Bức phù điêu được đặt ngay ở lối vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam từ tháng 9/2019 đến nay và gây ra không ít tranh cãi. Tác phẩm mô tả không gian lớp học, trong đó hình ảnh trung tâm rất giống với thầy Hiệu trưởng đương nhiệm Lê Văn Sửu. Bức phù điêu là bài tốt nghiệp của học viên cao học khoa Điêu khắc Nguyễn Xuân Vinh.

“Ông Lê Văn Sửu liệu có quá đề cao bản thân không khi cho treo tác phẩm này? Ai cũng nhận ra người trong tác phẩm là Hiệu trưởng nhà trường nên không thể nói ông Sửu không biết. Hơn thế, khi đã dựng tượng, làm phù điêu thì nhân vật ấy phải xứng đáng, có đóng góp lớn hoặc ảnh hưởng tới lịch sử, văn hóa”, giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam cho hay.

{keywords}

Bức phù điêu treo tại lối vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam

Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam là ngôi trường với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển. Mái trường mang nhiều yếu tố lịch sử này chưa từng có tiền lệ tạc tượng hay gắn phù điêu có hình ảnh các vị Hiệu trưởng có nhiều cống hiến, đóng góp cho Mỹ thuật Việt như Hiệu trưởng Tô Ngọc Vân, Hiệu trưởng Trần Đình Thọ, Trần Văn Cẩn.

“Nên chăng, tác phẩm có thể treo trong lớp học sẽ vừa tế nhị, vừa hợp lý hơn”, nhiều thầy cô của trường nhận định.

Trong khi, Họa sĩ Lê Huy Tiếp lại cho rằng: “Bất cứ họa sĩ nào có chuyên môn về điêu khắc đều không thể thừa nhận điều gì từ bức phù điêu này. Tự đưa mình vào phù điêu, lại chọn vị trí treo ngay cổng trường đi vào như thế, thật ngớ ngẩn”.

Phó Hiệu trưởng nhà trường là PGS. TS Ngô Tuấn Phong, người phụ trách Khoa Điêu khắc đồng thời là người hướng dẫn học viên Nguyễn Xuân Vinh đánh giá, Hiệu trưởng xuất hiện trong phù điêu là hoàn toàn bình thường.

“Chân dung đó không phải hình tượng cá nhân mà đại diện cho các giảng viên”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, ban đầu bức phù điêu không được chọn trưng bày. Nhưng sau khi Hội đồng, trong đó có thầy Hiệu trưởng Lê Văn Sửu và Hiệu phó Ngô Tuấn Phong đồng thuận chấm tác phẩm 9,5 điểm với lý do đây là “Sáng tạo nội dung và hình thức nghệ thuật”, thì bức phù điêu đã được treo lên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Họa sĩ Lê Thiết Cương, nếu nói tác phẩm này “sáng tạo nội dung” thì thật phi lý. Nội dung của bức phù điêu này, trong đó có thầy và trò của một lớp học, hoàn toàn không có giá trị gì, không cũ, không mới, không sai, không đúng.

{keywords}

Nhân vật chính trong tác phẩm lại chính là thầy Hiệu trưởng đương chức.

Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Sửu mới đây lên tiếng cho rằng việc hình ảnh của ông xuất hiện trong tác phẩm là tai họa chứ không phải vinh dự gì. “Tôi đã nói với thầy hướng dẫn, học viên làm vậy là hại tôi”, ông Sửu nói.

Ông cho biết, mặc dù theo dõi quá trình từ phác thảo ý tưởng đến khi thực hiện nhưng ông nói không nhìn thấy hình ảnh mình trong đó. Khi tác phẩm treo lên, ông mới nhận ra, tuy nhiên hội đồng chuẩn bị chấm điểm nên không thể phá bỏ.

“Nhiều người nghĩ thầy Sửu đề cao bản thân nhưng tôi không kém nhận thức đến vậy”.

Đồng thời, ông Sửu cho biết, mặc dù phương án gỡ tác phẩm ra khỏi vị trí “nhạy cảm” khiến ông cảm thấy không yên lòng vì đây là cách ứng xử thiếu tế nhị với tác phẩm của sinh viên. Tuy nhiên, để tránh những xì xèo không đáng có trong môi trường giáo dục, ông Sửu sẽ lựa chọn phương án này và sớm có quyết định chính thức gỡ bỏ bức phù điêu, đưa vào lớp học hoặc vào kho.

Trường Giang (Tổng hợp)

Hiệu trưởng ở Quảng Trị bị tố gây áp lực mượn tiền giáo viên rồi không trả

Hiệu trưởng ở Quảng Trị bị tố gây áp lực mượn tiền giáo viên rồi không trả

Bằng nhiều hình thức như vay trả qua lương, vay nóng, ông Trần Xuân Linh – hiệu trưởng Trường TH&THCS Tân Liên bị nhiều giáo viên tố cáo mượn tiền không trả.