- Các giáo viên hẳn đã từng một lần đứng trước tình huống dở khóc dở cười, khi nỗ lực giảng bài nhưng kết quả là học sinh không hiểu.

Nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, người giáo viên khi đứng trên bục giảng không chỉ giáo dục cho học sinh toàn diện đức, trí, thể, mỹ mà đôi khi trở thành những nhà xử lý tình huống không hề có trước kịch bản. 

Các tình huống sư phạm này được đưa ra để thử thách thức khả năng xử lý của các cô giáo tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 vừa qua.

{keywords}

Các cô giáo đã thể hiện khả năng xử lý tình huống sư phạm tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017.

Thử thách với cô giáo Hoàng Lệ Thanh (Trường Tiểu học Tà Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) là được nhà trường phân công dạy thay đồng nghiệp nghỉ ốm. Nhưng khi cô giáo đang giảng bài, lớp học ồn ào và một học sinh đứng dậy đề nghị cô giảng lại vì "Chúng em không hiểu gì cả!". Tình huống càng khó khăn hơn khi cô giảng lại nội dung đó nhưng các em vẫn làm ồn và tỏ vẻ không muốn học.

Gặp tình huống này, cô Thanh cho biết, trước tiên cô sẽ dừng bài giảng và xem lại cách truyền đạt của mình tới học sinh. Sau đó, cô sẽ thẳng thắn hỏi học sinh để biết các em không hiểu ở chỗ nào.

“Tôi sẽ hướng ánh mắt của mình xuống những chỗ mà các em ồn ào nhất, sau đó sẽ trao đổi với các em về nội dung bài học, và về cách làm như thế nào để tiết học diễn ra hiệu quả nhất”. 

Ngoài ra, cô Thanh sẽ mời các học sinh có lực học khá tốt trong lớp để trao đổi về những nội dung mà các em không hiểu để nắm tình hình.

“Tôi sẽ nói để các em hiểu rằng mỗi một giáo viên có một phương pháp. Đây là ngày đầu tiên cô tiếp xúc với các em ở trong lớp học này, có thể là phương pháp cô truyền đạt tới các em chưa hiệu quả, nhưng cô sẽ cố gắng bằng tất cả kinh nghiệm và chuyên môn của mình để có thể truyền đạt kiến thức đến các em một cách đầy đủ nhất” - cô Thanh nói.

Sau giờ học, cô Thanh sẽ chủ động trao đổi với cô giáo chủ nhiệm của lớp này để tìm phương án phù hợp. 

“Tôi cũng chia sẻ nếu như các em không hiểu thì những tiết sau có thể tiếp tục hỏi lại cô giáo chủ nhiệm của lớp mình. Nhưng tôi sẽ cố gắng bằng tất cả những hiểu biết của mình để tiết học vẫn được diễn ra một cách sôi nối và tích cực nhất”.

Cô Võ Thị Bích Hạnh (Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) gặp tình huống trong giờ học khi cô giáo đưa ra một câu hỏi và yêu cầu học sinh trả lời, nhưng cả lớp không ai có ý kiến. Cô giáo gọi một học sinh trả lời, em này đứng dậy nhưng chỉ đứng im nhìn cô giáo.

Cô Hạnh cho biết trước hết, cô sẽ nhắc lại một lần nữa câu hỏi của mình thật to và rõ ràng, để đảm bảo rằng tất cả học sinh đều đã nghe rõ. Sau đó, cô sẽ cho học sinh của mình thêm một chút thời gian nữa để các em bình tĩnh suy nghĩ.

“Và nếu như em học sinh vẫn không thể trả lời được, tôi sẽ đưa ra một số gợi ý mang tính nhấn mạnh vào nội dung của câu hỏi, để cho học sinh có thể dựa vào đó mà trả lời được câu hỏi của cô giáo” - cô Hạnh nói.

Ngoài ra, theo cô Hạnh, cô giáo có thể đưa ra một số những lời động viên, khích lệ để học sinh chủ động, tích cực hơn trong giờ học.

Trái ngược với tình huống mà hai cô giáo trên gặp phải, cô Bạch Kim Hiền (Trường Tiểu học Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) nhận được sự hứng thú từ các học trò.

“Một lần do đồng nghiệp ốm phải nghỉ dạy, cô giáo được phân công giảng dạy lớp 5B. Kết thúc bài giảng cô giáo hỏi học sinh: Cô dạy như thế các em có hiểu bài không, thì học sinh đáp cô dạy hay lắm ạ, cô An dạy chúng em chẳng hiểu bài gì cả, ngày mai cô lại dạy chúng em nữa nhé!” - đó là tình huống cô Hiền gặp phải.

Với trường hợp này, cô Hiền cho biết sẽ giải thích cho học sinh hiểu mỗi thầy cô giáo có một phương pháp giảng dạy khác nhau.

“Cô giáo An cũng vậy, nhưng có thể sự phối hợp hay giữa cách truyền đạt của cô An và nhận thức của học trò chưa có sự đồng điệu. Chính vì vậy, trong bài giảng đó các em chưa thể lĩnh hội hết được nội dung. Các em thử xem mình đã thực sự cởi mở với chính cô An chưa, phần nào chưa hiểu các em hoàn toàn có thể hỏi lại cô giáo để cô trò hiểu nhau hơn và cùng tìm hiểu kiến thức kỹ hơn” - cô giáo Hiền giải thích.

Về phần mình, cô giáo Hiền cũng không quên cảm ơn các học sinh đã dành tình cảm đặc biệt cho cô: “Cảm ơn các em đã rất chú ý trong giờ học ngày hôm nay để lắng nghe bài giảng của cô giúp cô có được giờ học thành công. Sự phối hợp của các em là một niềm vui lớn với cô”.

Cô Hiền cho rằng giải thích như vậy thì học sinh sẽ rất tôn trọng cô giáo An, và tạo mối đoàn kết giữa các đồng nghiệp với nhau. Quan trọng hơn cả là sẽ giúp cho đồng nghiệp của cô có được một phong thái tốt hơn trong các giờ học sau này với học sinh lớp mình chủ nhiệm.

Trước đề nghị của học sinh ngày mai lại tiếp tục dạy, cô Hiền xử trí: “Tôi sẽ trả lời cô rất sẵn sàng đón nhận các em ở những tiết học của cô, nhưng ngày mai các em sẽ trở lại với cô giáo chủ nhiệm của lớp mình. Vì vậy, cô mong rằng các em cũng sẽ cởi mở như ngày hôm nay. Các em hãy chia sẻ với cô giáo chủ nhiệm và mạnh dạn phát biểu hơn trong giờ học, như vậy những giờ học sau sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều”.

Tuy nhiên, cô Hiền cho biết vẫn sẽ vui vẻ nói với học sinh nếu như có phần nào chưa hiểu ở những tiết học sau, cô hoàn toàn sẵn sàng gặp gỡ, hướng dẫn, gợi mở cho các em bất cứ lúc nào sau giờ giảng.

Những phần xử lý tình huống của các giáo viên trên đều đạt giải cao tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 dành cho khối Tiểu học.

Đây đều là những giáo viên giỏi tiêu biểu, xuất sắc đã vượt qua các vòng thi từ cấp cụm, cấp khu vực đến cấp tỉnh, thành phố, để trở thành đại diện tham gia Hội thi cấp toàn quốc.

Thanh Hùng