Từ khi ra trường, ở lại làm giảng viên của trường Sư phạm, tôi luôn ám ảnh câu hỏi: Mình có thể làm gì để giúp sinh viên trở thành những người giáo viên giỏi.

Cho đến năm 2014, vì quá tò mò và muốn chứng nghiệm cho câu hỏi này, tôi đã tự phác thảo một chương trình hỗ trợ cho sinh viên Sư phạm để chia sẻ cho các em những kiến thức và kĩ năng mà trường không dạy.

Tôi đã đánh liều xung phong dạy miễn phí trong mùa hè và gạ gẫm các sinh viên tích cực trong lớp làm chuột bạch. May sao các lớp tôi dạy cũng có một số chuột bạch ham học hỏi và liều mạng đăng kí tham gia.

Thế rồi, tôi lân la khắp nơi chia sẻ với bạn bè về ý tưởng ấy của mình, đề nghị họ dạy miễn phí cho các em.

Thời đó không có phòng học, toàn phải đi mượn, không có chương trình, thấy ai thò ra cái gì hay là tôi lôi sinh viên tới học miễn phí.

Khi khóa học kết thúc thì ý tưởng về dự án Phát triển văn hóa đọc Sách ơi mở ra được hình thành.

Suốt mấy năm, mấy cô trò cùng mò mẫm công thức tạo ra một giáo viên giỏi. Cho đến một ngày, tôi chợt nhận ra rằng, cái thực sự tạo nên một giáo viên giỏi không hẳn chỉ nằm ở kiến thức, kĩ năng mà ở niềm hạnh phúc bên trong các thầy cô giáo.

Các thầy cô giáo giỏi nhất của tôi đều tỏa ra niềm hạnh phúc ấy, và cảm giác an lạc, yêu sống từ bên trong họ khiến cho tôi cảm thấy sức làm việc của họ không bao giờ vơi cạn, xung quanh họ như tỏa hào quang.

Lúc nào tôi cũng muốn được gặp họ, nhất là những lúc cảm thấy bất an.

Nguồn năng lượng của lòng yêu sống đó đánh thức trong tôi khát vọng được học hỏi, khát vọng được sống làm người tử tế.

Nhưng mà, ngày nay, dường như có quá nhiều yếu tố để khiến cho người giáo viên khó có thể hạnh phúc.

Đồng lương ít ỏi, công việc bấp bênh, những áp lực từ thi cử, sức ép từ phía phụ huynh, căng thẳng hàng ngày khi phải làm việc với học sinh, những phản ánh của truyền thông về nhà giáo… đang khiến cho nghề giáo viên trở thành công việc rủi ro, căng thẳng chẳng kém gì nghề cảnh sát.

Việc xã hội coi giáo dục là một hàng hóa và nghề giáo viên là một nghề dịch vụ đã khiến cho các thầy cô giáo nhiều khi không được thực sự tự do trong việc dạy học.

Có lần tôi đứng từ xa nhìn theo cô giáo mầm non của con đi ra khỏi sân trường sau giờ làm việc, tôi tự nhiên có một cảm giác thương xót vô cùng.

Cô nhỏ bé, mệt mỏi, dường như cạn hết cả năng lượng sau cả một ngày bế và dỗ từng đứa trẻ khóc nhè, cho ngần ấy đứa trẻ ăn, ngủ, chịu đựng một bầu không khí ồn ào huyên náo không lúc nào ngưng.

Mong muốn khiến cho các thầy cô giáo trở nên hạnh phúc ngày càng lớn lên trong tôi, nhưng nó không thành một cái gì rõ nét, cho đến một ngày được một người bạn tặng bức thư pháp của thầy Thích Nhất Hạnh: Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới.

Những lời lẽ đó như chạm vào những gì đã suy nghĩ, băn khoăn bấy lâu, và lúc đó tôi chợt nghĩ ra rằng, trong suốt cuộc đời còn lại của mình, tôi sẽ phải đi theo con đường đó.

Tôi sẽ chia sẻ với các thầy cô về giá trị của nghề nghiệp, về cách để cảm thấy an vui trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Và chính tôi cũng sẽ phải tu tập để mình thực sự trở nên hạnh phúc. Mỗi lần đi chia sẻ với các giáo viên ở các vùng xa xôi hẻo lánh về văn hóa đọc, tôi đều lồng ý tưởng này vào trong các bài giảng, và nhận thấy khi tôi đến với các thầy cô bằng niềm mong ước chân thành muốn chia sẻ niềm hạnh phúc của mình, muốn giúp các thầy cô hạnh phúc, thì dường như tôi đã nhận ra một sự chuyển hóa nào đó trong nội tâm của những thầy cô mà tôi đã gặp.

Cho đến một ngày, tôi chủ động nhắn cho một người bạn là tổng hiệu trưởng trường quốc tế rằng mình có một ý tưởng muốn chia sẻ với giáo viên.

Tôi muốn nói về chủ đề "Lựa chọn để trở thành một giáo viên hạnh phúc". Tôi không cần trường phải trả thù lao, chỉ cần trường cho tôi cơ hội được gặp các giáo viên là được.

May mà chị là một người luôn thực sự trăn trở với giáo dục, cũng là người luôn đầy ắp các ý tưởng nên đã đồng ý ngay lập tức, thậm chí còn hoãn các công việc khác ở trường để cho tôi được nói chuyện với giáo viên.

Tôi rất hi vọng có thể tạo nên một tăng đoàn của những giáo viên có mong ước trở thành một giáo viên hạnh phúc, gặp nhau chỉ đơn thuần là để thở và cười, để lắng nghe nhau và để chăm sóc cho mầm hạnh phúc ẩn sâu trong nội tâm của mình.

Tôi cũng hi vọng có nhiều lãnh đạo giáo dục, ngoài việc chăm lo cho thành tích, có thể dành một khoảng thời gian nào đó trong công việc để suy nghĩ về việc làm thế nào để mỗi thầy cô giáo của mình đều cảm thấy hạnh phúc khi được dạy.

Tôi cũng hi vọng các phụ huynh có thể hiểu được điều giản dị này, rằng cách tạo nên một môi trường giáo dục tốt nhất cho con họ không phải là giám sát và đánh giá, là theo dõi nhất cử nhất động của giáo viên bằng một cái tâm đầy phán xét, là đặt ra các đòi hỏi và yêu cầu, mà là chia sẻ, trao niềm tin, là tin cậy và đồng hành, là làm mọi cách để khiến giáo viên của con mình cảm thấy hạnh phúc và được yêu thương.

Và tôi cũng mong các giáo viên, thay vì bất mãn trước những thiệt thòi trong nghề nghiệp và những điều bất như ý trong công việc, có thể tự chế tác niềm vui bằng cách chánh niệm và lắng nghe. Cuộc đời thật là ngắn, những âu lo, toan tính của chúng ta đâu có làm cho chúng ta sống được lâu hơn.

Nhân ngày 20/11, tôi thực sự mong mỏi điều này, rằng mọi người thay vì tặng hoa, tổ chức meeting rầm rộ, thay vì tôn vinh bằng những lời sáo rỗng, hãy đứng bên chúng tôi và tin tưởng, cho chúng tôi cơ hội được là một giáo viên hạnh phúc.

Nguyễn Ngọc Minh (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Bản hiến chương soi sáng những nền giáo dục đang trưởng thành

Bản hiến chương soi sáng những nền giáo dục đang trưởng thành

Đọc Hiến chương các nhà giáo, tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao, hình như người ta đã và đang như bỏ quên một văn kiện quan trọng nhất đối với các nhà giáo tiến bộ trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Giáo dục gửi thư chúc mừng thầy cô giáo nhân Ngày 20/11

Bộ trưởng Giáo dục gửi thư chúc mừng thầy cô giáo nhân Ngày 20/11

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.