Giáo viên mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng và áp lực khi phải làm việc trong thời gian dài nhất nhưng đồng lương lại ít ỏi nhất trong bảng lương của ngành giáo dục.

Công việc của những giáo viên mầm non đòi hỏi luôn tay, luôn chân, luôn mắt và có thể nói không phút giây nào được phép lơ là. Nhiều thầy cô còn chấp nhận hy sinh cả niềm vui của gia đình để chăm sóc, giáo dục trẻ ở những vùng sâu, vùng xa của đất nước.

Chị Giàng Thị Chá công tác từ năm 2005 tại Trường Mầm non Pà Vầy Sủ, xã Pà Vầy Sủ - một xã rất khó khăn của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Năm đầu lên nhận công tác, chị được nhà trường phân công dạy lớp mẫu giáo tại thôn Seo Lử Thận.

Đó cũng là lớp mẫu giáo đầu tiên mở tại thôn nên cơ sở vật chất còn rất khó khăn. Phòng học trong diện tích chưa đầy 12m2, mái lợp cỏ rơm, thời gian đầu, cô và trò khốn đốn mỗi khi mưa về.

Lớp mẫu giáo được mở đầu tiên tại thôn nên phụ huynh cũng chưa quan tâm đến việc học của con trẻ. Ngày đầu đến lớp chỉ có 3 trẻ, nên chị phải thường xuyên đến các gia đình vận động cho trẻ đến trường.

“Một số phụ huynh chưa nhất trí cho con đi học. Bởi lớp học hơi xa trong khi các cháu còn bé. Nhiều lần không được, sau đó chị phải vận động trưởng bản kêu gọi các phụ huynh làm lớp học ở gần thôn hơn để thuận tiện cho các cháu đi học. Rất may được các phụ huynh và trưởng bản nhất trí nên sau 2 tháng nghỉ hè cô trò có lớp học kiên cố hơn, gần thôn hơn. Vì gần hơn nên trẻ đến lớp cũng đông hơn”.

{keywords}
 

Không chỉ phải tìm cách thay đổi được ý nghĩ không cho con đến trường hoặc cho đi học chỉ để nhận trợ cấp hàng tháng, các giáo viên mầm non phải tìm cách cân đối giữa công việc và cuộc sống gia đình. Bởi nhiều người nói vui mà thật rằng thời gian hằng ngày để trông con người khác còn nhiều hơn với con của mình.

Nhận công tác tại Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) khi mới 23 tuổi và đang mang bầu đứa con thứ hai, để có tiếp tục được công việc, chị Đinh Thị Huyền Trang phải gửi đứa con đầu chưa tròn 16 tháng tuổi cho ông bà.

Điều kiện khó khăn, chị sinh đứa con thứ hai chỉ vỏn vẹn 2 cân. Công tác ở địa bàn mà ngay cả sóng điện thoại cũng không có, chị phải học cách tự vượt qua tất cả. Cứ như vậy mỗi buổi sáng thứ hai, chị lại một tay ôm con, tay kia xách balo lên đến điểm trường. Trong balo của 2 mẹ con vỏn vẹn vài cân gạo và một vài con mắm,...

Cũng nhờ có sự động viên, tin tưởng của gia đình và đồng nghiệp đã tiếp thêm động lực giúp chị vượt qua những khó khăn, cố gắng bám bản, theo nghề.

“Thật sự rất thương con nhưng chứng kiến điều kiện khó khăn của những đứa trẻ vùng cao chạc tuổi con mình nơi đây, tôi lại càng muốn cống hiến sức trẻ của mình cho chúng. Tôi nghĩ một điều đơn giản rằng, nếu ai cũng chọn chốn phồn hoa đô thị thì ai sẽ mang con chữ đến với những nơi khó khăn, hẻo lánh. Chỉ mong lũ trẻ biết con chữ, tiến bộ hơn để có được cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn”.

{keywords}
Những giáo viên mầm non tiêu biểu được Bộ GD-ĐT tôn vinh. Ảnh: Thanh Hùng

Chị Huỳnh Thị Ngọc Thanh (giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) tâm sự phải thực sự yêu thương trẻ bằng chính trái tim của người mẹ thì mới có thể bám trụ lại được với nghề này.

“Như lời Bác dạy, làm giáo viên mầm non tức là thay mẹ dạy trẻ. Các cháu còn nhỏ hay quấy nên phải chịu khó mới có thể làm được. Muốn làm được thì trước hết phải yêu thương con trẻ. Dạy trẻ cũng như trồng cây non, trồng tốt thì sau lớn lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này mới thành người tốt”, chị Thanh chia sẻ.

Cô Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho hay, đặc thù của giáo viên mầm non, kể cả các cán bộ quản lý là làm việc cả ngày. Tức không có quãng thời gian rời trẻ để đảm bảo tối đa sự an toàn. “Cũng từng kinh qua nên chúng tôi thông cảm với các giáo viên. Đến trường, chúng tôi chỉ có thể tìm cách giảm tải bớt cho giáo viên các buổi hội họp không cần thiết, hoặc ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển tải các nội dung, văn bản cần trao đổi qua hộp thư chung của trường”.

Song điều đáng mừng là dù công việc vất vả, thời gian làm việc dài nhưng nụ cười vẫn thường trực trên khuôn mặt những người giáo viên.

Điều mà rất nhiều giáo viên mầm non mong mỏi là sự thấu hiểu và đồng hành của các gia đình, phụ huynh. Bởi giáo dục không chỉ nằm ở nhà trường mà còn là trách nhiệm của cả gia đình, phụ huynh và cộng đồng.

Cô Đỗ Thị Ánh Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông chia sẻ, điều khiến chị trăn trở và cũng tâm đắc nhất là mình cần làm gì, làm như thế nào để tuyên truyền cho phụ huynh và xã hội hiểu, đồng thuận và hỗ trợ nhà trường trong việc nuôi dạy trẻ.

Theo vị hiệu trưởng, để được như vậy, mọi hoạt động của nhà trường cần phải được công khai, dân chủ và minh bạch. “Chỉ khi mọi người hiểu thì việc đồng thuận, đồng lòng ủng hộ nhà trường trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ sẽ thuận lợi”.

Các giáo viên cũng bày tỏ mong muốn các cấp, ngành sẽ có những chính sách phù hợp hơn nữa đối với đặc thù của nghề giáo viên mầm non.

Thanh Hùng

Thầy Dế và cái duyên trở thành giáo viên mầm non

Thầy Dế và cái duyên trở thành giáo viên mầm non

- Trong số hơn 100 gương mặt được Bộ GD-ĐT tôn vinh giáo viên mầm non tiêu biểu, anh Giàng Seo Dế (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) nổi bật hơn cả bởi là người đàn ông hiếm hoi trong số đông các cô giáo vây quanh.