Ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (GDPT)  mới cho biết chương trình đã được các hội đồng quốc gia thẩm định. Bộ GD-ĐT sẽ gấp rút ban hành khung chương trình để các đơn vị tham gia viết sách giáo khoa (SGK).

Lời toà soạn: Gần đây, dư luận xôn xao một số thành viên trong ban soạn thảo chương trình GDPT mới tham gia viết SGK chương trình mới cho một đơn vị tư nhân. Việc viết sách đã khởi động sớm, trong khi Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố chính thức về chương trình môn học. Nhiều nghi ngại dấy lên xung quanh chuyện: Thành viên ban soạn thảo tham gia viết sách cho đơn vị tư nhân; đơn vị tư nhân viết sách khi Bộ GD-ĐT chưa công bố khung chương trình thì liệu có hợp lý, minh bạch? VietNamNet đã liên hệ với các bên để tìm câu trả lời cho vấn đề này. Ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) cho biết sẽ có phản hồi vào dịp gần nhất. Còn trong trao đổi với VietNamNet, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, chiều 30/5/2018, các hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT đã hoàn thành công việc thẩm định các chương trình môn học. 

{keywords}
Ông Nguyễn Minh Thuyết

Thưa ông, chương trình GDPT mới vừa được các hội đồng quốc gia thẩm định có kết quả như thế nào?

- Ông Nguyễn Minh Thuyết: Theo quy định thì Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học là đơn vị tổ chức thẩm định chương trình.

Ban soạn thảo chương trình chỉ có trách nhiệm gửi hội đồng dự thảo chương trình; báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các tổ chức xã hội, các sở GD-ĐT, chuyên gia giáo dục, giáo viên, các tầng lớp nhân dân và ý kiến tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo; báo cáo kết quả thực nghiệm chương trình.

Khi hội đồng nào có yêu cầu đến báo cáo trực tiếp về những vấn đề hội đồng quan tâm thì Ban soạn thảo mới cử người có trách nhiệm đến báo cáo với hội đồng đó.

Đơn vị tổ chức thẩm định chương trình sẽ chuyển cho Ban soạn thảo kết luận của các hội đồng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu và giải trình bằng văn bản với các hội đồng.  

Nếu cần, các hội đồng sẽ họp lại để xem xét bản sửa chữa, bổ sung của chúng tôi và có kết luận cuối cùng. Tôi hy vọng là các hội đồng sẽ góp cho chúng tôi nhiều ý kiến bổ ích để hoàn thiện chương trình.

Hiện tại khung chương trình vẫn chưa được Bộ GD-ĐT công bố; các cá nhân, tổ chức có ý đinh viết sách giáo khoa sẽ chưa có cơ sở để tiến hành công việc, trong khi đến năm học 2019 - 2020 đã triển khai chương trình mới. Liệu việc triển khai chương trình GDPT mới có thực hiện đúng tiến độ không? 
 
- Để bảo đảm chắc chắn khi triển khai chương trình có đầy đủ SGK tất cả các môn học, Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội đã giao Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK.

Cùng với việc tổ chức làm bộ SGK này, Bộ có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 88:

“Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học. Bộ GD- ĐT ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT”.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 33 về tiêu chuẩn SGK; quy trình biên soạn, sửa chữa SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Việc tổ chức biên soạn một bộ SGK chỉ được tiến hành khi Chương trình GDPT được các hội đồng quốc gia thẩm định chương trình thông qua và được Bộ trưởng ký quyết định ban hành.

Sau khi Chương trình GDPT được ban hành, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK về Chương trình GDPT, mô hình SGK các môn học của nước ta và một số nước có nền giáo dục tiên tiến cũng như một số vấn đề khác liên quan đến GDPT.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT.

Ông là tổng chủ biên chương trình GDPT mới, nhưng gần đây có thông tin ông viết sách giáo khoa cho Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC). Điều này có hợp lý không?

- Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, để chủ động trong công việc, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã mời một số chuyên gia tham gia các đề tài xây dựng chương trình giả định, nghiên cứu mô hình SGK và biên soạn thử một số bài soạn và bản thảo sách.

Là một chuyên gia về giáo dục phổ thông, tôi được mời tham gia các công việc trên. Tôi đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu về mô hình SGK môn Tiếng Việt - Ngữ văn cho Viện Nghiên cứu SGK và học liệu của NXB Giáo dục VN; hoàn thành bản thảo sách Tiếng Việt lớp 1 theo mô hình mà tôi đề xuất cho một đơn vị thành viên được NXB Giáo dục VN  giao nhiệm vụ là Công ty VEPIC.

Tuy nhiên, từ khi nhận lời làm Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới, tôi không còn thời gian để tiếp tục các công việc trên.

Chương trình giả định đang phác thảo cũng được “đóng băng” từ khi Bộ GD-ĐT tổ chức các ban phát triển chương trình GDPT vì nó không còn ý nghĩa nữa.

Có quy định cụ thể nào về việc người biên soạn chương trình được viết sách giáo khoa không thưa ông ?

- Trên cơ sở bàn bạc, thống nhất với đối tác là Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Bộ GD- ĐT đã ký Quyết định số 2445 ngày 19/7/2016 ban hành Sổ tay thực hiện Dự án (Hỗ trợ đổi mới GDPT).

Sổ tay thực hiện Dự án quy định:

“Các thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể và Ban phát triển chương trình môn học trong thời gian thực hiện hợp đồng các công việc của Ban phát triển chương trình tổng thể (42 tháng) và Ban phát triển chương trình môn học (16 tháng) không được tham gia biên soạn SGK; sau khi kết thúc hợp đồng, các thành viên này có thể tham gia biên soạn SGK (do Bộ GDĐT hoặc do tổ chức, cá nhân khác tổ chức biên soạn) và cũng có thể tham gia hội đồng quốc gia thẩm định SGK nếu không tham gia biên soạn SGK đó.”

Khi triển khai, 18 thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể đã ký với Dự án hợp đồng giai đoạn 1 (18 tháng).

Tới nay, kết thúc giai đoạn 1, các ban phát triển chương trình đã hoàn thành chương trình, báo cáo các hội đồng thẩm định. Sau giai đoạn 1, Dự án sẽ xem xét nguyện vọng và năng lực để ký tiếp hợp đồng giai đoạn 2 (24 tháng).

Những ai có nguyện vọng và sẽ được ký hợp đồng tiếp, nội dung công việc như thế nào, tôi chưa được rõ.

Nhưng có điều rõ nhất là tôi và các thành viên khác của Ban soạn thảo chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ, không còn là thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể hay Ban phát triển chương trình môn học nữa.

Cảm ơn ông đã trao đổi!

Lê Huyền