- Những ngày vừa qua, đã có nhiều ý kiến về chủ trương thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên. Đề tài này có rất nhiều khía cạnh để xem xét, và khó có thể đề cập hết. Trong phạm vi một bài viết này, tôi xin trao đổi về một số ý kiến sau:

1. Ý kiến: Giáo viên chỉ ký hợp đồng, chứ không vào biên chế, để luôn phải phấn đấu; nếu không hoàn thành nhiệm vụ hai năm thì có thể bị cho nghỉ việc.

Vậy các ngành khác thì sao ? Tất cả các cán bộ viên chức, công chức ở các bộ khác cũng có thể bị áp dụng quy định này, sao lại áp dụng ở Bộ GD-ĐT?

2. Ý kiến: Giáo viên ở trường tư ký hợp đồng cũng rất tốt, trường công cũng nên áp dụng việc ký hợp đồng như trường tư.

Trường công khác cơ bản trường tư - học sinh không phải đóng học phí cao, được nhà nước bao cấp phần lớn, lương của giáo viên do nhà nước trả (chứ không do hiệu trưởng trả). Không nên xem trường công như một doanh nghiệp và hiệu trưởng là chủ doanh nghiệp.

{keywords}

Môi trường giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, phải là một môi trường khá ổn định và bình yên, không có sự ganh đua mà cần có sự giúp đỡ và cùng nhau phấn đấu. Ảnh: Thanh Hùng

Còn nếu nói tiến tới coi hai loại trường như nhau, tiến tới xã hội hoá giáo dục, phải chăng sẽ tiến tới học sinh phải đóng học phí cao ở trường công ? Như vậy thì nhà nước, nhận đồng thuế của dân, có thực hiên trách nhiệm phổ cập giáo dục phổ thông hay không ?

3. Ý kiến: Giáo viên ký hợp đồng sẽ tạo động lực cho họ làm việc tốt hơn.

Môi trường giảng dạy và giáo dục không phải là một môi trường cần tính cạnh tranh cao, luôn thể hiện mình giỏi hơn người, v.v. Môi trường giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, phải là một môi trường khá ổn định và bình yên, không có sự ganh đua mà cần có sự giúp đỡ và cùng nhau phấn đấu.

Người giáo viên không phải ngày một ngày hai mà dạy giỏi, họ cần tích luỹ kinh nghiệm, cần yên tâm với vị trí của mình để tâm huyết với nghề, gắn bó với nghề, có thời gian và tâm trí để học hỏi và phát triển năng lực.

4. Môi trường giáo dục phổ thông và cao hơn nữa là môi trường giáo dục đại học rất cần phải là một môi trường minh bạch, tôn trọng kiến thức và sự thật. Nó rất cần sự đóng góp ý kiến thẳng thắn, sự phản biện. Nếu giáo viên chỉ được ký hợp đồng, và lúc nào cũng có nguy cơ bị dừng hợp đồng, thì họ có còn điều kiện và tâm huyết để góp ý kiến hay phản biện nữa không?

5. Ý kiến: Nên ký hợp đồng để có thể loại bỏ những giảo viên không đủ năng lực. Việc ký hợp đồng tạo điều kiện tuyển giáo viên giỏi mà trước đây không vào biên chế vì nhiều lý do như hộ khẩu.

Điều này có thể hợp lý, và trên thực tế vẫn có hướng giải quyết: Giáo viên khi được nhận vào trường sẽ không được ký ngay biên chế mà phải qua một thời gian làm hợp đồng. Đây chính là thời gian thử việc. Việc này vẫn đang được thực hiện ở nhiều nơi.

Nên chăng xem xét lại các quy chế tuyển giáo viên để giáo viên giỏi không bị loại vì những lý do bất hợp lý.

Nếu muốn nâng cao chất lượng giáo viên, có thể đề ra các quy chế về thời gian làm hợp đồng, về các tiêu chuẩn để sau thời gian làm hợp đồng được làm viên chức, công chức.

6. Ý kiến: Việc tuyển công chức, viên chức giáo viên còn có những tiêu cực hay bất cập.

Vậy thì cần phải xem xét lại quy trình tuyển ấy, thay đổi để nó tốt hơn; chứ không phải là xoá bỏ đi hệ thống công chức, viên chức giáo viên.

Nếu thay thế nó bằng hình thức chỉ ký hợp đồng, thì sẽ có những tiêu cực, bất cập của việc ký hợp đồng. Nếu có việc tiêu cực để xin biên chế thì cũng có chuyện tiêu cực để có hợp đồng.

7. Chúng ta hẳn còn nhớ những bài báo "Hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lâm cảnh khốn cùng" và nhiều bài khác về sự khốn cùng và bế tắc của các giáo viên khi bị ra khỏi trường. Những khi ấy, xã hội đã rất cần Bộ GD - ĐT có trách nhiệm đứng ra bảo vệ quyền lợi của giáo viên.

Công đoàn giáo dục Việt Nam nên có ý kiến để bảo vệ quyền của người lao động. Nếu nhà nước chưa trả được đồng lương xứng đáng với sức lao động, chưa tạo được điều kiện tốt cho giáo viên, thì cũng đừng tước nốt của họ quyền lợi cơ bản là sự ổn định để yên tâm làm việc.

  • Phan Thị Hà Dương

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Thí điểm ở những nơi có điều kiện"

Khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT đã phải tách thành hai, một nghị định cho giáo dục đại học và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông.

Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, tôi chưa đề cập tới vấn đề tự chủ tài chính vì vấn đề này còn phải bàn thêm. Ở đây, tự chủ chính là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự.

Về nhiệm vụ, các trường đã được phân quyền rồi nhưng thực tế sự chủ động vẫn chưa nhiều. Nếu như không phân cấp cho các trường mạnh hơn nữa thì vai trò chủ động của các nhà trường và tính linh hoạt của các thầy cô giáo chắc chắn sẽ mờ nhạt và khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng sẽ can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường.

Về tổ chức bộ máy và nhân sự, đây là vấn đề “thiếu” tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường. Rõ ràng, các trường mới là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay do các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.

Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được “đột phá” cho quá trình đổi mới giáo dục.

Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.

Mọi thay đổi hay đổi mới của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng.

Để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể hiện qua thu nhập - là việc cần phải làm.

Ban đầu sự thay đổi này sẽ có tác động nhiều chiều đến đội ngũ giáo viên, sẽ có người đồng thuận, sẽ có người băn khoăn, thậm chí là phản đối, nhưng về lâu dài việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo, vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng.

Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn như một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho họ thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra.

Việc này vẫn đang trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành Giáo dục. 

Hà Phương (Ghi)