Đó là câu chuyện của thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong, xã Đắk Roong, huyện Kbang, Gia Lai cùng các giáo viên nơi đây trong chương trình “Thay lời tri ân” năm 2017 do Bộ GD-ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Ba giờ sáng ngày chủ nhật hàng tuần, khi dân làng còn chìm trong giấc ngủ yên, thầy Phạm Quốc Tuấn đã cùng đồng nghiệp lên xe máy chạy vào tận các bản làng, các nhà đầm - nơi các đồng bào canh tác đón học sinh đi học tới trường.

Trường tiểu học Đắk Roong, xã Đắk Roong, huyện Kbang, Gia Lai có hơn 30 giáo viên phụ trách hơn 400 học sinh. Phần lớn các em là người dân tộc, dù học bán trú nhưng do trường cách nhà hàng chục km đường rừng nên các em phải ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6, còn thứ 7 và Chủ nhật mới về nhà.

Để vào tận nơi đón các em, chiếc xe máy của thầy Tuấn cùng các đồng nghiệp phải rú hết ga trên những con đường ngoằn nghèo, khúc khuỷa. Mỗi lần đi đón thầy cô lại tận nhà khi thì biếu phụ huynh gói mì chính, món quà, có khi kết hợp với đoàn thanh niên vận động phụ huynh cho con em đi học.

 Đều đặn mỗi cuối tuần, thầy cô lại phân công nhau đi đón học sinh cho kịp tuần học mới. Có hôm đi ban ngày nghe tiếng xe là học sinh chạy mất, thầy cô chuyển sang đi lúc 1-2 giờ sáng hoặc lúc nửa đêm để “bắt” lúc các em đang ngủ.

Để các em phát hiện, các thầy cô nơi đây còn để xe tận ngoài bìa rừng rồi cuốc bộ 3-4km vào bản, nhưng học sinh thấy thầy đã vội leo lên cây cố thủ. Lúc này các thầy lại chia ra, người ở lại đứng canh dưới gốc cây, người về trường chở học sinh tiêu biểu lên thuyết phục bạn xuống. Thế nhưng trên đường về trường có nhiều em ngồi trên xe cũng nhảy xuống để chạy trốn, có em đi học được một tuần thì lại quay về rừng để trốn thầy cô.

Thầy Tuấn nói rằng, nếu các em không được học, sẽ không có sự thay đổi về nhận thức nên bằng mọi giá, mọi cách các thầy cô phải đi vận động cho bằng được. Bản thân thầy là hiệu trưởng phải gương mẫu nhận những nơi nên khó khăn nhất, xa nhất để đồng nghiệp noi theo.

Giữa bốn bề rừng núi, tiếng thầy Tuấn vang lên “không thấy á, van nó về học cho thầy, dẫn nó xuống đây, thầy đang đợi ở đây” làm nhiều người xem thấm thía nỗi vất vả của những “người lái đò” thầm lặng.

Tuệ Minh (Clip VTV2)