Miss Kindergarten là một thành viên trong câu lạc bộ triêu đô. Lovin Lit, Moffatt Girls và hàng chục giáo viên doanh nhân khác đang biến các bài giảng môn Đọc, Toán, Khoa học, Xã hội thành vàng ròng nhờ bán giáo án của mình cho các giáo viên khác trên khắp thế giới.

{keywords}

Mary Beth Nerone – một cựu giáo viên trung học tới từ Rochester, New York – khoe những tài liệu mà cô bán trên cửa hàng online

Bất kể lo ngại từ một số nhà giáo dục, thị trường trực tuyến này đang ngày càng phát triển do những tiêu chí với giáo viên ngày càng tăng, cộng với việc các giáo viên sẵn sàng chi hầu bao cho những tài liệu này.

“Tôi rất biết ơn và cầu mong điều đó bước vào cuộc đời mình, rằng niềm đam mê và sự nghiệp của tôi có thể hòa hợp làm một” – Miss Kindergarten hay còn gọi là Hadar Hartstein, 32 tuổi tới từ Lake Forest, California cho hay.

Hartstein cũng tiết lộ đã kiếm được hơn 1 triệu đô la từ việc bán giáo án trong vòng 6 năm qua – một số tiền đủ để tạm nghỉ công việc giảng dạy trong năm nay và có thể là năm sau nữa để chăm sóc con gái mới sinh của cô.

Trên trang Teachers Pay Teachers, cô chào hàng hơn 300 gói sản phẩm, từ thẻ học bảng chữ cái miễn phí, tới gói giáo án Toán và Đọc giá 120 đô la cho cả năm. Tất cả đều được cô quảng cáo trên blog và tài khoản mạng xã hội của mình.

“Bạn phải nhìn nó như một công việc toàn thời gian” – cô nói. “Bạn phải đặt rất nhiều nỗ lực vào nó”.

Teachers Pay Teachers cho biết trang này đã đạt một mốc quan trọng vào năm ngoái – 80.000 cộng tác viên và số tiền mà họ thu về là hơn 100 triệu đô la. Ít nhất đã có hơn chục thành viên trở thành triệu phú đô la từ khi website này ra mắt cách đây 10 năm.

Ngoài Teachers Pay Teachers, còn có một số website lớn khác như Teachwise, Teacher's Notebook. Mới đây, các công ty như Houghton Mifflin Harcourt và Amazon cũng bước chân vào thị trường này.

{keywords}

Những tài liệu của Nerone

Tuy nhiên, một số nhà giáo dục lo ngại rằng việc kiếm tiền từ các bài giảng sẽ làm giảm đi tinh thần tự do chia sẻ ý tưởng của các giáo viên. Ngoài ra, các chuyên gia pháp lý cũng đặt câu hỏi về việc giáo viên đó có thực sự là chủ sở hữu của bài giảng mà họ đang bán hay không.

Tuy vậy, với những giáo viên mua tài liệu, phương cách này sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian rất nhiều, làm giảm bớt những đêm thức trắng và những cuối tuần bận rộn trong khi giá cả thì chỉ hơn một cốc cà phê sáng.

Ann Arbor – một giáo viên trung học tới từ Michigan, Mỹ cho biết lần đầu tiên đứng lớp cách đây 3 năm, cô đã tự tạo những tài liệu cho riêng mình, nhưng lại do dự khi các đồng nghiệp đặt câu hỏi: “Tại sao bạn lại phải lãng phí thời gian như thế?”

Từ đó, cô đã mua khoảng 120 tài liệu và nhận được 132 tài liệu miễn phí khác từ Teachers Pay Teachers.

“Đôi khi là những cuộc mua bán nhỏ rất dễ dàng, giống như 1.2 đô cho cái này, 2.5 đô cho cái kia, đôi khi đắt hơn. Tôi cố gắng không chi trả quá 15 đô”.  Arbor  ước tính thời gian chuẩn bị bài giảng của cô chỉ từ 20 tới 30 giờ/ tuần nếu cô tìm thấy những gì mình cần trên trang này.

Ở Teachers Pay Teachers, các giáo viên đặt ra mức giá riêng của mình cho khoảng 2,5 triệu nguồn tài liệu và để lại một khoản hoa hồng cho trang web. Với phí thành viên cao cấp 59.95 đô la, mức hoa hồng là 15%. Nếu không muốn đóng phí thành viên, khoản hoa hồng sẽ là 40%.

“Vụ mua bán đầu tiên của tôi là 80 cent. Đó là 80 cent tuyệt nhất mà tôi từng kiếm được trong cuộc đời mình!” – Mary Beth Nerone, người bán các bài giảng môn Viết, Thơ và các bài tập khác trong vòng 3 năm qua chia sẻ sau khi việc cắt giảm ngân sách khiến cô mất việc ở một ngôi trường gần Rochester, New York. Trước đó, cô từng là một giáo viên dạy nghệ thuật ngôn ngữ.

“Một số người bực dọc và cho rằng tôi chỉ nhận được khoản tiền bằng nhân viên Starbucks mỗi tuần… Một số người có thu nhập bằng hoặc vượt quá thu nhập đi dạy của họ” – Nerone nói. “Thậm chí một số người có mức thu nhập vượt quá tưởng tượng của họ”.

{keywords}

Các giáo viên tin tưởng và hỗ trợ nhau – bà Hanna Hudson, giám đốc biên tập của bảng tin trực tuyến We Are Teachers nhận định. Bà cho rằng việc tiếp cận các nguồn tài nguyên cá nhân từ trang web này ít tốn kém hơn và dễ dàng hơn việc tìm kiếm sách giáo khoa hay những tài liệu mới.

Tuy vậy, ông Bob Farrace – phát ngôn viên của Hiệp hội Hiệu trưởng các trường trung học quốc gia cho rằng “việc nắm quyền sở hữu các ý tưởng và bài giảng” có thể phá vỡ không khí hợp tác truyền thống trong các trường. “Bạn muốn các giáo viên hợp tác và chia sẻ ý tưởng miễn phí”.

Trên thực tế, một số khu học chánh có điều khoản trong hợp đồng giảng dạy yêu cầu giáo viên không được phép bán kế hoạch bài giảng của mình.

Một số chuyên gia pháp lý thì cho rằng những nguồn lực mà giáo viên tự sản xuất ra trong quá trình làm việc có thể là tài sản của khu học chánh.

Mark Bartholomew – giáo sư về luật bản quyền ở ĐH Buffalo – cho biết, nếu không có các điều khoản hợp đồng rõ ràng, luật pháp sẽ xem xét các yếu tố như sản phẩm đó được tạo ra trong thời gian làm việc hành chính hay trong thời gian riêng của mỗi người.

Năm 2004, một tòa án liên bang ở New York đã đứng về phía của khu học chánh Cherry Valley-Springfield sau khi một giáo viên bị đình chỉ cố gắng đòi quyền sở hữu cho các bài kiểm tra, bài tập trắc nghiệm và bài tập về nhà mà anh ta cho rằng được chuẩn bị ngoài giờ trên lớp. 

Tòa án kháng nghị Hoa Kỳ đã đồng ý rằng khu học chánh là người sở hữu những nguồn lực này bởi vì giáo viên đã thực hiện chúng để phục vụ công việc của mình.

“Tôi chưa bao giờ tạo ra bất cứ thứ gì ở trong lớp học và đem nó đi bán” – cô giáo có “nick name” Miss Kindergarten cho biết. “Là một giáo viên mầm non, tôi hiếm khi có thời gian ngồi xuống để nghỉ ngơi”.

Hartstein cho biết cô chưa bao giờ xem việc bán bài giảng là cách để làm giàu, nhưng cô cho rằng đó là một cách để giúp người khác học tập và giúp cô thu lợi từ những kinh nghiệm của mình.

“Nếu một giáo viên tạo ra tài liệu cho học sinh của mình và nó rất hiệu quả trong lớp học của cô ấy, thì tại sao lại không đăng tải nó cho những học sinh khác sử dụng?”

  • Nguyễn Thảo (Theo AP)