VietNamNet trao đổi với ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) liên quan đến yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên (theo các thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GD-ĐT).

Xây dựng các bộ tiêu chuẩn thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT

Là người tham mưu về công tác quản lý viên chức, theo Ông, yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc xếp hạng giáo viên xuất phát từ đâu?

Phải khẳng định để làm bất cứ một công việc gì đều phải có các tiêu chuẩn của nó. Luật Viên chức cũng như trong các Nghị định (từ Nghị định 29 trước đây cho đến Nghị định 115 mới sửa đổi năm 2020) đều quy định đối với mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức phải có tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp và trách nhiệm của Bộ Nội vụ, cũng như các bộ chuyên ngành trong việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ viên chức thuộc phạm vi quản lý của mình.

{keywords}
Ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ)

Đối với đội ngũ giáo viên thì việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn đối với từng cấp phổ thông thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Điều này được quy định trong Luật và cũng được quy định rất rõ trong Nghị định 29 trước đây và Nghị định 115 mới ban hành năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Căn cứ vào tiêu chuẩn của từng chức danh nghề nghiệp thì các bộ chuyên ngành phải tổ chức các lớp bồi dưỡng để đội ngũ giáo viên đáp ứng được các tiêu chuẩn đó và ai hoàn thành lớp bồi dưỡng thì sẽ được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Xin Ông nói rõ hơn, Luật Viên chức có đưa ra yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc xếp hạng giáo viên hay không?

Luật quy định các chức danh nghề nghiệp đều phải có tiêu chuẩn và từng hạng chức danh nghề nghiệp cũng phải có tiêu chuẩn khác nhau.

Ví dụ, cùng là giáo viên nhưng giáo viên trung học khác giáo viên trung học cơ sở, giáo viên mầm non…

Cùng giáo viên trung học cơ sở thì lại có các hạng chức danh khác nhau thể hiện trình độ tương ứng với vị trí việc làm khác nhau như tôi đã nói bên trên. Và từng hạng chức danh nghề nghiệp thì cũng có những tiêu chuẩn khác nhau. Người giữ hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn thì đòi hỏi phải thực hiện những công việc với độ phức tạp lớn hơn, yêu cầu cũng cao hơn hạng dưới.

Theo lãnh đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (trước đây) và các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (thay thế các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức 2010 và Nghị định số 101 của Chính phủ.

Vị này cũng cho hay, ngành giáo dục cũng nỗ lực trong việc đề nghị được thay các chứng chỉ này bằng các chứng chỉ chuyên ngành nhưng đây là quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 101 thì không thể làm khác được.

Vì vậy, muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.

Đấy là về tiêu chuẩn của từng chức danh và từng hạng chức danh. Nhưng làm cách nào để đạt được các tiêu chuẩn này thì lại là câu chuyện khác.

Thí dụ như tiêu chuẩn về đào tạo là phải tốt nghiệp đại học sư phạm thì đó là tiêu chuẩn cứng, tức là đã đi dạy, đứng lớp thì phải tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên.

Còn đối với người không tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng muốn đi giảng dạy thì phải qua lớp bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm thì mới được giảng dạy, đó là chứng chỉ bồi dưỡng.

Như vậy, những người đã tốt nghiệp sư phạm rồi thì không phải học lớp này nữa vì trong trường họ đã được học rồi.

Bỏ hay không bỏ: Bộ GD-ĐT cần có chính kiến

Vậy chứng chỉ bồi dưỡng như ông nói và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có gì khác nhau và theo Ông, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc xếp hạng giáo viên có cần thiết?

Giáo viên trung học cơ sở là một chức danh nghề nghiệp. Trong chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở thì lại phân ra các hạng chức danh như giáo viên THCS hạng I, hạng II và hạng III.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được xây dựng căn cứ vào tiêu chuẩn của từng hạng chức danh nghề nghiệp đó. Tiêu chuẩn thì phải căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu của vị trí việc làm và thể hiện năng lực, trình độ tương ứng với vị trí việc làm.

Tôi lấy thí dụ một giáo viên mới ra trường thì có thể đi dạy ngay nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhưng chưa thể bổ nhiệm vào chức danh giáo viên hạng II hoặc hạng I vì chưa có đủ kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết khác như các giáo viên đã đi dạy 5, 7 năm.

Một số ngành nghề còn yêu cầu phải đáp ứng tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác tối thiểu, đạt chuẩn hạng nhất định trở lên thì mới được giữ các vị trí làm công tác lãnh đạo quản lý (tổ trưởng bộ môn, hiệu phó, hiệu trưởng), vì anh không kinh qua kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp thì không thể quản lý được.

Vì vậy, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phản ánh trình độ, năng lực, kinh nghiệm của viên chức nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng. Còn chứng chỉ bồi dưỡng thì như tôi nói bên trên có thể là 1 loại chứng chỉ bổ sung phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp.

Chúng ta cũng đừng nên có suy nghĩ “cứ chứng chỉ là không tốt”. Nếu chứng chỉ phục vụ cho đúng yêu cầu của quản lý nhà nước, đáp ứng đúng yêu cầu của đội ngũ viên chức xuất phát từ việc nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của họ thì “chứng chỉ không có tội tình gì cả”, không việc gì phải bỏ đi cả.

Nhưng vấn đề của các loại chứng chỉ bây giờ tôi hiểu đang có sự lẫn lộn, quá nhiều và nội dung trùng lắp, vì vậy mới gây những bức xúc trong đội ngũ giáo viên gần đây. Vì vậy, điều cần thiết bây giờ không phải là bỏ hay không bỏ một loại chứng chỉ nào đó mà cần phải rà soát lại hết tất cả những yêu cầu về điều kiện bắt buộc của từng loại chứng chỉ và đặc biệt là nội dung, chương trình của các loại chứng chỉ xem có xuất phát từ đúng yêu cầu của tiêu chuẩn, vị trí việc làm hay không để tránh lãng phí, tốn kém cho xã hội.

Để làm được việc này thì cái gốc là cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra được quy định về tiêu chuẩn đối với từng chức danh nghề nghiệp. Trong từng chức danh nghề nghiệp thì đâu là tiêu chuẩn đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp, từ đó mới xây dựng hệ thống bồi dưỡng theo quy định.

Nhiều ý kiến đề nghị bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Bỏ hay không bỏ chứng chỉ này thì Bộ Nội vụ không khẳng định được. Việc này phải lấy ý kiến rộng rãi của những người trực tiếp chịu tác động.

Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì hơn ai hết Bộ phải rà soát lại và phải có chính kiến về việc bỏ hay không bỏ, có cần hay không cần chứng chỉ này và lý do của việc bỏ hay giữ là gì.

Vấn đề nếu bỏ đi thì cũng phải xác định rất rõ phương thức quản lý sẽ như thế nào?

Trao đổi với VietNamNet, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành chùm thông tư nói trên, bà nhận được rất nhiều phản ảnh với những luồng ý kiến khác nhau của chính những người làm trong ngành giáo dục về chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên. Trong đó, đa số ý kiến không đồng tình và nhiều ý kiến đề nghị bỏ chứng chỉ này.

"Tôi đang tiếp tục nghiên cứu, phân loại, tổng hợp các nhóm ý kiến để gửi kiến nghị đến Bộ GD-ĐT trong kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV sắp tới để Bộ nghiên cứu, xem xét. Trong đó, chúng tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT cần phải phân tích chính sách để điều chỉnh hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn nữa", ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nói.

Theo bà Hiền, một chính sách vừa ban hành có nhiều ý kiến khác nhau thì cơ quan ban hành cần xem xét lại để có chỉnh sửa hợp lý.

Tuy việc này có liên quan đến Bộ Nội vụ nhưng Bộ GĐ-ĐT là cơ quan ban hành thông tư thì phải chủ động chủ trì rà soát, xem xét để đưa hướng tháo gỡ hợp lý.

Thu Hằng 

Chuyển từ quản lý theo chứng chỉ sang quản lý theo thực tài

Chuyển từ quản lý theo chứng chỉ sang quản lý theo thực tài

Then chốt thay đổi ở toàn bộ câu chuyện quản lý viên chức chính là chuyển từ quản lý theo văn bằng, chứng chỉ sang quản lý theo thực tài.

Lý do chứng chỉ 2 triệu đồng khiến giáo viên ‘xáo động’

Lý do chứng chỉ 2 triệu đồng khiến giáo viên ‘xáo động’

Chưa kịp vui mừng vì được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhiều giáo viên tiếp tục lên ‘cơn sốt’ về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Giáo viên 'đổ xô' đi học chứng chỉ, các lãnh đạo Sở nói gì?

Giáo viên 'đổ xô' đi học chứng chỉ, các lãnh đạo Sở nói gì?

Việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã diễn ra từ trước. Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư mới liên quan đến việc bổ nhiệm, thăng hạng, xếp lương càng khiến giáo giới xôn xao.