Không có bằng thạc sĩ sẽ tụt hạng

Vì chưa có bằng thạc sĩ, cô giáo H.A.P (giáo viên tại Hải Phòng) lo lắng không thể giữ hạng dù đã đủ điều kiện dự thi và thăng hạng giáo viên THPT hạng I từ năm 2012.

“Bản thân tôi từng là thành viên đoàn đánh giá ngoài của Sở GD-ĐT, từng là báo cáo viên của huyện về công tác chuyên môn và phương pháp mới trong dạy học; tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên các nhà trường trong toàn huyện; tham gia đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học cấp huyện; trực tiếp hướng dẫn các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp huyện, thành phố; tham gia ban giám khảo và ra đề trong các hội thi của giáo viên giỏi và học sinh giỏi cấp huyện; tham gia dạy bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện và có nhiều giải cao.

Bên cạnh đó, tôi cũng có 15 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 15 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện và thành phố; là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; 4 năm liền đạt cấp thành phố và cấp quốc gia cuộc thi dạy học theo chủ đề,… Do đó, với thông tư mới này, tôi vô cùng hoang mang vì rất có thể, chúng tôi sẽ phải quay trở về vạch xuất phát”, cô P. nói.

Đang là giáo viên THPT hạng I, thầy giáo L.M.T (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi vô cùng vui mừng vì đã dốc hết tâm huyết, sức lực, năng lực để đạt được vị trí của các giáo viên hạng I. Thời gian sau đó, rất nhiều thầy cô trong số chúng tôi đã giành được thành tích cao, đạt chiến sĩ thi đua, nhiều sáng kiến kinh nghiệm và bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi thành phố.

Nhưng giờ đây, chỉ vì thiếu bằng thạc sĩ, chúng tôi không đủ điều kiện để giữ hạng. Nhiều giáo viên lâu năm cũng phải ngậm ngùi vì bị tụt hạng do đã lớn tuổi, không thể đi học thạc sĩ bổ sung. Do vậy, chúng tôi rất mong có chế độ chính sách bổ sung”, thầy T. kiến nghị.

{keywords}
Nhiều giáo viên đang tâm tư về chuyện giữ hạng, nâng hạng

Trong khi đó, với 20 năm đi dạy, một thầy giáo môn Lịch sử của trường THCS tại Quận 3, TP.HCM cho biết cả trường học nơi anh đang công tác không có ai là giáo viên hạng I, kể cả hiệu trưởng và hiệu phó.

“Lâu nay, giáo viên khá mù mờ thông tin về hạng, ngạch nên bây giờ khi có thông tư mới, đa phần đều cảm thấy bối rối” – giáo viên này cho biết thêm.

Trao đổi với VietNamNet, một hiệu trưởng cho hay, việc nâng chuẩn giáo viên là theo quy định của Luật Giáo dục. Vì vậy, thông tư của Bộ GD-ĐT nâng chuẩn với giáo viên là điều dễ hiểu.

"Nhiều giáo viên thấy không công bằng khi lâu nay đang giữ hạng I, nhưng giờ không có bằng thạc sĩ bị xếp hạng II như những người khác nên không bằng lòng" - vị hiệu trưởng này nói.

Một trưởng phòng giáo dục ở tỉnh Hà Nam cũng nhận định, hạng I có yêu cầu cao hơn là đúng với yêu cầu thực tế.

"Tuy nhiên, với những giáo viên trước đây đã công nhận cho người ta hạng I mà giờ hạ xuống hạng II thì tâm lý giáo viên sẽ không thoải mái lắm".

Nhiệm vụ giáo viên: Không thực tế?

Có gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Hoàng Chương cho biết khi đọc Điều 5, Chương II (Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021) – tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng I, ông thấy rằng có một số nhiệm vụ có yêu cầu cao nhưng không thực tế.
“Ngoài nhiệm vụ của giáo viên THPT hạng II, giáo viên THPT hạng I có thêm 7 nhiệm vụ nữa. Các nhiệm vụ này yêu cầu cao nhưng không thực tế. Chẳng hạn như: Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục tại địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng giáo viên; Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi của giáo viên từ cấp tỉnh trở lên” – TS Chương liệt kê.

Cùng nhận định với TS Chương, hiệu trưởng một trường THPT cho biết: “Tôi công tác qua cả hai lần thay SGK gần đây nhất, nhưng làm gì có cơ hội “Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa”. Trước đây, SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn. Còn vừa qua, có nhiều nhóm tham gia soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, họ cũng có mời một số giáo viên tham gia nhưng số lượng rất ít, giáo viên thành phố còn chẳng mấy người có cơ hội”.

Theo TS Nguyễn Hoàng Chương, nhà giáo trước hết phải dạy tốt, truyền được cảm xúc cho người học, là tấm gương sáng cho đồng nghiệp, được phụ huynh tin yêu. Tuy nhiên, theo ông, rất tiếc là nội dung nhiệm vụ đối với giáo viên hạng I ở các cấp còn nặng về thành tích, chưa làm toát lên giá trị cần có ở học đường – kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.

“Quy định để đạt hạng I tạo áp lực nặng nề cho giáo viên, cán bộ quản lý – phải thế này, phải thế kia…, e rằng khó kích hoạt năng lượng tích cực. Rất nhiều từ ‘có’, ‘tham gia’, ‘được’ tại các khoản của Điều 5 trong các thông tư đưa lại cảm nhận toàn diện đến độ xơ cứng, rập khuôn. Trong khi đó, đối với nghề dạy học, vượt lên tất cả đó là lòng yêu nghề, sự tận tụy, sự thấu cảm của người dạy, người học”.

“Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục luôn phải tự học để thay đổi, nhưng với những quy định để đạt được giáo viên hạng I ở các cấp, liệu có tạo ra thay đổi như mong muốn?” – TS Nguyễn Hoàng Chương trăn trở.

Ngân Anh – Lê Huyền

Giáo viên ồ ạt đi học chứng chỉ, lo 'giữ hạng, giữ lương'

Giáo viên ồ ạt đi học chứng chỉ, lo 'giữ hạng, giữ lương'

Chưa kịp vui mừng vì thông tin bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giáo viên tiếp tục tâm tư chuyện chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sau chùm thông tư mới đây của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên các cấp.