- Những người gần Nguyễn Đăng Mạnh đều nhận thấy ông rất mê dùng hai chữ “sang trọng” và “nhếch nhác”. Với nghĩa thông thường thì ít thôi, còn nhiều hơn là với hàm nghĩa đã được nới rất rộng, rất phóng, rất vui nữa.

- Nhếch nhác! Trích ai không trích lại đi trích cái tay ấy!

- Tay này bị báo chí đánh, đâm sang trọng ra, lên giá hẳn!

Người ta đã quen nghe đến nỗi, trong một cuộc họp Hội đồng lí luận Hội Nhà văn, có vị đã dùng chữ “sang trọng” với cái vẻ ấy, thì được nhắc khéo ngay: ấy chớ, đó là “chữ của ông Mạnh”. Thế có khác chi một sở hữu độc quyền! Oái oăm nhất là, một bạn văn nào đó của ông đã nghĩ ra cái tình huống: nếu cấm dùng hai chữ ấy, thì ông Mạnh hết đường xoay sở! Tôi nghĩ xoay sở thì không khó gì. Nhưng chắc chắn là mất hẳn đi cái giọng, cái khí sắc Nguyễn Đăng Mạnh. Chả là mấy chữ không đâu kia lại là một thứ qui chiếu rất riêng của ông. 

{keywords}
 

 Bắt đầu là một kỉ niệm thời tôi còn là sinh viên. Chẳng biết có phải do ấn tượng từ tên sách, từ lối văn của cuốn Nhà văn tư tưởng và phong cách hay đơn giản chỉ vì cái chữ «đăng» rất võ đoán trong cái tên ông xui khiến, mà hồi chưa vào đại học, tôi cứ hình dung Nguyễn Đăng Mạnh là một người cao cao, trán hói. Sau cặp kính dày cộp là khuôn mặt đăm chiêu lúc nào cũng lơ đãng một cách nghiêm trang, trên tay là chiếc cặp nặng trĩu những tư liệu và công trình… Tóm lại, là một học giả sang trọng. Nhưng đến một hôm khi đã học năm thứ hai, thì một anh chàng lớp trên chỉ cho tôi: Kia kìa! thầy Mạnh đang đến kia kìa! Thú thực, tôi hơi… thất vọng! Chả sang gì cả! Còn “nhếch nhác” nữa là đằng khác! Không hề cao, lại đội chiếc mũ lá cọ đã thâm màu, dắt chiếc xe đạp cũ, màu cua luộc, ghi đông lủng lẳng chiếc túi xách màu da bò bạch phếch – tôi hãy còn nhớ túi có trang trí hình một chiếc thuyền buồm. Hẳn là túi đi chợ của bà xã rồi!... Chà! Kia mà là người đã làm sáng giá lên sự sang trọng và tài hoa của Nguyễn Tuân ư? Kia mà là người đã khám phá ra niềm khát khao giao cảm với đời của Xuân Diệu, thi sĩ lãng mạn vào bậc nhất của nước Nam này ư?... Chả giấu gì, lúc ấy tôi đã theo chân vào lớp với một hoài nghi ngấm ngầm. Vừa đi, vừa cố tìm mối liên hệ giữa cái ông tác giả Nhà văn tư tưởng và phong cách mà tôi vẫn hình dung là đầy kiêu sang, với ông thầy như một giáo khổ tường tư đời mới kia ! Mãi mà không ra. Ngồi ở cuối lớp, máu vẽ vời trong tôi nổi lên. Tôi hí hoáy rất nhanh một chân dung hí hoạ: từ khuôn mặt, cái cằm, sống mũi, gò má đến đôi mắt, nhất là những tia nhìn… cái gì cũng nhòn nhọn, săng sắc! Và lấy làm khoái chí rằng đã tóm được thần thái rồi. Nào ngờ, ngẩng lên chợt gặp lúc ông cười. Tôi mới ngớ người ra. Khác hẳn. Cái cừ đã làm khác hẳn. Phải, cái cười đã “cứu” tất cả. Nó bừng sáng, làm tan đi cái vẻ đăm đăm khắc bạc, những nét săng sắc nhòn nhọn phút chốc chìm đi, toả ra xung quanh một làn hơi ấm và sáng. Cái thần của ông là đây kia, bây giờ mới ló rạng. Thực tình, không có cái cười đó tôi không thể nào tin được ông lại có thể là một người cởi mở, ấm áp, thoải mái, trẻ trung như tụi lớp trên vẫn kháo nhau. Thế là, tôi vội bí mật thủ tiêu cái “kiệt tác” còn chưa ráo mực của mình. Tay kia rút một tờ giấy khác, phác nhanh những nét mới, để “sửa sai”.

{keywords}
 

Tuy nhiên, phải đến khi ông giảng, thì sự hoài nghi của tôi mới được giải toả hết. Còn nhớ hôm ấy là chuyên đề Mấy vấn đề phương pháp tìm hiểu và phân tích thơ Hồ Chủ Tịch. Không ngờ ông có thể trình bày vấn đề khúc chiết minh bạch đến vậy. Không màu mè, không hoa lá, không bay bổng, không ngọt ngào. Mà sắc sảo, táo bạo đầy bản lĩnh. Ấy là kiểu hấp dẫn bằng chính tư tưởng, tư duy, chứ không phải bằng mĩ cảm phóng túng hay kĩ năng sư phạm điêu luyện. Những bài lẻ của ông về thơ Bác, tôi đọc rồi. Chúng đã được công bố rải rác trên Văn nghệ, Tác phẩm mới, Tạp chí văn học… Nhưng ở đây là cả một hệ thống vừa sáng sủa, vừa phong phú. Tôi đã đọc cả mấy chuyên luận về thơ Bác của các vị khác, toàn những cuốn cũng công phu lắm, nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa thấy ai nói về thơ Bác như vậy. Đó là cả một thế giới nghệ thuật. Chỉ cần một thái độ khoa học, những thao tác khoa học thôi cũng thấy được giá trị thực cao quý của nó, chả cần phải tô vẽ tán dương dễ dãi làm gì. Đám sinh viên cùng khoá ghé vào nghe ké khá đông. Đứa nào cũng mê tít việc phân loại thơ Bác thành hai mảng thơ nghệ thuật và thơ tuyên truyền một cách thật khoa học. Sau nữa là sự lí giải bất ngờ về chất thép độc đáo của Hồ Chí Minh,v.v… Điều gì cũng rốt ráo, sơn cùng thuỷ tận. Mà khẩu khí thì tự tin và lắm lúc đến là cực đoan. Tôi nhớ hình như đã thầm reo lên rằng: Đây rồi! Chính cái khẩu khí của Nhà văn tư tưởng và phong cách đây rồi! Thế mới đúng chứ! Và cũng trong lúc ấy, tôi chợt nhớ lại bìa của cuốn sách đó là thứ giấy vàng vàng ô ố, những mảng màu trang trí thì xin xỉn, chẳng tươi tắn, bắt mắt gì cả. Nhưng bên trong lại là thứ văn sắc và sáng, nặng trĩu những ý tưởng, mà lại thoát hẳn lề lối hàn lâm. Bìa sách thế với ruột sách thế có lẽ chỉ là ngẫu nhiên mà cứ như có một sự xui khiến vô hình nào vậy! Tôi chắc không phải ai cũng chịu lối văn này. Nhưng ai đã thích thì dễ bị mê hoặc.

Bây giờ thì đời sống ông sang trọng nhiều rồi. Con cái ông cũng khá cả mà. Nhưng chẳng hiểu sao, với tôi cụ Mạnh – sa lông phô tơi, com lê cà vạt vẫn không thi vị bằng cụ Mạnh – mũ – lá. Và tôi dám chắc rằng nếu như in vào kí ức thời sinh viên của tôi không phải là cái mũ cọ trung du lôi thôi xoàng xĩnh, thì hẳn là hình ảnh ông trong tôi sẽ mất đi một cái gì rất quan trọng. Hình như, cứ phải thế mới ra cụ Mạnh! Hay tôi là kẻ oái oăm?

 

{keywords}
Những lớp học trò đưa tiễn GS Nguyễn Đăng Mạnh sáng 13/2. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Một lần lục giá sách của ông, tôi gặp cuốn Maiacôpxki của Hoàng Ngọc Hiến với lời đề “Tặng Julien Mạnh”. Tôi lấy làm lạ: tên thánh tên thiếc gì chăng? Mà có tên thánh nào thế đâu nhỉ? Mãi mới vỡ lẽ: Julien là tên nhân vật chính trong Đỏ và Đen của Stenđan mà ông rất mê. Một nhân vật quyết liệt ghê gớm. Xuất thân từ tỉnh lẻ, tầng lớp thấp, nhưng bằng tài và chí, đã vượt khỏi vị thế của mình, bước thẳng vào thế giới của bọn quí tộc, thách thức cả những người cao sang nhất. Hoàng Ngọc Hiến bảo ông có trực giác khoa học. HồDzếnh bảo ông là người có khả năng nhận ra cái thần của mỗi nhà văn. Còn ông, ông chỉ nhận mình làm được điều gì cũng nhờ rất nhiều vào cái chất Julien đó. Tôi không nghĩ hồi trẻ ông học lớp hội hoạ kháng chiến của Tô Ngọc Vân là do cái chất kia xui khiến. Ông đã bỏ dở. Và may là như thế! Suýt nữa ta đã có một hoạ sĩ xoàng mà mất đi một nhà nghiên cứu phê bình giỏi (tôi có xem mấy kí hoạ trong sổ tay hồi ông sang Campuchia. Nét vẽ xem ra cũng … tầm tầm thôi!). Hồi theo kháng chiến, do một sự tình cờ, ông đã đọc gần hết cả một gian sách tiếng Pháp chất trong cái lán nhỏ, do một thư viện nào đó chuyển lên cho cán bộ Sở giáo dục Việt Bắc, đặt ở hang Dơi, nằm ở phía bắc Thái Nguyên. Nhưng cũng thế thôi! Ông mê đọc chỉ vì…mê đọc, chưa phải để chuẩn bị vốn liếng cho một phê bình gia sau này. Phải đến sau nữa, đi học đại học, rồi vào dạy Đại học sư phạm Vinh, chàng Julien mới thôi thúc và thao thức nhiều trong ông. Không thế, giữa những ngày bom đạn đánh phá, hẳn ông không thể nhảy tàu ra Hà Nội để đọc sách. Cũng không thể cặm cụi nghiên cứu Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, giữa nơi sơ tán tăm tối, hẻo lánh trong rừng núi Thanh Hoá và bắt tay vào viết những công trình nghiên cứu phê bình đầu tiên ở đó!

Để lớn lên trong nghề này, ông đã gặp và chơi nhiều với cánh nhà văn, đặng hiểu sâu vào công việc sáng tác. Nhiều nhà văn đã thành chỗ thân tình của ông. Ông cũng chịu tìm gặp các học giả để hỏi han, trao đổi, nhất là về những khái niệm chưa tường tận. Vậy mà nhiều lúc thật cay đắng. Thuở “hàn vi”, có lần chàng Julien mũ lá lặn lội đến gõ cửa nhà một giáo sư được đào tạo ở Tây hẳn hoi, để hỏi về chủ nghĩa tự nhiên. Thấy một người trẻ tuổi, vô danh, lại đội mũ lá, dắt xe đạp cà tàng, vị giáo sư sang trọng kia đã dành hẳn một “đặc ân”: tiếp ngay ở cửa, nói nhát gừng vài lời, rồi vội bắt tay để xua khéo về một cách … lịch sự. Ông lặng người, rồi ra về. Không còn nhớ trong lòng là nỗi cay đời hay buồn đời, là bi hay phẫn nữa. Chàng Julien trong ông đã vụt dậy và cất lên một lời thề quyết liệt. Phải, chỉ có nó là sức mạnh duy nhất giúp ông sắt đá, giúp ông vượt lên sự khinh khi của những kẻ hợm hĩnh, hãnh tiến. Tôi ngờ rằng chữ “nhếch nhác” và “sang trọng” sau này thành lời cửa miệng của ông có lẽ đã bật lên vào lúc ấy, khi cái tương quan lộn ngược của nó hiện ra nhỡn tiền. Và, mỗi lần như thế, người ta càng thấy ông nung nấu, càng lao vào đọc, nghĩ, viết ráo riết hơn. Sau này tôi mới hay, ông từng bị lao phổi, bị chảy máu dạ dày hai lần đều là hậu quả của chuỗi ngày ráo riết triền miên như thế. Hèn chi mà sau này, ngay khi đã thành một giáo sư đầu ngành rồi, ông vẫn luôn mở rộng cửa cho sinh viên ưa thắc mắc hỏi han đến “quấy”. Và sẵn lòng tin những người chân chính đang âm thầm lớn lên trong vô danh.

Nguyễn Đăng Mạnh là người ưa chuyện, giòn chuyện. Gặp người hợp, nhất là bọn trẻ (ông vốn thích chơi với cánh trẻ), ông có thể say sưa thâu đêm suốt sáng. Càng nói càng hăng, càng sắc. Nếu đã trò chuyện với ông rồi, ra về bạn ngẫm lại mà xem: ông chỉ có một chuyện thôi! Toàn bộ những chuyện trên giời, dưới biển, đời xưa đời nay, bên ta bên tây, chuyện sư tử hay cầy cáo, đàn ông hay đàn bà, hồi ức hay thời sự, nghệ thuật hay tuyên truyền… cuối cùng rút lại chỉ độc một chuyện: tư tưởng nghệ thuật. Lúc giọng ông bốc nhất, lên men say nhất cũng là khi trực tiếp đụng đến cái chuyện ấy. Đơn điệu chăng? Cực đoan chăng? Hay là lẩn thẩn? Có lẽ chỉ đơn giản là ông quá si mê điều ông tâm niệm, thế thôi. Người ta bảo đó là “ bệnh” của những người bị chính tư tưởng của mình ám ảnh, nó như cái bóng vô hình, không chịu lìa bỏ cũng không chịu buông tha. Có khi thế thật?

Tôi nhớ lần cùng ông vào Thanh Hoá để bồi dưỡng giáo viên và học sinh chuyên văn. Trên tàu ông nói chuyện suốt bốn tiếng đồng hồ. Nghĩa là lúc nào cũng phải rướn giọng, phải đua với tiếng tàu xiết trên đường ray, tiếng cửa toa va đập sầm sập, xình xình. Thỉnh thoảng, ông dừng lại châm thuốc, làm tôi cứ đinh ninh là ông sắp ngừng và sẽ phải gà gật như mấy cụ già bên cạnh. Tôi nhầm. Đó chẳng qua chỉ là quãng lặng để chuẩn bị một cao trào mới.

- Trong những thế kỉ trước, có người đã định nghĩa con người là cây sậy có tư tưởng. Cũng là thứ cỏ mọn hoa hèn thôi. Nhưng cần nhớ đó là cây sậy có tư tưởng! Thế thì cái tư thế người, cái tư cách làm người là do cái tư tưởng kia quyết định chứ gì?.

Chừng như sợ người nghe mình gà gật, ông mới đổi tư thế ngồi và nhìn xoáy vào tôi – Làm học thuật hay làm nghệ thuật cũng thế cả ! Không có tư tưởng riêng thì vứt! Thì chìm nghỉm, mất tăm mất dạng. Anh lớn hay bé đều do cái tư tưởng kia mà nên. Sự sang trọng của một người viết phải được đảm bảo, được thế chấp bằng tầm vóc tư tưởng của bản thân anh ta. Mà tư tưởng nhà văn là tư tưởng nghệ thuật! Nên nhớ là như vậy. Tiếng Pháp nó gọi là I – đê pô - ê - tíc – cơ (Idée poétique). Nghiên cứu nhà văn mà không tìm cái ấy thì tìm cái gì cũng chỉ vụn vặt mà thôi

Đấy, hễ đụng đến chuyện ấy là cứ như đụng đến tín niệm riêng của ông vậy. Tàu ồn thế chứ ồn nữa, cũng có làm sao! Hèn chi mà bao năm nay, ông đã viết dễ có đến mấy chục đầu sách. Nhưng theo tôi, ông chỉ viết có một quyển! Nó là kết tinh toàn bộ quan niệm, tư tưởng của ông. Ấy là Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Mà phần chủ chốt của nó là đường đi vào tư tưởng nghệ thuật. Tất cả những cuốn khác chỉ là dọn đường, phác thảo, là phân thân, hoá thân, là mảnh vỡ của cùng một cuốn duy nhất này thôi. Chàng Julien mũ lá cứ âm thầm mải miết bước trên con đường ấy, vừa đi, vừa mở, vừa phát quang, để cuối cùng đã hái về những niềm khát khao giao cảm với đời của Xuân Diệu, niềm căm uất không nguôi của Vũ Trọng Phụng, nỗi đau dai dẳng vì tình trạng con người bị sỉ nhục của Nam Cao, chủ nghĩa nhân đạo thống thiết của Nguyên Hồng… Tất cả đều là những nhiệt hứng sôi nổi, là tư tưởng nghệ thuật sáng giá của các nhà văn đó. Tôi biết, có người còn muốn nắn chỗ này, đắp chỗ kia, nhưng không thể không thấy đó quả là một con đường! Tính thuyết phục của con đường ấy không phải ở nhiệt huyết đam mê cặm cụi suốt cả đời của người khai mở. Mà là ở kết quả nó mang lại. Chính những thành công của ông là vật thế chấp cho con đường đi đó.

Người ta bảo ông yêu ghét khinh trọng chúa là cực đoan. Tôi cũng thấy thế. Cả sống và viết ông đều thế. Một người đã quyết liệt thì có cực đoan cũng là điều dễ hiểu. Dĩ nhiên, ông khinh nhất sự dung tục, ghét nhất sự nhếch nhác. Mà ông lại rất nhạy cảm về điều này. Vớ được một nhân vật nhếch nhác nào thì, lạy chúa, thôi rồi!... Còn yêu? Cũng cố nhiên là sự sang trọng. Ấy là sự sang trọng của tài hoa và nhân cách. Ông mê nhất Nguyễn Tuân là vì thế. Hình như, cái trục lựa chọn khinh – trọng là trục chính chi phối cách nhìn người nhìn đời của ông thì phải?

Nhớ một bận cách đây ít năm, khi đang bắt tay viết cuốn Ba đỉnh cao Thơ mới – Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, tôi có ghé ông chơi, nhân tiện hỏi thực hư về một chuyện mới nghe được, chuyện khá li kì. Đúng lúc ông vừa viết xong một bài về Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Nhiệt hứng còn đương ngùn ngụt.

- Ông thấy không ? Huấn Cao nói thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ, nghe nó sang trọng bao nhiêu ! Không cúi đầu trước đồng tiền và quyền lực. Mà cúi đầu trước một tấm lòng! Trong khi đó tay Quản Ngục lại khúm núm trước Huấn Cao. Khúm núm thế đâu có nhếch nhác. Bởi đó là cái cúi đầu trước hoa mai cả thôi ! Thật là cái khúm núm đầy tư tưởng, cái khúm núm sang trọng. Tư tưởng của Nguyễn Tuân là đấy chứ đâu!

Sau cái câu đầy gay gắt đanh đá như vẫn đang còn tranh luận trong bài viết ấy, ông dừng lại châm thuốc hút. Tưởng ông đã dứt mạch, tôi định chen vào hỏi ngay. Nào ngờ… cao trào chưa hoàn toàn lắng xuống.

- Mà tư tưởng là tư tưởng riêng của mình. Chứ còn như ai kia tự nhận là hạt bụi mang tư tưởng mà lại là tư tưởng của người khác, thì… tưởng là sang trọng té ra lại nhếch nhác!... Tôi định nói rằng, đời nó thế. Sang đó lại hèn ngay đó. Có cái ngỡ hèn mà hoá sang. Có cái tưởng sang trọng mười mươi, lại tầm thường, nhếch nhác. Có sự phế truất mà sang. Có sự lên ngôi mà nhếch nhác. Có cái nhếch nhác đắc thắng. Lại có cái thất thế vẫn cao sang… Phải tự tín lắm mới luôn tin rằng cái Sang là một giá trị giữa đời này. Và cũng phải lãng mạn lắm thì mới hằng tin rằng sự sang trọng chân chính nhất ở một con người chính là sự sang trọng của tư tưởng. Những thứ ấy đời dễ cho là viển vông, mơ hồ, thậm chí, còn nguy hiểm nữa. Người ta còn mải bận tâm, bon chen vì những gì gì kia, những phú quí, vinh hoa, tước hiệu, những ghế gẩm này khác chẳng hạn…Nhưng tôi kịp nhận ra rằng, điều chính mình đang nghĩ cũng đâu có mới lạ gì. Nó cũ như bản thân cuộc đời này rồi. Vả lại, cái chuyện tôi định hỏi vẫn nóng hơn. Tôi ghé ông lần này là vì chuyện ấy kia mà. Thế là tôi gạ, đại khái: nghe người ta úp mở rằng ông được Xuân Diệu rất sủng ái. Sau khi đọc xong bài Niềm khát khao giao cảm với đời đã khóc mà nói “Mạnh là người hiểu mình sâu sắc nhất”, đã mời ông đến nhà và tặng một chiếc đồng hồ, có phải không? Xuân Diệu đề nghị ông hãy nhận theo cung cách Tản Đà ngày xưa nhận 1000 đồng Đông Dương của Diệp Văn Kỳ, nghĩa là, nhận mà không cần cám ơn, lại còn nói nhún “ Mình thì không đáng là Diệp Văn Kỳ, còn Mạnh đáng là Tản Đà”. Chuyện là thế nào? Thì ông xua tay lảng đi:

- Cái câu “hiểu mình sâu sắc nhất”, thì Xuân Diệu không trực tiếp nói với mình, mình cũng chỉ được nghe anh Văn Hồng thuật lại thôi. Còn chuyện tặng đồng hồ thì có. Nhưng bây giờ Xuân Diệu chết rồi. Nói ra có khi người ta bảo mình bịa. Thấy người sang bắt quàng làm họ. Mà ăn theo người sang lại chẳng là nhếch nhác à ? Chả dại!...

TS  Chu Văn Sơn (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)