- Tại buổi làm việc của Bộ trưởng GD-ĐT tại tỉnh Yên Bái ngày 17/12, một bệnh mới được phát hiện: bệnh "diễn" trong giáo dục. Bệnh mới nhưng triệu chứng không hề mới.

>> “Chỉ cần tôi đưa mắt nhìn, học trò sẽ cúi gằm mặt xuống”

>> Tôi lo khi học bạ học sinh giỏi đều có câu khen là biết “vâng lời”

Nhận diện một số hình thức "diễn" đã thành kĩ xảo

Diễn dự giờ thăm lớp trong các trường học

Thông thường, mỗi giáo viên phổ thông có một quyển sổ dự giờ thăm lớp. Mấy tháng rồi chưa thấy thầy A. đi dự giờ. Nhưng sau một đêm, sổ dự giờ của thầy lại đủ số tiết quy đinh, bởi hôm trước được nghe hiệu trưởng thông báo kiểm tra sổ dự giờ giáo viên. Thế mới tài!

Diễn sáng kiến kinh nghiệm

Hàng năm, công đoàn cơ sở trường học phối hợp chuyên môn phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm. Thầy thầy sáng kiến, cô cô kinh nghiệm. Cuối năm mà không có sáng kiến kinh nghiệm, đố được xét thi đua.

Sáng kiến được xếp loại, nằm hiên ngang trong hồ sơ tiên tiến, chiến sĩ thi đua của giáo viên. Thế mà, tuyệt nhiên không thấy sáng kiến nào được đem áp dụng. Khối lượng sáng kiến kinh niệm từng năm đem cân làm "kế hoạch nhỏ", chắc thắng đậm.

Diễn thi giáo viên giỏi

Có những câu chuyện theo mãi cùng năm tháng với giáo dục: Trong tiết thi dạy giỏi của một cô giáo, cô đặt câu hỏi, học sinh đồng loạt giơ tay, khí thế tưng bừng. Cô phấn khởi chỉ một học sinh. Em đứng dậy lắp bắp "Thưa cô, em quắp mà".

Thì ra cô dặn trước, tất cả phải giơ tay, trả lời được giơ thẳng bàn tay, trả lời không được quắp bàn tay lại.

Diễn tỉ lệ học sinh lên lớp, học sinh giỏi

100% học sinh lên lớp là không cần bàn cãi. Bởi thế mới có chuyện học sinh ngồi nhầm lớp. Đố thầy cô nào to gan cho học sinh lớp mình lưu ban, đặc biệt cấp tiểu học.

Tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến thì cao ngất ngưởng. Mấy năm gần đây, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 50% điểm học lực lớp 12, nên nhiều học sinh yếu lớp 11 bỗng hoá rồng, thành học sinh tiên tiến "oan" ở lớp 12. 

Diễn tỉ lệ tốt nghiệp THPT

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 là 91,58%, năm 2016 là 92,93%, năm 2017 là 97,42%, năm 2018 là 97,57%. Tỉ lệ cứ tuần tự tăng dần đều theo thời gian. Coi thi, chấm thi, tổ chức kì thi, đánh giá kì thi, năm sau luôn tiến bộ hơn năm trước. Gian dối cũng biến thiên theo chiều tăng, tinh vi hơn.

Những sai phạm tại Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình... năm 2018 chỉ là "tai nạn nghề nghiệp" do lỗ hổng lập trình.

Thế thì có thể chấm dứt diễn trong giáo dục được không?

Không, nếu vẫn quản lí theo ý chí chủ quan, bao cấp, áp đặt do cấp trên, của cấp trên và vì cấp trên như hiện nay.

Có thể, nếu thay đổi cách quản lí, dân chủ, tập trung quản lí chất lượng sản phẩm "giáo dục và đào tạo người học", lấy sự hài lòng của đối tượng hưởng dịch vụ làm trung tâm.

Vì vậy, có thể xã hội hoá giáo dục nhanh hơn: Mở rộng hệ thống tư thục. Mạnh dạn cho phép tôn giáo thành lập các cơ sở giáo dục. Khách hàng giáo dục có toàn quyền lựa chọn trường học. Nhà nước quản lí chương trình, mục tiêu và sản phẩm đào tạo.

Kể cả trường công lập, học sinh cũng cần có quyền chọn thầy. Bởi vì, tại sao không?

Trương Như Đệ

Toàn ngành thay đổi, chấm dứt "diễn" trong giáo dục

Toàn ngành thay đổi, chấm dứt "diễn" trong giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu vấn đề như vậy tại các buổi làm việc ở tỉnh Yên Bái ngày 17/12.

Những buổi "diễn sâu" mang tên thao giảng

Những buổi "diễn sâu" mang tên thao giảng

Phía sau những tiết thao giảng là một sự chuẩn bị kỳ công của bao người và cũng còn nhiều băn khoăn.