Với kinh nghiệm hơn 22 năm làm hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội đã có những chia sẻ tại tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc” do VTV7 phối hợp với Bộ GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức.

{keywords}
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Là một trường tư, trong 10 năm đầu thành lập, thầy Hòa tâm sự tầm nhìn của mình khi đó “cũng chỉ đến được tầm trường công là hết”. Coi trường công là thước đo, ông cố gắng làm mọi thứ  để được như vậy. Bởi học sinh vào trường ông khi đó không quậy phá thì cũng học kém, đơn giản hơn là "bị trường công từ chối mới phải vào trường dân lập".

Thậm chí đến khung cửa sổ trường, ông cũng gắng sơn màu giống trường công, muốn tỷ lệ học sinh khá giỏi cũng đạt 60 - 70%.

Giáo viên chỉ mong học sinh tiến bộ, đạt điểm trung bình, tỷ lệ học sinh khá giỏi cao hơn 50%. Song nhiều năm trường vẫn dậm chân tại chỗ. Lúc đó, ông nghĩ cần phải thay đổi.

“Nhưng tôi nghĩ, trường mình khác, học sinh yếu kém nhiều, làm sao giống trường công được. Mình phải tìm ra con đường đi riêng”.

Khi đó ông thuyết phục các thầy cô giáo: “Nếu các con không điểm thấp, không phải học sinh yếu kém thì không nhà nào bỏ tiền cho đi học ở trường tư cả. Vì vậy phải chấp nhận điều đó, mọi giáo viên hãy khoa phàn nàn mà hãy cố công quan tâm, chăm sóc học trò. Các con còn nhiều năng lực khác ngoài học tập. Nhiệm vụ của người làm giáo dục cần phát hiện, làm phát lộ, mài giũa và khuyến khích các khả năng của học trò”.

Ông cũng dặn các giáo viên không dùng kỷ luật hà khắc bởi những người tìm đến trường tư lúc bấy giờ thường là những đứa trẻ yếu thế trong xã hội như học kém, nghịch ngợm… Nếu đưa ra các quy định, kỷ luật cứng nhắc càng không mang lại hiệu quả.

Là hiệu trưởng, bản thân ông cũng tự cam kết không bao giờ lấy tỷ lệ học sinh khá giỏi để xem xét, đánh giá giáo viên. “Chúng tôi cũng không lấy chỉ tiêu thành tích để đánh giá các lớp bởi mỗi lớp đều có sự khác biệt, hoàn cảnh khác nhau. Thay vào đó, lấy sự tiến bộ của học trò và thay đổi của mỗi lớp để làm thước đo năng lực, đánh giá chất lượng giáo dục của thầy cô giáo và đó cũng là thước đo chất lượng của trường”.

Rất may các giáo viên đã đồng cảm với ông trong việc chăm lo, giáo dục tới từng học sinh, ghi nhận sự tiến bộ nhỏ từng ngày.

Thầy Hòa cũng mang triết lý, quan điểm giáo dục này trao đổi với cha mẹ học sinh. Năm nào đầu năm, giữa kỳ và cuối năm, ông đều tranh thủ đến từng cuộc họp, trao đổi với hàng trăm phụ huynh về mục tiêu giáo dục, dạy con nên người.

Thế nhưng, khi lượng học sinh ngày một đông hơn, trường tiếp tục gặp phải vấn đề áp lực của thầy cô giáo và bạo lực học đường.

“Đây là vấn đề xảy ra hàng ngày và chẳng ngoại trừ trường nào cả. Hàng mấy nghìn học sinh ở các độ tuổi khác nhau, mỗi con một tính nết, hoàn cảnh, văn hóa gia đình khác nhau nên khi tập hợp lại thì xảy ra chuyện cãi cọ, bất đồng, đánh nhau. Đã có lúc phụ huynh kéo cả “cánh chân tay” đến đe dọa, đập phá trường… Cũng có lần trẻ chửi lại, cô giáo bị xúc phạm rồi kiện hiệu trưởng làm mất danh dự nhà giáo và xin thôi việc. Rồi học sinh kéo bè đánh nhau, bố mẹ nói nhà trường không biết dạy, để học trò đánh nhau. Hiệu trưởng đôi khi là quan tòa, khi trở thành người bị kiện, cũng là người bị phụ huynh trách móc”.

Thầy Hòa kể, cách đây 10 năm trở về trước, khi suốt ngày phải giải quyết những chuyện đau đầu phức tạp ấy, ông đã già đi rất nhanh.

“Lúc nào cũng cảm thấy bức xúc, căng thẳng. Đầu của tôi tóc bạc đi rất nhanh. Tôi nghĩ căng thẳng quá và mình không thể kéo dài thế này mãi được, phải nghĩ cách gì đó để các giáo viên tự giải quyết, xử lý công việc của chính họ hàng ngày. Làm thế nào để những chuyện áp lực, bạo lực học đường được giải quyết ngay từ khi còn mầm mống, từ trong lớp học. Vậy thì phải nâng cao hiểu biết tâm lý học của các thầy cô và cho cả các cha mẹ để họ đồng hành với mình. Cần làm cho phụ huynh cũng trở thành những thầy cô giáo của chính con em họ”.

Thầy Hòa cho rằng, điều quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc là hiệu trưởng phải chấp nhận thay đổi đầu tiên.

Ông suy nghĩ trăn trở, tìm lối thoát ra khỏi vấn đề bạo lực học đường mà hằng ngày phải đối mặt bằng cách tổ chức lớp học giá trị sống cho giáo viên của trường. “Chỉ sau 4 ngày, các giáo viên đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn. Họ thay đổi chính bản thân, biết chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực thành tích cực, có kỹ thuật, kỹ năng chia sẻ, động viên khuyến khích học sinh. Biết tổ chức lớp học, xây dựng kỷ luật tích cực theo phương pháp tâm lý học”.

Bản thân ông cũng tham gia và sau khóa học ông cảm thấy mình như trẻ lại, vui vẻ và hạnh phúc hơn. “Tôi trở thành người hạnh phúc, vui vẻ hơn và tôi nhìn nhận những khuyết điểm để hỗ trợ chứ không phải đay nghiến hay xử phạt. Giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc và kéo theo gia đình học sinh, xã hội mới hạnh phúc, an bình”.

{keywords}
“Khi suốt ngày phải giải quyết những chuyện trường lớp căng thẳng, tôi già đi rất nhanh”, nhà giáo Nguyễn Văn Hòa nói. Ảnh: Thanh Hùng

Chia sẻ tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu trưởng có vai trò rất đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, giáo viên những cảm xúc tích cực, được sáng tạo và tôn trọng. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc thì mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha và tạo được môi trường yêu thương.

“Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên. Từ giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh và từ học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh. Cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Theo ông Nhạ, với mỗi cá nhân, hạnh phúc là được làm việc mình thích và thích việc mình đang làm, từ đó mới có nhiệt huyết để giảm áp lực.

“Hiện nay có nhiều hiệu trưởng tôn trọng sự sáng tạo, nhưng cũng có nhiều hiệu trưởng còn mang tư tưởng áp đặt, bắt giáo viên phải nghe theo. Hiệu trưởng cần thay đổi, giao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để giáo viên dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích. Cũng cần quan tâm giảm áp lực cho giáo viên từ sổ sách giấy tờ tới áp lực thành tích”, Bộ trưởng nói.

“Không phải ngày một ngày hai, không phải một người có thể xây dựng được trường học hạnh phúc nhưng hiệu trưởng nếu biết dẫn dắt, truyền lửa sẽ tạo được môi trường, ở đó giáo viên muốn đến trường, học sinh muốn đi học. Hạnh phúc là một quá trình, cần xây đắp, dần dần sẽ lan tỏa”.

Thanh Hùng

Hiệu trưởng phải đi đầu việc chống cửa quyền, trù dập trong nhà trường

Hiệu trưởng phải đi đầu việc chống cửa quyền, trù dập trong nhà trường

- Đó là một trong những nội dung của dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập mà Bộ GD-ĐT vừa công bố để xin ý kiến dư luận.