Giáo dục mầm non: Còn nhiều rào cản

Theo nhận định từ VVOB (Tổ chức phi chính phủ của Bỉ, đơn vị thực hiện dự án BAMI), mặc dù tỷ lệ trẻ mầm non được đến trường ở Việt Nam ở mức cao, nhưng giáo dục mầm non vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là việc thiếu sự thoải mái và tham gia của một số trẻ trong các hoạt động lớp học. Điều này sẽ hạn chế việc học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ ở các lĩnh vực phát triển. 

Từ khi bắt đầu triển khai đến nay, dự án BAMI đã đến với 82 trường mầm non trên địa bàn 9 huyện miền núi khó khăn, đa dân tộc của tỉnh Quảng Nam - vùng dự án được đánh giá là có nhiều những rào cản về mặt học tập đối với trẻ như: rào cản về giới, rào cản ngôn ngữ, rào cản môi trường, sự đa dạng văn hóa xã hội…

Đây là nguyên nhân chính tạo nên các hạn chế trong tiếp cận giáo dục của trẻ mầm non, thậm chí ngay trong các hoạt động giáo dục trên lớp, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống.

{keywords}
 Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam tham gia buổi hội thảo trực tuyến

Tại Hội thảo trực tuyến “Chia sẻ sáng kiến giảm thiểu các rào cản có ảnh hưởng đến việc học của trẻ mầm non tỉnh Quảng Nam” tháng 9/2021, Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam - Trưởng ban Quản lý dự án BAMI nhận định, đây không phải là vấn đề của riêng Quảng Nam, mà là vấn đề chung của ngành giáo dục mầm non cả nước.

Vì vậy, việc nhìn nhận đúng và phá vỡ các rào cản trong giáo dục mầm non cần được triển khai rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu trong tương lai, không chỉ ở riêng Quảng Nam mà còn các tỉnh bạn. Gỡ bỏ được các rào cản là góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và “không để cho trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”.

Giáo viên là “hạt nhân” của sự thay đổi

Hướng tới xây dựng “ngôi trường hạnh phúc”, các giáo viên mầm non được xác định là “hạt nhân” của mọi sự thay đổi. Những thay đổi này sẽ được lan tỏa và tác động trực tiếp tới trẻ, tới gia đình trẻ thông qua hoạt động giáo dục trên lớp và hoạt động tương tác ngoài lớp học. Các ghi nhận tại hội thảo cho thấy, đội ngũ giáo viên mầm non tại Quảng Nam là những người trực tiếp triển khai nhiều mô hình, ý tưởng hay và được đánh giá là có hiệu quả.

Đơn cử, Cô Trịnh Thị Anh - giáo viên Trường mẫu giáo Họa Mi, huyện Hiệp Đức đã chia sẻ về chuyên đề “Biện pháp nâng cao hiệu quả chuyên đề học thông qua chơi” với nhiều ý tưởng sáng tạo như: hoạt động tìm hiểu nhu cầu và khả năng của trẻ thông qua tương tác chất lượng, xây dựng các góc mở để trẻ khám phá và thể nghiệm, phát triển các kỹ năng quan sát, lắng nghe của giáo viên…

Theo cô Trịnh Thị Anh, đây là các giải pháp xóa bỏ rào cản “thiếu cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ” trong các hoạt động học tập trên lớp. Việc triển khai các giải pháp này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” và theo phương châm “trẻ chơi mà học, học bằng chơi”.

{keywords}
 Tìm hiểu nhu cầu, sở thích của trẻ qua xây dựng sơ đồ tư duy cùng trẻ

Một mô hình khác là “Xây dựng môi trường giàu ngôn ngữ thông qua việc tổ chức hoạt động kể chuyện sáng tạo cho trẻ” cũng được cô Nguyễn Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng mẫu giáo Cà Di, huyện Nam Giang và các đồng nghiệp thực hiện từ năm 2017 đến nay.

Chia sẻ trong hội thảo, cô Hiền nói: “Đây là mô hình hướng đến việc xóa bỏ rào cản ngôn ngữ trong tiếp cận giáo dục của trẻ, đồng thời phát triển tính tư duy, óc tưởng tượng và đặc biệt là cải thiện và bồi đắp khả năng nói cho trẻ”.

Một số hoạt động đã được triển khai trong mô hình có thể kể đến như: xây dựng góc chơi, góc đọc hấp dẫn; hoạt động trẻ tự làm sách, làm quen với văn học, trẻ tự sáng tác chuyện, kể chuyện sáng tạo; áp dụng phương pháp dạy trẻ phù hợp theo các giai đoạn phát triển ngôn ngữ…

{keywords}
Tạo môi trường giàu ngôn ngữ bằng cách khuyến khích trẻ sáng tạo câu chuyện bằng ngôn ngữ của mình

Còn tại trường Mẫu giáo Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, các giáo viên đã thực hiện sáng kiến “Giáo dục mầm non có đáp ứng giới” nhằm xóa bỏ rào cản giới trong tiếp cận giáo dục của trẻ.

Cô Trần Thị Tài - giáo viên trường mẫu giáo Tiên Cảnh chia sẻ: “Không chỉ tập trung vào trẻ, sáng kiến còn có sự tham gia của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và đặc biệt là cả cha mẹ học sinh. Theo đó, trường Mẫu giáo Tiên Cảnh đã thực hiện bồi dưỡng kiến thức, tập huấn cho đội ngũ giáo viên về dạy học có đáp ứng giới, tạo môi trường giáo dục có đáp ứng giới, truyền thông và vận động cha mẹ thực hiện nuôi dạy trẻ có đáp ứng giới…

Đồng hành cùng dự án từ những ngày đầu tiên, TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam chỉ ra, kết quả nghiên cứu đo lường các chỉ số phát triển của trẻ trong giai đoạn 2018 - 2020 cho thấy Dự án BAMI có tác động tích cực đến sự phát triển chung của trẻ 5 tuổi, giảm thiểu rào cản về giới và rào cản đối với trẻ em dân tộc thiểu số trong tiếp cận giáo dục.

Bên cạnh đó, dự án còn có tác động đến nhiều yếu tố khác của trẻ như: nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - kỹ năng xã hội, văn hóa - sự tham gia, khả năng tập trung… Đây là cơ sở vững chắc cho việc nhân rộng mô hình này trong tương lai.

Phương Dung