Ngày 31/10, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020. Chia sẻ về một năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, đó là năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Bộ GD-ĐT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước.

Đến thời điểm này, sau hai đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh.

"Sự an toàn của học sinh, sinh viên và giáo viên được đảm bảo nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, “đứt gãy”. Trái lại, “trong nguy có cơ”, các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, đó là năm học “đặc biệt”    

Bên cạnh đó, dù dịch bệnh phức tạp nhưng ngành giáo dục đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.

Bộ đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai theo lộ trình Quốc hội quy định.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ SGK lớp 1 do các nhà xuất bản biên soạn, bước đầu cởi trói cho sự sáng tạo trong dạy và học của các nhà trường; đồng thời, phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng SGK.      

Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016- 2020 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015.

Đối với vấn đề tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.     

Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc), trong đó các trường đại học đóng góp trên 90% số bài.

Lần đầu tiên, nước ta có 4 cơ sở giáo dục đại học lần lượt lọt vào tốp 1.000 thế giới; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.    

"Những nỗ lực của thầy và trò trong năm qua đã góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Ngành Truyền thông sẽ đồng hành cùng ngành Giáo dục 

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định, những nỗ lực của học sinh, giáo viên trong giai đoạn Covid-19 vừa qua thể hiện qua con số gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước OECD (chỉ  67,15%).

"Điều này tạo niềm tin nếu chúng ta quyết tâm, Việt Nam có thể làm những điều đặc biệt", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo ông Hùng, ngành giáo dục phải đi đầu về chuyển đổi số. Bộ Thông tin & Truyền thông cam kết sẽ đồng hành với Bộ GD-ĐT, bởi vì chuyển đổi số đầu tiên nên nhắm vào giới trẻ, để từ đó thúc đẩy toàn xã hội.

"Thời gian tới, hai Bộ sẽ có buổi làm việc chuyên đề về chuyển đổi số ngành GD-ĐT, tận dụng cơ hội của thách thức Covid-19 để đẩy nhanh chuyển đổi số và coi đây như Covid-19 trăm năm", ông Hùng nói.

Bộ trưởng Hùng chia sẻ, chuyển đổi số ngành giáo dục chủ yếu là thay đổi mô hình, thay đổi cách tiếp cận. Ví dụ, trước đây học chữ là chính, nay sinh viên cần làm nhiều hơn, thông qua làm để học. Bởi vậy, cơ sở đại học cần nhiều phòng lab hơn. Trường Đại học nên làm việc với doanh nghiệp để đưa phòng lab vào đại học.

Bên cạnh đó, trước đây giáo viên dạy là chính, nay giáo viên sẽ là người hướng dẫn. Giáo viên giỏi nhất sẽ làm bài giảng trực tuyến,và phổ cập đến tất cả các trường. Các giáo viên còn lại sẽ là người hướng dẫn công việc dạy học, vì thế sẽ thuận lợi hơn.

Đối với đại học có thể cho phép sinh viên học ở bất cứ đâu, cách nào cũng được. Nhưng nếu thi đạt ở một tổ chức uy tín do Bộ GD-ĐT quyết định thì coi như hoàn thành môn học đó. 

"Việt Nam có lợi thế là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số mạnh, có thể phát triển các nền tảng số cho Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT hãy đặt ra các bài toán, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành thực hiện", Bộ trưởng Hùng nói.

Ông cũng đề xuất, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc thay đổi một số quy định để chính thức hoá tỷ lệ học trực tuyến, ví dụ 15-30% ngay cả khi không còn Covid-19. Bởi, học trực tuyến sẽ thúc đẩy nhanh chóng kỹ năng số của cả giáo viên, học sinh, cũng như thu hẹp khoảng cách chuyển đổi số GD-ĐT giữa thành phố với vùng sâu vùng xa.

“Chuyển đổi số GD-ĐT chủ yếu là thay đổi thể chế. Một cuộc cách mạng về thể chế, về mô hình đào tạo, về cách tiếp cận GD-ĐT và về cách làm GD-ĐT. Cuộc cách mạng về mô hình này được thúc đẩy bởi công nghệ số. Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng giải quyết các bài toán mà bộ GD-ĐT đặt ra” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thúy Nga

Chuyển đổi số giáo dục thách thức 'vùng an toàn' của người thầy

Chuyển đổi số giáo dục thách thức 'vùng an toàn' của người thầy

10 năm qua, trong khi nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị “nhấn chìm” bởi làn sóng công nghệ thông tin thì giáo dục đại học gần như không bị ảnh hưởng.