Hình thức, chưa thực chất và nặng thành tích khiến giáo viên áp lực là tồn tại được lãnh đạo nhiều trường, địa phương thẳng thắn nhìn nhận và cho rằng cần có giải pháp tháo gỡ.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng, cùng 1 cuộc thi nhưng kết quả xấu hay tốt là do người tổ chức và cách làm. “Cái gì bất ổn thì sửa và không phải ở đâu cũng diễn ra theo chiều tiêu cực”, cô Nhiếp nói.

Đồng quan điểm, cô Cao Tố Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) cho rằng để không còn chuyện diễn, hay phát sinh tiêu cực, cách tổ chức ít nhất không để các giáo viên dự thi dạy chính học sinh của trường mình và phải bốc thăm tiết dạy theo phân phối chương trình.

Ông Thái Huy Vinh, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cũng cho rằng việc tuyển chọn, tôn vinh giáo viên dạy giỏi các cấp là cần thiết, bởi nhằm xây dựng phong trào thi đua dạy tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn làm thế nào để việc dạy học trở nên thực chất, không sa vào thành tích.

“Cơ bản cuối cùng là giáo viên giỏi cấp nào đi chăng nữa đều cần phải thể hiện được mình ở cơ sở và thực tiễn. Hiện nay vẫn có hiện tượng khi đi thi giáo viên giỏi thì đạt thành tích cao nhưng về trường thì chất lượng dạy học không tương xứng. Một bộ phận không nhỏ giáo viên được công nhận đến giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhưng thực sự chưa xứng đáng ở các cơ sở giáo dục”, ông Vinh nêu thực tế.    

{keywords}
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Về hình thức thi, theo ông Vinh cần tiến hành nhẹ nhàng hơn và điều quan trọng là để cơ sở chủ động suy tôn, không đối phó và vì thành tích.

“Có thể chỉ cần đưa ra một số tiêu chí, ở dưới cơ sở thấy đủ điều kiện thì tự công nhận, suy tôn. Chứ lên các cấp trên thì bài giảng của giáo viên đã được nhiều người góp ý, phải nói là “như tráng một lớp men” lên rồi nên không còn nhiều ý nghĩa. Chưa kể một bài thi thực sự cũng không thể nói hết khả năng giáo viên”.

Ngoài ra, ông Vinh cũng cho rằng không nên lấy tiêu chí về số giáo viên dạy giỏi để làm cơ sở đánh giá các trường, các phòng GD-ĐT. “Nên dừng lại ở danh hiệu cá nhân là chính và đừng gắn chuyện giáo viên giỏi vào thành tích thi đua của các tập thể”, ông Vinh nói.

Cần thay đổi từ tư duy của người quản lý

Theo ông Vinh, để làm được điều này, cách nhìn nhận, tư duy của các lãnh đạo các trường, phòng giáo dục địa phương cũng cần phải thay đổi.

“Cần thay đổi để động viên, thu hút những người giỏi thật sự muốn tham gia. Từ đó giáo viên dạy giỏi và giáo viên giỏi là sự đồng nhất với nhau. Tôi biết nhiều giáo viên rất giỏi nhưng không trong danh sách giáo viên dạy giỏi các cấp bởi họ không tham gia”, ông Vinh tâm sự.

Theo ông Vinh, thậm chí cách công nhận giáo viên dạy giỏi cũng không cần phải qua thi mà có thể đề ra những tiêu chuẩn và để các trường tự suy tôn.

“Tuy nhiên, Thông tư 21 hiện nay của Bộ GD-ĐT đang có hiệu lực đòi hỏi giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm, 2 tiết kiểm tra về năng lực và có 2 tiết dạy được đánh giá tốt”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ cho rằng cần phải tổ chức thi thực chất, tránh phô trương, hình thức.

Theo ông Tường, trên thực tế, cá biệt có một số cơ sở giáo dục còn thiếu chặt chẽ, hình thức, không thực chất gây bức xúc trong xã hội.

“Cụ thể, khâu tổ chức thi các cấp còn chưa đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu của hội thi; tiết dạy còn hình thức và việc đánh giá giờ dạy còn chưa đúng khi mang nhiều tính chủ quan, bệnh thành tích”, ông Tường nêu thực tế địa phương.

Ông Tường cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập còn tồn tại: “Thông tư 21 của Bộ GD-ĐT về ban hành Điều lệ Hội thi có những điều, khoản không còn phù hợp như điều kiện tham dự. Cụ thể, muốn được dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện phải đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường; phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt yêu cầu quy định. Bất cập nhất là về tổ chức và đánh giá các nội dung thi, sử dụng kết quả thi. Việc tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện còn hình thức, nặng về thành tích”.

Điều mà ông Tường cho là khó gỡ nhất trong các bất cập đó là tâm lý nặng về thành tích của chính các lãnh đạo và giáo viên một số cơ sở giáo dục. Do đó cách nhìn nhận về hội thi của lãnh đạo các cấp cũng cần thay đổi.

“Cán bộ quản lý giáo dục các cấp cần phải thay đổi nhận thức về hội thi. Phải đưa việc tổ chức trở về đúng bản chất là hội thi với tinh thần học hỏi, chia sẻ và lan tỏa và thực sự giáo viên dạy giỏi các cấp phải là những điển hình tiển tiến, xứng đáng được suy tôn và góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục”, ông Tường nói.

Theo ông Tường, thay vì chỉ qua một vài tiết dạy, cần đánh giá trên nhiều phương diện như: quá trình công tác và sự cống hiến của thầy cô cho ngành giáo dục; đánh giá từ học sinh, phụ huynh, xã hội…

Ông Tường cũng kiến nghị sửa đổi Thông tư 21, trong đó bỏ thi giáo viên giỏi cấp trường; bỏ sáng kiến kinh nghiệm, điều chỉnh điều kiện dự thi, sử dụng kết quả hội thi. Việc đánh giá cần đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hình thức. Không lấy kết quả thi giáo viên dạy giỏi làm tiêu chí để đánh giá thi đua của tập thể.

Về điều này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tính toán giảm áp lực cho giáo viên bằng việc cắt giảm mạnh các hồ sơ, sổ sách không cần thiết; mạnh dạn bỏ bớt các tiêu chí thi đua gây áp lực cho giáo viên; xem xét, điều chỉnh, cắt giảm các hội thi, cuộc thi không thiết thực…

“Phải làm sao để các thầy cô được vinh danh thấy xứng đáng, cơ sở giáo dục thấy tự hào. Nếu bản thân chúng ta còn thấy vất vả thì xã hội sẽ không đồng tình”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Thanh Hùng

Thi giáo viên giỏi còn "diễn", có nên tiếp tục?

Thi giáo viên giỏi còn "diễn", có nên tiếp tục?

-Bộ Giáo dục vừa lên tiếng cần chấn chỉnh tình trạng "diễn" trong thi giáo viên giỏi. Nhiều giáo viên cho rằng những tiết thi "diễn" này đã và đang tồn tại nhiều năm qua.