- "Chúng tôi thực sự giật mình. Ở Hàn Quốc cứ 20 sinh viên đã học xong, có chứng chỉ sư phạm thi chọn giáo viên thì chỉ 1 em đỗ, 19 em còn lại cũng theo đường gia sư. Trong khi ở Việt Nam, chỉ những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM có tỷ lệ chọi giáo viên là 1 chọi 1,2 hoặc 1 chọi 1,5, còn các trường địa phương tỷ lệ chọi này còn thấp nữa".

Ý kiến này của ông Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại hội thảo quốc tế chủ đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quan lý cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm tổ chức hôm qua (16/12) tại TP.HCM.

Tại đây, ông Kyung-Hwoi Kim, Trường ĐH Sungshin, Hàn Quốc khẳng định: Hàn Quốc từ một nước nghèo trở thành quốc gia phát triển là nhờ thành công từ nền giáo dục. Giáo viên là nghề được săn đón gắt gao vì có mức lương ngất ngưởng.

{keywords}
Các đại biểu trình bày tại hội thảo

Tại đất nước chúng tôi, có 57% phụ huynh hy vọng con họ trở thành giáo viên. Những giáo viên tiểu học sẽ được tuyển chọn từ tốp 5% những học sinh trung học xuất sắc nhất. Quá trình tuyển giáo viên của chúng tôi rất khắc nghiệt, cứ 20 thí sinh học xong thì chỉ 1 em đậu”- ông Kim nói.

Trước câu hỏi của một giảng viên: “Vậy 19 người không trúng tuyển làm giáo viên ở các trường thì họ làm nghề gì? Họ có bị thất nghiệp không?” Ông Kim trả lời “19 người còn lại sẽ theo đuổi con đường dạy học, đó là làm gia sư, vì gia sư là nghề khá "béo bở" ở Hàn Quốc".

Theo ông Kim, ngành sư phạm ở Hàn Quốc trở nên thu hút đến vậy là do 3 yếu tố như mức lương cạnh tranh, công việc ổn định, môi trường làm việc tốt. Trong đó, mức lương giáo viên sau 10 năm ra trường sẽ cao gấp 2 đến 3 lần những nghề khác như kỹ sư. Vậy nên, nghề giáo được nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn lựa nhiều nhất và cao hơn cả kỹ sư, bác sĩ.

Ông Kim cho rằng, để thu hút người tài giỏi vào ngành sư phạm thì Việt Nam cần phải tăng lương giáo viên.

Chia sẻ ý kiến này của ông Kim, ông Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thốt lên “Chúng tôi thực sự giật mình. Ở Hàn Quốc cứ 20 sinh viên đã học xong, có chứng chỉ sư phạm thi chọn giáo viên thì chỉ 1 đỗ, 19 em còn lại cũng theo đường gia sư. Trong khi ở Việt Nam, chỉ những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM tỷ lệ chọi này là 1 chọi 1,2 hoặc 1 chọi 1,5 do mỗi năm có từ 30.000 đến 35.000 giáo viên nghỉ hưu, nhưng chỉ có 50.000 sinh viên sư phạm ra trường. Ở các trường địa phương tỷ lệ chọi thi giáo viên còn thấp nữa nên việc tuyển được giáo viên có chất lượng rất khó".

“Đào tạo giáo viên Việt Nam cần phải thay đổi” – ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, trước hết phải thay đổi thời gian đào tạo. Hiện tại, đào tạo cử nhân sư phạm 4 năm nên thay là 5 năm và chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đào tạo bậc cử nhân khoa học trong thời gian 3 năm tại các khoa Khoa học chuyên ngành của các trường đại học; Giai đoạn 2 là đào tạo thạc sĩ giáo dục 2 năm trong các khoa, trung tâm đào tạo giáo viên của trường đại học.

{keywords}
Ông Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Tuy nhiên, thời gian 5 năm này không áp dụng cho chương trình đào tạo giáo viên mầm non do đây là ngành đặc thù. Giáo viên mầm non nên được đào tạo theo một chương trình thống nhất ngay từ khi bắt đầu học đại học . Ngoài ra có thể xem xét một vài chuyên ngành đào tạo giáo viên khác nếu đầy đủ cơ sở khoa học vững chắc cũng như mô hình đào tạo thực hành.

Ông Hồng cho rằng, thời gian đào tạo này hoàn toàn có thể thực hiện vì Việt Nam vừa triển khai Hệ thống giáo dục quốc dân mới, trong đó quy định thời gian đào tạo bậc đại học là 3-5 năm, thạc sĩ 1-2 năm.

“Đây là cơ hội thực sự cho ngành giáo dục nếu muốn giáo viên ra trường sau vài năm đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục, đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông mới”- ông Hồng khẳng định.

Cũng theo ông Hồng, nên thay đổi chương trình đào tạo giáo viên có bằng thạc sĩ giáo dục, áp dụng trước mắt là bậc THCS, THPT, sau đó là giáo viên tiểu học và mầm non. Cụ thể, sinh viên sau khi nhận bằng cử nhân khoa học ở các trường ĐH khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông nghiệp… mới được dự tuyển các khóa học thạc sĩ giáo dục.

Ngoài ra, trong chương trình đào tạo thạc sĩ giáo dục nên được thiết kế các học phần tâm lý học, giáo dục học, lý luận và phương pháp dạy học chung, lý luận và phương pháp dạy học bộ môn, kỹ thuật dạy học, thực tập sư phạm.

“Những sinh viên học chương trình thạc sĩ giáo dục phải có thời gian làm việc thực tế trong các trường phổ thông không ít hơn 1 năm để vừa thực hành nghề nghiệp, vừa học các môn về phương pháp tổ chức và kỹ thuật dạy học"- ông Hồng đề nghị.

Lê Huyền 

Cấp bù ngân sách càng tăng, ngành sư phạm vẫn khó tuyển thí sinh giỏi

Cấp bù ngân sách càng tăng, ngành sư phạm vẫn khó tuyển thí sinh giỏi

Dù mỗi năm Nhà nước cấp bù hàng trăm tỷ đồng, nhưng ngành sư phạm chủ yếu chỉ trở thành lựa chọn hàng đầu của những sinh viên học lực trung bình, hoặc chỉ là nguyện vọng 2 của thí sinh khá giỏi. 

"Bỏ ngay lập tức chính sách miễn học phí sư phạm”

"Bỏ ngay lập tức chính sách miễn học phí sư phạm”

"Phải bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm" - đề xuất này được đưa tại Hội thảo Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên, diễn ra sáng ngày 13/12 tại TP.HCM.

Đề xuất tăng lương giáo viên là có cơ sở

Đề xuất tăng lương giáo viên là có cơ sở

Vấn đề lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc hành chính sự nghiệp vào Luật giáo dục sửa đổi được nhóm chuyên gia soạn thảo nhận định có cơ sở.