Một ngày cuối năm 2018, tôi gặp tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, trong một quán cà phê nhỏ ở Sài Gòn, nghe chị kể về cuộc sống, công việc. TS Thùy là một trong hai người phụ nữ nằm trong số 10 nhà nghiên cứu vượt qua 61 ứng viên khác được trao tặng danh hiệu Quả cầu vàng 2018 - một giải thưởng tôn vinh những người làm khoa học.

Cô gái vàng Karatedo: "Em từng bảo mẹ mua thuốc ngủ để hai mẹ con cùng chết"

Startup Việt trở thành Edtech hàng đầu tại Đông Nam Á: "Ý chí là quan trọng"

Nữ tiến sĩ người Việt  được trao giải thưởng giáo dục Pháp

Sinh năm 1983, TS Phương Thùy trông trẻ hơn tuổi. Chị thật thà "May quá, làm nghề này mà không già đi là vui rồi". Có người lại gọi chị Thùy là "bông hoa lạc giữa rừng gươm", bởi không nghĩ một phụ nữ nhẹ nhàng, mảnh mai, xinh đẹp lại gắn bó với công việc gắn với chai, lọ, phòng thí nghiệm…

{keywords}
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy

Thời 20, tôi đã không dám sống với ước mơ của mình

Gần 20 năm trước, Phạm Thị Phương Thùy là một cô gái năng động, hướng ngoại. Chị mơ ước tốt nghiệp THPT có thể học quản trị kinh doanh, làm những việc liên quan tới kinh tế. Nhưng rồi nghe lời khuyên từ bố - một công chức ngành tòa án, chị rẽ bước theo khoa học.

"Ngày ấy, bố bảo con gái đừng làm gì liên quan tới kinh tế. Bố hàng ngày tiếp xúc với các vụ án kinh tế nên ông hiểu những khó khăn và cám dỗ của ngành này. Tôi thấy ông nói cũng có lý nên không cãi lời. Bố bảo tôi cứ theo sư phạm cho nhẹ nhàng, không thì khoa học kỹ thuật vì tính tình thật thà. Thời cấp ba, tôi học khối D, lại trường chuyên nên năng động và hướng ngoại lắm. Nhưng rút cục tôi vẫn không dám cãi lời và đi theo ước mơ. Tôi đã không dám sống với mơ ước của mình" - TS Thùy nhớ lại. 

TS Phạm Thị Phương Thùy, Sinh năm: 1983; Giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM.

Thành tích nổi bật:
- 17 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó 13 bài thuộc danh mục Q1 (4 bài tác giả chính), 4 bài thuộc danh mục Q2 (2 bài tác giả chính).

- 1 bài báo khoa học là tác giả chính đã công bố trên tạp chí trong nước.

- 1 báo cáo Poster xuất sắc của Hội nghị Công nghệ Hóa học (Hàn Quốc, 2007).

- Tác giả chính 1 chương sách chuyên khảo xuất bản quốc tế.

- Đồng tác giả 1 giải pháp hữu ích chứng nhận tại Hàn Quốc.

- Thành viên 1 đề tài cấp Bộ đang được triển khai.

- Giải thưởng Bài báo SCI được trích dẫn nhiều nhất trong 5 năm (2009-2013) của tạp chí Water Research.

Hoạt động cộng đồng:
- Tham gia phản biện 2 tạp chí khoa học quốc tế và 1 tạp chí khoa học trong nước.

- Đại sứ sinh viên quốc tế tại Trường ĐH Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc.

- Tham gia các hoạt động tư vấn chuyên môn cho người dân; hỗ trợ các cuộc thi học thuật của đơn vị, cơ quan.

 

Cuối cấp 3, khi bạn bè đăng ký vào trường này, trường nọ thì chị Thùy nộp hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Chị nhận tin đỗ cả hai, nhưng quyết định theo học sư phạm được ít hôm thì bỏ vì thấy trường... cũ kỹ quá. Cuối cùng, chị chuyển sang học Bách khoa.

"Ở Bách khoa, tôi từng rơi vào cảnh sáng tới trường, chiều về vùi vào học, không giao lưu, không bạn bè. Từ một người năng động, tôi trở nên ít nói và trầm tính. Một cô gái học kỹ thuật cũng có lúc cô đơn lắm. Nhìn lại, tôi đã chôn vùi thanh xuân của mình trong 4 năm học" - chị tiếc nuối.

Hết 4 năm Bách khoa, Phương Thùy dành được học bổng đi du học nước ngoài. Năm 2006, Thùy lên đường sang Singapore rồi Hàn Quốc học thạc sĩ và tiến sĩ. Chị bảo vệ xong luận án tiến sĩ và ở lại Hàn Quốc với mức thu nhập rất tốt. Nhưng rồi năm 2016, chị bỏ lại tất cả ở xứ người để về nước.

"Điều kiện ở Hàn Quốc quá tốt, tại sao chị lại về?". Trước câu hỏi của tôi, chị Thùy bộc bạch "Đúng là ở nước ngoài làm nghiên cứu như tôi có rất nhiều tiền nhưng mãi sẽ chỉ là một người làm thuê. Ngoài ra, sự khác biệt về văn hóa khiến chúng tôi khó khăn và khó có mối quan hệ thân thiết lâu dài. Hơn nữa, ở nước ngoài môi trường làm việc lại chủ yếu tiếp xúc với một nhóm đồng nghiệp nên bó buộc mình. Nếu về nước, tôi sẽ được là chính mình. Tôi từng rất phân vân nhưng giữa tiền bạc và được là chính mình tôi muốn là chính mình" - TS Thùy cho hay.

Sau 11 năm ở nước ngoài, chị Thùy cùng gia đình trở về Việt Nam. Ngày đầu về nước, TS Thùy không khỏi "ngợp" trước sự chậm chạp trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những thủ tục hành chính các cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam. Có lúc chị đã thốt lên "không ngờ sau 11 năm mà nghiên cứu vẫn chỉ phát triển chút chút thôi. Đặc biệt là những thủ tục hành chính vẫn khó khăn lắm".

Thế nhưng khó khăn không làm chị lùi bước, TS Thùy tiếp tục gắn bó với nghiên cứu và theo đuổi những đề tài của mình. Hiện tại, chị đang cùng chồng thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ về Hiện trạng kháng kháng sinh trong nước.

Theo chị đây là đề tài rất thiết thực và có ý nghĩa. Hiện nay nhiều người sử dụng kháng sinh không hợp lý, không tuân theo chỉ định của bác sĩ, dẫn tới dư thừa kháng sinh phát tán trong môi trường và khiến cho các vi khuẩn kháng kháng sinh được phát hiện trong tự nhiên với tần số ngày càng cao. Hậu quả của hiện trạng này là ngày càng nhiều thuốc kháng sinh trở nên không có tác dụng… Chị cho biết dù công việc khô khan nhưng sẽ gắn bó vì đây là tình yêu lớp thứ hai sau gia đình.

Làm gì thì vẫn là người vợ, người mẹ

11 năm học tập và làm việc ở nước ngoài, chị Thùy đã gặp được một nửa của mình. Hai anh chị cùng làm khoa học, người con thứ nhất và thứ hai lần lượt ra đời. Chị Thùy kể, do đặc thù công việc có lúc dù bụng bầu vượt mặt chị vẫn đi làm. Lần sinh con thứ hai, trước khi sinh 2 ngày chị vẫn tới phòng thí nghiệm, sau sinh 1 tháng đã phải tất tả trở lại công việc.

Ngày chị và gia đình về nước, bé đầu được 5 tuổi, bé thứ hai được 1 tuổi.

{keywords}
TS Thùy hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm

"Lúc đó Trường ĐH Quốc tế đang tuyển dụng một vị trí. Nếu cả tôi và chồng cùng nộp hồ sơ vào có thể tôi sẽ trúng tuyển vì phụ nữ có ưu thế hơn. Nhưng tôi để chồng nộp trước, khi anh được tuyển dụng thì không còn vị trí nào nữa. Sau khi về tôi mới nộp hồ sơ vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM" - chị cho hay.

Theo chị Thùy, đàn ông nghiên cứu khoa học đã khó, phụ nữ lại càng khó hơn. Bởi phụ nữ có gia đình, con cái, tuy nhiên chị sẽ cố gắng để hoàn thiện cả hai vai trò này. Tính đến thời điểm hiện tại, TS Thùy đã gắn bó 12 năm với công việc nghiên cứu khoa học, nhưng vẫn luôn vui vẻ và đam mê. Sáng sớm, người mẹ này chở con tới lớp, sau đó tới nơi làm việc. Chiều về lại đón con, lo cơm nước, giặt giũ, tắm rửa cho bọn trẻ.

"Dù làm gì tôi cũng là một người mẹ, người vợ. Hai con tôi có thói quen 9 giờ tối đi ngủ nhưng phải có mẹ nằm cùng. Lúc đó, tôi cũng phải lên giường với con. Con ngủ rồi mình mới len lén dậy làm việc tiếp" - chị kể.

Chị thầm hứa, thời trẻ đã không dám sống cho đam mê nên các con sau này phải được tự do làm điều mình thích.

Hiện tại ngoài làm nghiên cứu TS Phạm Thị Phương Thùy còn giảng dạy tại khoa Công nghệ sinh học. Phương Thùy khẳng định, chính vai trò giảng viên đã giúp chị cởi mở, vui trẻ và đầy năng lượng.

Khi tôi hỏi chị có chạnh lòng khi xã hội gần đây dành cho nhà giáo những lời không mấy thiện cảm, TS Thùy nói chị không buồn vì ai làm thì người đó phải chịu.

"Vốn dĩ những vấn đề của giáo dục đã tồn tại từ lâu, chỉ là trước đây phụ huynh chưa "làm tới", mạng xã hội không phát triển nên không ai biết. Tôi mong những xử lý tới nơi tới chốn những vụ việc xảy ra, có như vậy nghề giáo mới được trân trọng và tin tưởng" - chị nói.

Lê Huyền

GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Toán học Maurice Audin

GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Toán học Maurice Audin

GS. Ngô Bảo Châu vừa nhận giải thưởng Toán học mang tên Maurice Audin.

4.000 bài báo ISI được Qũy Nafosted tài trợ trong 10 năm

4.000 bài báo ISI được Qũy Nafosted tài trợ trong 10 năm

Sau 10 năm hoạt động, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) đã hỗ trợ 2.800 nhiệm vụ KH&CN và hơn 10.000 lượt nhà khoa học.

Nhà khoa học Việt Nam 5 năm liên tiếp nằm trong top 1% ảnh hưởng nhất thế giới

Nhà khoa học Việt Nam 5 năm liên tiếp nằm trong top 1% ảnh hưởng nhất thế giới

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng tiếp tục nằm trong top 1% nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2018 theo xếp hạng của tổ chức Clarivate Anlysis. Ngoài ra có 4 người Việt khác ở nước ngoài cùng nằm trong top này.