{keywords}
{keywords}

Với kỳ vọng “kéo” âm nhạc truyền thống lại gần hơn với những người trẻ, nhiều năm qua, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã phối hợp cùng các trường học tổ chức cho học sinh, sinh viên tới tham quan, trải nghiệm về các loại nhạc cụ truyền thống.

Tại buổi học ngoại khóa đặc biệt này, học sinh sẽ được tìm hiểu về các loại nhạc cụ của từng dân tộc. Sau đó, các em được xem các nghệ sĩ biểu diễn và cùng thực hành.

Từ những bài dân ca như “Đi cấy”, “Cò lả”, “Trống cơm” hay các bài hát thiếu nhi quen thuộc, thông qua sự biểu diễn bằng các loại nhạc cụ như đàn tam thập lục, đàn bầu, đàn tứ hay đàn tỳ bà,… đều trở nên mới lạ và hấp dẫn. Sự hào hứng đón nhận của học sinh cho thấy các tiết học đặc biệt này đã khơi gợi sự tò mò, mong muốn tìm hiểu, khám phá.

{keywords}

Những tiết học như vậy thường kéo dài 1,5 – 2 giờ đồng hồ. Theo ông Phạm Văn Khang, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội), việc đưa học sinh đi tham quan trải nghiệm sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với các tiết học 45 phút trên lớp; nhưng bù lại, hiệu quả mang tới cũng sẽ cao hơn.

“Đưa âm nhạc vào học đường đang là một trong những nỗ lực của nhà trường nhằm giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế, đồng thời biết bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá Việt Nam.

Ngày nay, học sinh biết nhiều về đàn organ, piano hơn là các loại nhạc cụ dân tộc. Vì vậy, tôi nghĩ, việc giúp học sinh học cách sử dụng các loại nhạc cụ này sẽ nhắc nhớ các con về nguồn cội và các thời kỳ phát triển của đất nước, từ đó nâng cao sự kiêu hãnh và lòng yêu nước”.

{keywords}

Bất ngờ khi thấy học trò có thể phân biệt và gọi đúng tên các loại nhạc cụ ít phổ biến như đàn t’rưng, k’longput, tam thập lục,... cô Nguyễn Lan Hương, giáo viên Âm nhạc của Trường THCS Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, đây là một thành công ngoài mong đợi.

“Ở trên lớp, các con chỉ đang được học mỗi tuần một tiết Âm nhạc. Trong sách giáo khoa, việc lồng ghép kiến thức về di sản văn hoá và các loại nhạc cụ dân tộc cũng rất hạn chế.

Vì vậy, tôi không quá ngạc nhiên nếu các con có sự nhầm lẫn giữa các loại nhạc cụ này”.

Theo cô Hương, những người trẻ mới chính là lớp khán giả tương lai của âm nhạc truyền thống mà chúng ta đang cần phải gây dựng.

“Việc phổ cập âm nhạc truyền thống cũng là đang bảo tồn văn hoá dân tộc. Điều này sẽ khắc phục được thực tế ‘người Việt Nam gọi sai tên nhạc cụ của các dân tộc Việt Nam’”.

{keywords}

Cũng trong gian qua, Viện Âm nhạc thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu định kỳ theo từng tháng, từng năm. Đối tượng tham gia không chỉ là học sinh phổ thông mà còn có cả sinh viên đại học trong và ngoài nước, nghiên cứu sinh có mong muốn tìm hiểu và học tập về các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Trần Hải Đăng cho biết, với mỗi đối tượng, Viện sẽ có những cách thức khác nhau để các em được tiếp cận với âm nhạc.

“Mới đây, trong một buổi giao lưu với các em học sinh cấp 2 tại Hà Nội, tôi nhận thấy chỉ có khoảng 30% học sinh đạt được những hiểu biết cơ bản về một số loại nhạc cụ dân tộc, trong khi số khác còn khá lúng túng do ít được tiếp xúc với thể loại nhạc này”.

Tuy nhiên, theo ông Đăng, đây là điều dễ hiểu bởi giới trẻ hiện nay chủ yếu được tiếp xúc với dòng nhạc trẻ, trong khi thời gian tiếp xúc với âm nhạc truyền thống gần như bằng 0.

Do đó, những buổi tham quan, tìm hiểu này sẽ giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống, đồng thời được xem đội ngũ các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn một số loại nhạc cụ dân tộc mang những nét đặc trưng vùng miền.

{keywords}

Với hơn trăm loại nhạc cụ của 54 dân tộc anh em, ban đầu, các giáo viên và cả những người là lãnh đạo của Viện Âm nhạc đều không quá kỳ vọng học sinh có thể nắm bắt rõ ràng, chi tiết từng loại nhạc cụ.

“Chúng tôi cho rằng, việc hình thành nên thói quen tìm đến các nhạc cụ truyền thống cho học sinh là một việc tương đối khó; chưa kể, hiện nay âm nhạc hiện đại cũng đang phát triển quá rực rỡ.

Tuy nhiên sau khi tiếp xúc với học sinh, thậm chí là những học sinh cấp 2, chúng tôi nhận ra có rất nhiều em mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về các loại nhạc cụ này.

Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi nhiều nhà trường cũng đã có kế hoạch tiếp tục nhân rộng các chuyến đi học trải nghiệm thực tế tại các viện, phòng trưng bày nhạc cụ dân tộc.

Vì thế, chúng tôi kỳ vọng trong tương lai, sẽ có nhiều người trẻ tiếp nối và đi theo con đường âm nhạc dân tộc chuyên nghiệp”.

“Khi tiếp xúc với học sinh, chúng tôi thường xuyên bắt gặp những nhầm lẫn “ngô nghê” hoặc không thể gọi tên các loại nhạc cụ. Chúng tôi không quá ngạc nhiên bởi hiện nay, chúng ta vẫn chưa đẩy mạnh việc đưa âm nhạc truyền thống vào trong các nhà trường một cách bài bản, chuyên nghiệp.                         

Để giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với âm nhạc dân tộc, chúng tôi đang cố gắng đưa loại nhạc này đến với giới trẻ qua những sáng tạo riêng, chẳng hạn chơi dòng nhạc đương đại trên chất liệu dân gian, từ đó tạo ra những yếu tố khác lạ hơn là chỉ có yếu tố dân tộc. Đây cũng là điều nhiều nghệ sĩ của các nước trên thế giới đang thực hiện, từ đó giúp giới trẻ có thể dễ dàng nắm bắt và yêu thêm các nhạc cụ của dân tộc mình”.

(Bà Đặng Thị Hoài Thu, Quản lý Phòng trưng bày nhạc cụ và biểu diễn, Viện Âm nhạc)

Nhóm PV

'Lần đầu tiên, con thấy môn Lịch sử thú vị đến thế'

'Lần đầu tiên, con thấy môn Lịch sử thú vị đến thế'

Thay vì ngồi trên lớp đọc những số liệu khô khan trong sách vở, học sinh lại được đắm chìm vào những câu chuyện lịch sử thông qua các phương tiện dạy học trực quan.