- Chúng ta cần tạo ra những con người tương lai có đạo đức, có ước mơ, giàu sáng tạo, có khả năng phản biện, biết yêu tự do, yêu lẽ công bằng, biết tự trọng và tôn trọng người khác, hay chỉ đơn giản là cần những con người không có hình xăm?

Giảng viên Diệp Phương Chi đã nêu vấn đề như vậy trong bài viết “Bộ GD-ĐT cần phải làm gì để chấn chỉnh và phòng ngừa” hiện tượng bạo lực học đường gửi đến VietNamNet. Dưới đây, toà soạn trân trọng giới thiệu nội dung bài viết và mong nhận được các ý kiến trao đổi khác.

Hầu như mọi người dân đều mong muốn và trông chờ Bộ GD-ĐT có những động thái cụ thể, biểu hiện tinh thần có trách nhiệm và tinh thần cố gắng lãnh đạo hiệu quả trước những vụ việc đau lòng này. Với tinh thần công dân, tôi xin mạnh dạn đề xuất Bộ Giáo dục nên thực hiện một số động thái sau đây:

1. Gấp rút chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các nội dung đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở các trường sư phạm từ trung ương tới địa phương theo hướng tăng cường, phong phú hóa các nội dung liên quan đến giáo dục và bồi dưỡng cho sinh viên sư phạm về đạo đức nhà giáo, vai trò và trách nhiệm của người giáo viên, ý nghĩa của giáo dục trong việc hình thành nhân cách học sinh, các nguyên tắc của hoạt động giáo dục đi liền với cách giao tiếp, ứng xử sư phạm phù hợp tương ứng (Mảng Giáo dục học và Tâm lí giáo dục).

Có thể nhận thấy, trong các vụ việc đau lòng xảy ra trong ngành giáo dục vừa qua, cho dù có một số vụ việc có nguyên nhân và lỗi xuất phát từ phía phụ huynh và học sinh, thì vẫn không thể phủ nhận rằng hiện tượng giáo viên bắt học sinh quỳ trên ghế suốt cả tiết học, giáo viên suốt mấy tháng chỉ lên lớp viết bảng mà không giảng bài, không giao tiếp với học sinh như thể “giận lẫy, ăn thua đủ” với học sinh hoặc giáo viên tiểu học “giáo dục” học sinh bằng cách bắt uống nước giặt giẻ lau bảng là những hiện tượng không thể chấp nhận được.

Tất nhiên, vấn đề tính cách và tình trạng cá nhân của người giáo viên cũng là một nguyên nhân, nhưng những hiện tượng như vậy hầu như không thể xảy ra tại các nước có nền giáo dục phát triển trong khi tại nước ta lại xảy ra dồn dập như thế, người dân có quyền đặt câu hỏi vậy thì cách đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm là như thế nào, có vấn đề gì?

Là cơ quan chủ quản của ngành, Bộ GD-ĐT nên có những động thái thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình, để người dân có sự yên tâm nhất định trước các tình trạng gây bất an, phẫn nộ này.

2. Thực hiện các nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc cấp nhà nước về chủ đề bên trên (nghiên cứu cải tiến nội dung đào tạo nghiệp vụ sư phạm tại các trường đại học sư phạm theo hướng giúp tăng cường năng lực giáo dục và hiệu quả giáo dục của người giáo viên, chống lại hiện tượng giáo viên bạo hành thể chất hoặc tinh thần học sinh). Cải thiện văn hóa học đường và cách quản lý, giáo dục học sinh cũng là một chủ đề nên được đặt ra để nghiên cứu.

Ở chủ đề này, có thể tiến hành tìm hiểu về thực trạng các quy tắc, nội quy đang được thực hiện để giữ kỉ luật trong học đường hiện nay, điều tra tâm lí của học sinh trước các quy tắc, nội quy này, đề xuất các phương án thay đổi văn hóa quản lý tại học đường dựa trên các kết quả đó cũng như dựa trên sự nghiên cứu bài bản các cơ sở xã hội học, các cơ sở về triết lí giáo dục.

Điều này là cần thiết vì sự ức chế tâm lí của người học tại nhà trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hoặc những phản ứng cực đoan của học sinh với thầy cô giáo.

Chẳng hạn như, hiện nay không còn là thời chiến nữa, liệu có cần thiết phải có đội ngũ “Sao Đỏ” ở học đường chuyên đi bắt phạt các bạn như kiểu trông trại lính hay không? Học sinh ở phổ thông có được phép nhuộm tóc hoặc có hình xăm hay không?

Ở lứa tuổi này, các em có cái tôi rất cao và rất vật vã, khó khăn trong việc định hình và khẳng định bản thân, hay đặt ra các câu hỏi về tự do, về lẽ sống, chịu ảnh hưởng lớn (cả tiêu cực lẫn tích cực) từ xã hội.

Do đó, kỉ luật học đường nên ở mức độ nào và dưới những hình thức nào, cách ứng xử của giáo viên và các bộ phận quản lí nên như thế nào để có thể vừa giáo dục được tính kỉ luật cho học sinh, vừa có sự tôn trọng tính tự do và quyền cá nhân của người học sinh, mang tính giúp đỡ học sinh?

Trong các vụ việc đau lòng vừa qua, có vụ việc học sinh đâm thầy giáo vì thầy đề nghị học sinh ra khỏi lớp, đi về nhà để xóa hình xăm.

Tất nhiên, lỗi về phía người học sinh (và cả của phụ huynh, của xã hội khi đã có những ảnh hưởng thế nào khiến cho đạo đức của người học sinh ấy đi xuống) thì đã quá rõ, không cần phải bàn, nhưng cái có thể bàn ở đây là vấn đề nhà trường nên can thiệp ở mức độ nào đến tự do cá nhân của học sinh ở trường phổ thông: Hình xăm có thực sự xấu không, nhuộm tóc có thực sự xấu không, con người có quyền được thể hiện cái tôi của mình dưới bất cứ hình thức nào miễn không ảnh hưởng đến người khác được không?

Cá nhân tôi quan sát thấy, tại Đức, nhiều giáo viên cũng có hình xăm, thậm chí xăm mình rất dữ dội, nhưng lại là những thầy cô giáo cực kì tận tụy, nhân ái và có năng lực giáo dục rất cao.

Trong khi ở Việt Nam ta, có những thầy cô giáo không có hình xăm nhưng lại bắt học sinh quỳ trên ghế cả tiết, đi dạy mấy tháng trời không giao tiếp với học sinh một câu, hoặc bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng.

Chúng ta cần tạo ra những con người tương lai có đạo đức, có ước mơ, giàu sáng tạo, có khả năng phản biện, biết yêu tự do, yêu lẽ công bằng, biết tự trọng và tôn trọng người khác, hay chỉ đơn giản là cần những con người không có hình xăm?

Chủ đề cải thiện văn hóa học đường, văn hóa quản lý học sinh là một chủ đề quan trọng cần nghiên cứu để góp phần dần xóa bỏ chủ nghĩa hình thức tại học đường hiện nay.

3. Tổ chức các hội thảo khoa học về các chủ đề nêu trên và yêu cầu các trường cao đẳng, đại học Sư phạm tổ chức sinh hoạt học thuật về các chủ đề nêu trên.

4. Xử lí nghiêm những nhà giáo vi phạm đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp.

Phụ huynh chịu trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình, khi phụ huynh sai thì phụ huynh phải sửa; Bộ GD-ĐT và nhà trường chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc giáo dục thanh thiếu niên trong nhà trường, nếu không hoàn thành trách nhiệm, để xảy ra những vụ việc đau lòng thậm chí đi ngược lại với trách nhiệm, thì cũng phải điều trần trước nhân dân và có những động thái điều chỉnh, sửa chữa, phòng ngừa những vụ việc như thế trong tương lai.

Diệp Phương Chi (Giảng viên Trường ĐH Sư phạm kĩ thuật TP.HCM, nghiên cứu sinh chuyên ngành Sư phạm nghề kĩ thuật, ĐH Kĩ thuật Dresden, CHLB Đức)

"Trường sư phạm có trách nhiệm không nhỏ với sản phẩm lỗi của mình"

"Trường sư phạm có trách nhiệm không nhỏ với sản phẩm lỗi của mình"

TS Nguyễn Ngọc Ân nói rằng đã đến lúc cần có cách giải quyết căn cơ, đi vào bản chất hơn trước hàng loạt vụ việc giáo dục gây rúng động.