Nhiều giảng viên cho biết họ thấy buồn vì những tồn tại trong chương trình giáo dục hiện hành, nhưng cũng lo lắng với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngày 9/6, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã có buổi báo cáo và lắng nghe ý kiến của giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM về chương trình này.

Những câu trả lời buồn từ con

Đứng ở vai trò của một phụ huynh, ông Võ Viết Cường, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế cho biết, mình cảm thấy áp lực khi hằng tuần, hàng tháng đều phải kiểm tra con học hành như thế nào. Mỗi lần như vậy, ông đều nhận được những câu trả lời buồn từ con; khi thì vấn đề liên quan đến dân chủ giáo dục, khi lại liên quan đến phương pháp giảng dạy. 

{keywords}

Giảng viên Võ Viết Cường, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế (Ảnh:VT)

“Thú thực, nhiều lúc tôi muốn đến gặp thầy hiệu trưởng dù biết phải xin mới được gặp thầy. Nhưng tôi lại nghĩ gặp thì được cái gì, có khi hại hơn lợi. Vì vậy, bài toán của tôi là trong  cơn sốt đất vừa qua đã bán đi mảnh đất cho con đi học nước ngoài, dù rằng điều này rất là đau và chúng tôi không muốn" - ông Cường giãi bày. 

Ở vai trò giáo viên, ông Cường muốn nghe kế hoạch tài chính để thực hiện chương trình này qua từng giai đoạn 3 năm, 5 năm hay 10 năm. 

“Kinh nghiệm của tôi cho thấy, bất kỳ một ý tưởng nào đẹp đến mấy nhưng không có một kế hoạch tài chính đi kèm đều thất bại. Ngoài ra, khâu kiểm tra đánh giá cũng phải làm sao để biết học sinh tốt nghiệp ở lớp, trường nào đứng ở thứ bậc nào. Hiện nay các trường đại học đang thực hiện kiểm định quốc tế, vậy bậc phổ thông sẽ kiểm định ở bậc nào”- ông Cường nói và cho rằng, “hiện đang thiếu một thang chuẩn được quốc tế công nhận. Nếu có thang này chúng tôi sẽ không đưa con đi nước ngoài nữa vì không chịu áp lực phải đi”. 

{keywords}
Giảng viên đặt câu hỏi với Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh:VT)

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó phòng Tổ chức Cán bộ cho rằng, ở những lần đổi mới trước, sự đầu tư của Nhà nước rất lớn, nhưng đối tượng quyết định sự đổi mới giáo dục là các giáo viên thì chưa có sự đầu tư thích đáng, đặc biệt là việc bồi dưỡng, bổ túc, đào tạo. 

Bà Hoa kể, “nhiều sinh viên ra trường tôi đi dạy các môn công nghệ ở các trường phổ thông phản ánh việc bồi dưỡng giáo viên rất qua loa. Lãnh đạo cấp cao thì được bồi dưỡng 1 tuần, lãnh đạo cấp trường thì được bồi dưỡng 3 ngày, còn giáo viên đi dạy trực tiếp thì được bồi dưỡng 1 ngày”. 

Còn bà Lý Thiên Trang - Khoa Quan hệ quốc tế - đặt câu hỏi: "Để chuẩn bị đổi mới chương trình thì việc chuẩn bị nhân lực nên đi trước một bước hay vừa bồi dưỡng song song khi triển khai chương trình?"

Đánh giá giáo dục phải bình tĩnh

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, khi triển khai chương trình hiện hành, Bộ GD-ĐT đã tổ chức bồi dưỡng giáo viên với nguồn kinh phí rất lớn nhưng hiệu quả không cao vì bồi dưỡng theo kiểu thấm dần từ trên xuống, làm rơi rụng nhiều, chưa kể phương pháp bồi dưỡng đã cũ.

Vì vậy, lần đổi mới này sẽ bồi dưỡng giáo viên hiện tại và đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm có thể dạy được đa môn, tiến tới có thể mở thêm các khoa dạy giáo viên trung học trong trường đại học.

“Trước mắt, chúng tôi thấy đối với các môn tích hợp chỉ ở mức nhẹ, tích hợp liên môn giống như “biệt thự liền kề”, nhà nào có phần đất của nhà ấy chỉ là sự sắp xếp cho giống nhau. Chương trình đổi mới cũng có tính kế thừa, chỉ tổ chức lại nội dung, đổi mới phương pháp nên không khó với giáo viên thích đổi mới mà chỉ khó với giáo viên thiếu năng động. Chương trình mới thực hiện theo hướng dân chủ nên học sinh được nói, được bày tỏ kiến thức, quan điểm nên giáo viên phải tìm tòi. Hiện nay Bộ đang xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên ở trên mạng”- ông Thuyết cho biết.

Ông Thuyết khẳng định, trong 10 năm qua Bộ GD-ĐT đã đưa nhiều nội dung tích hợp vào nhà trường, nhiều giáo viên đã quen. Bộ cũng đưa nhiều phương pháp mới vào để giáo viên làm quen và các trường sư phạm cũng vào cuộc sớm hơn. 

Với chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phải chờ khung chương trình được phê duyệt, khi đó các trường sư phạm sẽ thành lập các khoa mới và tập huấn giáo viên.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh:VT)

Về cơ sở vật chất, ông Thuyết cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là lớp học ở các đô thị quá đông, có lớp tận 60 em nên rất khó để đổi mới phương pháp - điều này "cần sự ra tay" của các địa phương. Còn tất cả đã có kế hoạch tài chính rõ ràng và được phân định trong từng mục cụ thể. Ngoài ra, Bộ đã có kế hoạch xây dựng hai trung tâm để đánh giá trên diện rộng và đánh giá ngoại ngữ. 

Theo ông Thuyết, khi đánh giá giáo dục này cần có thái độ bình tĩnh và công bằng vì không có nước nào hài lòng về nền giáo dục của mình, kể cả những nước chúng ta gửi con tới.

Lê Huyền