĩ nhiều hay ít không phải là vấn đề mà là năng lực khoa học của ứng viên.

Trong trường hợp này, năng lực khoa học của ứng viên vượt rất xa so với quy định, lẽ ra PGS Nguyễn Thời Trung nên được điểm cộng và được vào nhóm ưu tiên xét GS.

Khi nêu lý do “công bố quá nhiều”, tôi nghĩ chắc Hội đồng GS ngành Cơ học đã có (hay có thể có) hoài nghi nhưng khoa học thì không thể kết luận dựa vào hoài nghi. Tính tới thời điểm hiện tại, PGS Nguyễn Thời Trung có 15 nghiên cứu viên đang làm việc trực tiếp và có 16 chuyên gia bên ngoài đang hợp tác nghiên cứu tích cực (có 20 tiến sĩ trong số 31 người này). Đây là một lực lượng mà nhiều nhà khoa học mơ ước, nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam.

Theo WoS ngày 16/10/2020, PGS Trung đã công bố tổng cộng 209 bài báo khoa học trên các tạp chí ISI (không tính các loại bài hội thảo, editorial, letters….

{keywords}
Truy cập bằng ResearcherID của PGS Trung E-5467-2019, một công cụ chính xác nhất để truy xuất thành tích công bố ISI. Nguồn: TS Lê Văn Út

Ngoài ra, kết quả trên cho thấy ứng viên đã có 7.422 trích dẫn ISI với 6.010 trích dẫn khách quan (không tự trích dẫn) và chỉ số H-index là 46.

Tính đến thời điểm này của năm 2020, PGS Nguyễn Thời Trung có 50 bài ISI được liệt kê. Năm 2019 thì có 44 bài ISI. Năm 2018 thì có 16 bài ISI…. Đặc biệt, trong giai đoạn ứng viên đang làm nghiên cứu sinh ở ĐH Quốc gia Singapore thì riêng năm 2009 đã công bố được 11 bài ISI.

Như vậy có thể thấy thành tích công bố ISI của PGS Nguyễn Thời Trung là khả thi và không thể gọi là đột biến.

{keywords}
Số công bố ISI được phân bố theo từng năm của PGS Nguyễn Thời Trung. Nguồn: TS Lê Văn Út

Tôi cảm thấy rất buồn khi một nhà khoa học có thành tựu nổi bật lại rơi vào “tình huống khó xử” như thế này. 

Chất lượng các công bố khoa học của PGS Nguyễn Thời Trung cũng cần được xem xét. Những tạp chí ISI mà PGS Nguyễn Thời Trung công bố trên Composite Structures được xuất bản bởi Nhà xuất bản Elsevier của Hà Lan với chỉ số IF là 5.138 (rất cao trong chuyên ngành, có 16 bài ISI); 13 bài trên International Journal of Computational Methods (IF = 1.716, Nhà xuất bản World Scientific của Singapore), 12 bài trên International Journal for Numerical Methods in Engineering (IF = 2.866, Nhà xuất bản Wiley của Mỹ)…

{keywords}
25 tạp chí mà PGS Nguyễn Thời Trung có nhiều công bố ISI. Nguồn: TS Lê Văn Út

Có thông tin PGS Trung chịu sức ép về số lượng bài công bố khoa học?

- TS Lê Văn Út: PGS Trung có ít nhất 65 công trình ISI được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), chiếm 31% tổng công bố ISI, bên cạnh kinh phí nghiên cứu được tài trợ từ nhà trường.

PGS Nguyễn Thời Trung đã sớm tham gia Trường ĐH Tôn Đức Thắng dưới hình thức kiêm nhiệm và trở thành nghiên cứu viên cơ hữu từ tháng 8/2014 với trọng trách phát triển một số nhóm nghiên cứu thành Viện khoa học tính toán.

PGS Trung được tạo mọi điều kiện thuận lợi, đặc biệt là từ Chương trình ươm mầm nghiên cứu chuẩn quốc tế, và đã tận dụng rất tốt chương trình này để phát triển cả lượng và chất đối với các công bố khoa học của mình.

{keywords}
Tốp 25 nguồn kinh phí mà PGS Nguyễn Thời Trung đã được tài trợ. Nguồn: TS Lê Văn Út

Số lượng các công trình khoa học là do PGS Trung tự quyết định, nhà trường không “ép”, nhưng phải tuân thủ các quy định về thẩm định khoa học của trường. Cụ thể như tuyệt đối không được công bố các công trình trên các tạp chí “ăn thịt”, tất cả các công bố ISI phải được chấp nhận bởi bảng xếp hạng tạp chí quốc tế rất “khắc nghiệt” của nhà trường.

Tôi hy vọng Hội đồng GS ngành Cơ học và Hội đồng GS Nhà nước có thể xem xét lại hồ sơ năm nay của anh Trung bởi theo tôi, việc loại một ứng viên giáo sư mạnh như anh Trung với những lý do như trên đề cập là chưa đủ thuyết phục.

Lê Huyền (thực hiện)

Người có nhiều trích dẫn trên thế giới bị loại khỏi danh sách xét GS

Người có nhiều trích dẫn trên thế giới bị loại khỏi danh sách xét GS

Vì sao Phó Giáo sư (PGS) Nguyễn Thời Trung, Trường ĐH Tôn Đức Thắng - nhà khoa học từng lọt tốp những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới bị loại khỏi danh sách xét công nhận chức danh Giáo sư (GS) năm 2020?