Vì sao tiến sĩ tối ngày lo đi làm bài báo?

Theo GS Trương Nguyện Thành, Việt Nam hiện có 4 thách thức trong phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng là do:

Thứ nhất, ở tầm vĩ mô, hiện nay có những thử thách từ hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học do chịu ảnh hưởng mô hình của nước Nga ngày xưa. Theo mô hình này, trường đại học chỉ tập trung đào tạo, nghiên cứu khoa học là việc của các viện nghiên cứu. Từ đó, dẫn tới việc phân chia ngân sách nghiên cứu và phát triển hạ tầng cơ sở.

Thứ hai, nhu cầu phát triển nghiên cứu ở trường đại học đã bước đầu cải thiện khi phải nâng cao thứ hạng, chất lượng đánh giá. Trước đây, giảng viên đại học chỉ dạy thì nay phải kiêm thêm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, vì không đưa hướng dẫn nghiên cứu sinh là một phần trách nhiệm đào tạo khiến thời lượng dạy của giảng viên của Việt Nam rất cao.

Quỹ nghiên cứu khoa học Nafosted đã mở ra nguồn kinh phí mới cho nghiên cứu khoa học, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu phát triển nghiên cứu ứng dụng vì đầu tư cho các phòng Lab ứng dụng rất cao.

Thứ ba, cơ chế quản lý đề tài nghiên cứu khoa học từ các nguồn cung cấp cho nhà nghiên cứu đã tốt hơn nhiều nhưng chưa hoàn toàn “trôi” khi cơ chế nghiệm thu những bài báo khoa học thì rất đơn giản nhưng những đề tài ứng dụng lại rất khó. Đặc biệt, việc nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học có tính chất thực nghiệm rất khó, dẫn tới những người nghiên cứu khoa học với mục tiêu “làm bài báo” cho xong chuyện.

“Chính lực đẩy và kéo đã khiến cho việc nghiên cứu khoa học ở Việt Nam rất khác. Tại sao có việc tối ngày lo đi làm bài báo mà không làm ứng dụng? Đơn giản là làm ứng dụng nghiệm thu khó quá. Từ nghiên cứu tới nghiệm thu phải đi qua bao nhiều cửa. Còn làm bài báo cho “xong” thì rất đơn giản. Ngay cả việc xét GS hay PGS cũng yêu cầu bài báo. Như vậy luồng nước thông chỗ nào thì sẽ chảy chỗ đó và sẽ không có chuyện nước chảy ngược dòng” - GS Trương Nguyện Thành khẳng định.

GS Trương Nguyện Thành, kể ông đã có trải nghiệm khi làm ở Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM và được Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu đề tài nghiên cứu ứng dụng trước hội đồng.

“Tôi thề với Giám đốc Sở khoa học Công nghệ là anh Phan Minh Tân lúc đó rằng sẽ không bao giờ làm một đề tài ứng dụng và trình cho Sở lần thứ 2”. Lý do tại sao? Vì Hội đồng nghiệm thu rất thiếu kinh nghiệm, những người trong hội đồng cho đề tài của tôi không đủ kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học chuyên sâu, không đủ trình độ phản biện mà chủ yếu ngồi chém gió, phê bình”.

Theo GS Trương Nguyện Thành, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đủ trình độ làm nghiên cứu ứng dụng nhưng từ phòng thí nghiệm ra tới thị trường là một khoảng thời gian rất xa. Ở phòng thí nghiệm người nghiên cứu chỉ cần chứng minh phương pháp khả thi (proof of concept) nhưng thị trường cần hiệu quả kinh tế trong đó có cả phân tích thị trường và mô hình kinh doanh. Trong khi đó, quy trình để đưa kết quả nghiên cứu từ phòng Lab ra thị trường lại rất nhiêu khê và ít được quan tâm.

Thứ tư, cơ chế báo cáo ở Việt Nam hiện nay rất nhiêu khê. Công việc nghiên cứu thì khó về tính khoa học nhưng khi báo cáo độ khó tính bằng số trang. Hơn nữa nghiên cứu khoa học là làm cái mới, rủi ro rất lớn nhưng ở Việt Nam thì quản lý khoa học không muốn có “rủi ro”. Vì vậy những nhà nghiên cứu khoa học thường nghiên cứu những chuyện cũ kĩ mà ở nước ngoài đã làm và cần “modify” một chút để cho ra cái riêng của mình vừa an toàn mà không rủi ro.

Công chức phải trả lời lấy bằng tiến sĩ để làm gì?

PV: Thưa ông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nói rằng: “Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học, cái cần học là chính sách công". Quan điểm này nhận được sự đồng tình của dư luận còn cá nhân ông thì sao?

GS Trương Nguyện Thành: Một cá nhân có nhu cầu học tiến sĩ là để làm nghiên cứu chuyên sâu một khía cạnh nào đấy. Như vậy công chức có cần thiết lấy bằng tiến sĩ hay không thì đây là câu trả lời rất rõ ràng nhất. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có cầu thì mới có cung và nếu xã hội không có nhu cầu thì tại sao nhiều người phải bỏ tiền ra làm tiến sĩ?

PV: Các chức danh và trình độ học thuật gắn với cơ hội thăng tiến?

GS Trương Nguyện Thành: Vì văn hóa của chúng ta gắn lên chức danh, hay trình độ học thuật đó quá lớn. Điều này giống như cái “mũ” chứ không phải trách nhiệm công việc. Ở nước ngoài giáo sư là một trách nhiệm công việc, có nghĩa cá nhân này ở cái tầm đó trong trách nhiệm giảng dạy chứ không có hào nhoáng, còn Việt Nam thì không. Anh là giáo sư thì mãi mãi là giáo sư. Quan sát nhiều người Việt Nam tôi thấy họ có đủ tố chất làm nghiên cứu lớn. Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam khi đi ra nước ngoài phát triển tốt và chứng minh được ví trí của mình. Nhưng một nghich lý xảy ra hiện nay là những giáo sư, có tiến sĩ ở nước ngoài thì phần lớn để đi dạy, trong khi đó làm khoa học nếu dừng trong 3 năm sẽ mất khả năng nghiên cứu. Tôi nói như vậy để trở lại dòng nước chảy rằng một dòng nước thông hơn thì dù muốn nó ngược chiều vẫn sẽ không được. Nước không bao giờ chảy ngược chiều nên ai cũng chọn cho mình đường đi thuận lợi.

Chính từ cái nhu cầu đấy mà gây ra hiệu quả như vậy. Việc này còn có hậu quả nặng nề hơn là không có môi trường liêm chính khoa học. Một cá nhân không có khả năng làm nghiên cứu nhưng vẫn được cơ sở đào tạo chấp nhận cho học. Như vậy nếu không có cơ chế về chính sách liêm chính khoa học thì cái chính sách, lương bổng kia sẽ nguy hại hơn rất nhiều .

PV: Tuy nhiên cũng có những vị trí mà các cán bộ nhà nước phải là tiến sĩ, cụ thể như họ là những người soạn dự thảo, tham mưu chính sách thì tư duy khoa học rất quan trọng thưa ông?

GS Trương Nguyện Thành: Đúng là có những vị trí đòi hỏi phải có tiến sĩ. Ở nước ngoài cũng vậy, ở những viện nghiên cứu chính sách tham mưu, những người nghiên cứu có trình độ chuyên sâu rất cao. Và có những giáo sư ở các trường đại học cộng tác với những viện này để cung cấp thêm kiên thức chuyên môn là đúng. Nhưng nếu là người làm hành chính hằng ngày, không phải vị trí công việc nghiên cứu và tham mưu thì cần bằng tiến sĩ để làm gì?

PV: Theo ông làm thế nào để việc học tiến sĩ quay về đúng ý nghĩa của nó, rằng đây là nhu cầu tự thân của mỗi người?

GS Trương Nguyện Thành: Trước hết phải thay đổi nhận thức, mà muốn thay đổi đổi nhận thức thì phải thay đổi nhu cầu, từ đó sẽ thay đổi hành vi. Cụ thể, nếu vị trí này không cần phải có bằng tiến sĩ thì không ai dại gì bỏ tiền ra đi học tiến sĩ. Quan trọng nữa là các đơn vị tuyển dụng, các chính sách tuyển dụng có nhận ra sự thay đổi này là cần thiết hay không.

Thực tế, số lượng tiến sĩ ở Việt Nam cao nhưng hiệu quả nghiên cứu khoa học/tổng số tiến sĩ quá thấp. Bởi phần lớn những người có bằng tiến sĩ không làm đúng việc là nghiên cứu chuyên sâu. Mặt khác họ cố lấy bằng tiến sĩ cho bằng được nhưng “bỏ xó” khi đã có một vị trí, công việc như mong đợi.

PV: Ông có kiến nghị gì?

GS Trương Nguyện Thành: Ngày nào xã hội còn có cầu thì ngày đó còn có cung. Tôi nghĩ nếu giải quyết bài toán này từ khía cạnh kinh tế thì may ra giải pháp có thể bền vững.

Lê Huyền

'Tôi không biết công chức thì đào tạo tiến sĩ để làm gì'

'Tôi không biết công chức thì đào tạo tiến sĩ để làm gì'

"Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học, cần học là chính sách công", Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM nêu quan điểm.