Mỗi lần về xuôi, ngoài lương thực dự trữ được chuẩn bị sẵn, các giáo viên vùng cao còn chở theo một ít áo quần cũ nhưng vẫn còn dùng tốt để lên cho học sinh. Đối với các em ở đây, đó là những bộ đồ mới cho một năm học mới. 

Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) có tất cả 10 điểm trường, trong đó có 1 điểm trung tâm và 9 điểm lẻ đóng ở 9 bản làng. Năm học này, cả trường có 200 em học sinh là người dân tộc Ma Coong.

Để chuẩn bị cho năm học mới, từ ngày 1/8, các thầy giáo cắm bản đã bắt đầu tập trung tại điểm trường chính nhận nhiệm vụ.

Thầy Nguyễn Ngọc Phương, phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Trong đợt tập trung đầu tiên này, chúng tôi sẽ phân công công tác, bố trí cho các giáo viên cắm bản ổn định nơi ăn chốn ở và tiến hành họp bản để chuẩn bị cho năm học mới”.

{keywords}

Thầy trò tại điểm trường bản Troi, trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình

Có nhiều điểm trường còn tạm bợ nên năm nào cũng vậy, sau khi tiến hành họp bản xong, phụ huynh và thầy giáo ở đây đều lên rừng tự tìm tre nứa rào trường.

Năm học mới này, tại bản Troi, một trong những bản xa nhất của điểm Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch có tất cả 17 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 chia làm hai lớp ghép - lớp 1,2,3 có 10 em, lớp 4,5 có 7 em - do 3 thầy giáo phụ trách.

{keywords}

Phụ huynh chặt nứa rào trường

Lớp học ở điểm trường bản Troi là một ngôi nhà sàn đã cũ. Bản có bao nhiêu hộ thì khuôn viên nhà trường sẽ chia thành chừng đó đoạn, để các phụ huynh tiến hành rào theo sự hướng dẫn của giáo viên.

Việc này giúp ngăn chặn gia súc, gia cầm của các hộ trong bản vào phá trong khuôn viên điểm trường. 

{keywords}

Học sinh nhổ cỏ trong khuôn viên điểm trường

Ngoài ra, các công việc tu bổ, vệ sinh trường lớp trước khi vào năm học mới cũng rất được chú trọng.

{keywords}

Quét dọn dưới sàn lớp học cho sạch sẽ

Thầy giáo cắm bản Nguyễn Sỹ Hà cho biết: “Bản Troi năm nay có 6 học sinh vào lớp 1. Vì địa hình cách trở nên ở đây không có điểm trường mầm non. Do vậy, ngay từ năm ngoái, những em này đã được các thầy giáo cắm bản cho đến lớp học hát và làm quen với tiếng Việt, để các em khỏi bỡ ngỡ khi vào lớp 1”.

{keywords}

Mỗi hộ trong bản sẽ rào một đoạn nứa quanh khuôn viên

Theo trưởng bản Đinh Bu, cả bản có 19 hộ và 114 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nương rẫy nên cuộc sống rất bấp bênh. Sách vở con em thì đã được nhà trường phát, nhưng ở đây không có chuyện các em có áo quần mới vào đầu năm học.

{keywords}

Vui vẻ đẩy xe rùa chở đất

“Thấy các em áo quần nhem nhuốc, cũ kĩ nên các thầy giáo cắm bản như chúng tôi mỗi lần về xuôi là lại xin từng bộ áo quần cũ còn dùng được của con, cháu mình hoặc người quen để lên cho các em. Bản thân tôi nhà ở gần chợ, cũng quen nhiều thợ may, nên mỗi lần về tôi lại ra xin đồ đưa lên cho các em. Lần nào cũng được mọi người gom đồ cho” - thầy Đỗ Hồng Thái, giáo viên cắm bản chia sẻ.

{keywords}

Thầy xin áo quần ở đồng bằng lên tặng lại cho các em

Một năm học mới đã đến, khắp các bản làng xa tít tắp lại vang lên tiếng i tờ của trẻ, để một ngày không xa, những con chữ sẽ giúp đồng bào dân tộc nâng cao đời sống, xây dựng bản làng nơi vùng sâu biên giới.

Hải Sâm