Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề xuất điều chỉnh quy định bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

4 hạn chế

Theo Bộ GD-ĐT, từ cuối năm 2017, Bộ đã hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện việc tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (TCCDNN) giáo viên, giảng viên.

Theo đó, các địa phương đã phối hợp với các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ này để tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Tuy nhiên, việc tổ chức bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập phát sinh một số vấn đề bất cập.

Thứ nhất, theo quy định hiện hành, cả Bộ GD-ĐT và các tỉnh, thành phố đều có chức năng giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng TCCDNN. Điều này dẫn đến việc khó kiểm soát chất lượng bồi dưỡng, nhất là đối với các cơ sở do địa phương giao nhiệm vụ bồi dưỡng.

Thứ hai, giáo viên tham gia bồi dưỡng theo TCCDNN chủ yếu phải tự túc kinh phí (một số ít địa phương có hỗ trợ một phần kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên nhưng số lượng không nhiều và không thực hiện hàng năm vì phụ thuộc vào nguồn ngân sách mỗi năm).

Trong khi đó, số lượng giáo viên mầm non, phổ thông công lập đông, địa bàn làm việc phân bố rộng; nhiều giáo viên công tác tại các vùng có điều kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, do không có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính đối với việc bồi dưỡng theo TCCDNN nên nhiều địa phương muốn hỗ trợ giáo viên nhưng không có cơ sở để thực hiện.

Thứ ba, theo đặc thù của ngành giáo dục, chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã được ban hành (theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019) bao gồm các nội dung chi tiết tương ứng với TCCDNN giáo viên các cấp. Căn cứ vào đó, hàng năm giáo viên đều được bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp theo quy định của Bộ GD-ĐT và được cấp chứng chỉ nếu đạt yêu cầu. Vì vậy, việc quy định bồi dưỡng TCCDNN cho giáo viên dẫn đến sự trùng lắp, lãng phí, gây áp lực cho đội ngũ giáo viên.

Thứ tư, hiện nay, cán bộ quản lý giáo dục chưa có chương trình bồi dưỡng chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Địa phương không bồi dưỡng để Bộ Giáo dục kiểm soát chất lượng

Vì các bất cập nêu trên, đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức mà Bộ Nội vụ đang xin ý kiến góp ý, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ sửa đổi theo một số hướng mới.

Cụ thể, đối với viên chức ngành giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ GD-ĐT quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp).

Bổ sung quy định giao cho các Bộ/Ngành ban hành chương trình bồi dưỡng năng lực quản lý chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ quản lý đơn vị sự nghiệp (trong và ngoài công lập) do Bộ/Ngành chủ trì xây dựng (ngoài chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước nói chung do Bộ Nội vụ chủ trì).

Không giao thẩm quyền cho các địa phương về việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập để đảm bảo Bộ GD-ĐT kiểm soát được chất lượng tổ chức bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục được Bộ giao nhiệm vụ.

Ngoài ra, để phù hợp với bối cảnh hiện nay, theo Bộ GD-ĐT, cần bổ sung thêm hình thức bồi dưỡng “qua mạng”.

Thanh Hùng

Phương án lương mới của giáo viên không thấp hơn lương cũ

Phương án lương mới của giáo viên không thấp hơn lương cũ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện Bộ GD-ĐT đang tham mưu cho Chính phủ về phương án lương mới của giáo viên, theo nguyên tắc không thấp hơn lương cũ.