Nhiều giáo viên chia sẻ họ sẵn sàng đón nhận một bộ chuẩn đánh giá mới để hoàn thiện bản thân nhưng đi kèm với đó là chế độ tiền lương tương xứng với những đòi hỏi đó.

Nếu không khách quan, chuẩn gì cũng khó

Chia sẻ với VietNamnet, nhiều giáo viên cho rằng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là một nội dung quan trọng, nhưng bộ chuẩn đánh giá mới phải có cơ chế đánh giá đi kèm khách quan và công bằng.

Nếu không, khó có thể thay đổi cục diện và bộ chuẩn đánh giá giáo viên có thể chỉ thêm cơ sở cho cấp quản lý gây khó dễ cho giáo viên đứng lớp.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Cô giáo Trần Ngọc (giáo viên tại quận Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: 

“Dù đánh giá theo chuẩn nào thì chúng tôi cũng nỗ lực để đạt được thôi. Chỉ hi vọng có một bộ chuẩn đánh giá công bằng. Nhưng điều đó là rất khó bởi chuẩn nào thì cũng phải phụ thuộc vào người đánh giá là hiệu trưởng. Muốn chuẩn thì những người đánh giá cũng chuẩn và khách quan. Ngoài ra, với những tiêu chí đòi hỏi cao hơn, Bộ GD-ĐT cũng cần tính toán lại mức lương giáo viên, bởi có thực mới vực được đạo”.

Cô giáo Lê Tuyết (giáo viên tại tỉnh Nam Định) chia sẻ: “Tôi nghĩ tiêu chí gì thì cuối cùng cũng là chất lượng. Chỉ lo các tiêu chí đưa ra rồi cũng không đảm bảo đánh giá đúng năng lưc một cách khách quan.

Sẽ có sự thiên vị như lãnh đạo thích ai thì ưu ái, bao che. Ngược lại thì bị dìm cho khốn khổ và chuyện này trường nào cũng có thể xảy ra. Đơn giản nhất là ban giám hiêu chỉ cần phân cho giáo viên nào họ thích những lớp học sinh ngoan và giỏi. Và đương nhiên, giáo viên khi nhận được môt lớp toàn học sinh khá giỏi thì việc dạy cũng nhàn mà chất lượng vẫn cao. Còn có giỏi thật sự mà vào môt lớp toàn học sinh yếu kém, phụ huynh không quan tâm thì vừa vất vả mà chất lượng cũng khó bằng lớp học sinh giỏi.

Bản thân chị Tuyết cũng có chút lo lắng khi tới đây bộ chuẩn mới với những tiêu chí cao hơn nếu không có sự đánh giá khách quan thì giáo viên càng thêm khó khăn.

“Tôi không lo vì năng lực mà vì giáo dục không như các ngành khác, không rạch ròi chất lượng sản phẩm, nên viêc đánh giá cũng khó đảm bảo minh bạch.

Như đánh giá hiệu trưởng, hiệu phó thì thường mỗi năm đều phát phiếu cho giáo viên đánh giá công khai, nhưng nói thật chả ai dám ghi không tốt và rồi thường tỷ lệ ủng hộ từ 98-100%”, cô Tuyết chia sẻ.

Bà Lại Thị Thỏa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) cho rằng việc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn mới là hêt sức cần thiết để mỗi cán bộ quản lý và giáo viên đều phải cô gắng hoàn thiện bản thân.

Tuy nhiên, bà Thỏa cũng lo ngại khi thực tế ở một số nhà trường có những giáo viên yếu kém chuyên môn nhưng khi đánh giá cán bộ quản lý lại nương nhẹ.

Bản thân bà cũng lo lắng và hồi hộp với bộ chuẩn mà Bộ đang xây dựng. “Đánh giá cán bộ quản lý không đạt chuẩn thì xuống làm giáo viên còn dễ thực hiện được nhưng với giáo viên thì đuổi việc là cả một vấn đề”.

Cô giáo Ngọc Thúy (giáo viên một trường tiểu học tại Bình Dương) cho rằng, bộ chuẩn gì đi nữa thì cũng con người đánh giá và trong trường đều trong tầm tay của hiệu trưởng. Nếu không công bằng, chuẩn gì cũng chẳng có tác dụng.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

“Ví dụ trong các chuẩn hiện nay, có 1 chuẩn là tiết dạy phải đạt yêu cầu. Cấp quản lý chỉ cần dự giờ đột xuất và kết luận dạy không đạt thì cả mấy trăm tiết khác tốt cũng chịu. Thậm chí có thể bị ra khỏi lớp và cho giáo viên khác vào thay. Tất cả trong tầm tay Hiệu trưởng hết và muốn loại gì cho loại đó đơn giản.

Vấn đề là ai giám sát? Ai đánh giá cho chuẩn? Cán bộ quản lý các cấp mà trung thực, yêu thương học trò thì mọi thứ sẽ tốt hơn nhiều. Tôi nghĩ chưa cần phải chuẩn mới mà với chuẩn cũ, nếu thực hiện khách quan và công bằng thì chất lượng giáo dục đã tốt lắm rồi”, cô Thúy nói.

Chuẩn mới cần đi kèm chuẩn tiền lương?

Nói về bộ chuẩn mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng, ThS Vũ Hoàng Sơn (giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng cần xem xét thay đổi cách đánh giá và xét thưởng thi đua đối với giáo viên, cán bộ quản lý.

“Cách đánh giá và xét các danh hiệu thi đua trong ngành giáo dục như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Bởi trong tập thể có thể có tình trạng “lợi ích nhóm”. Thậm chí có những giáo viên tích cực trong công việc, tham gia tốt các hoạt động của ngành, của đơn vị, đạt được nhiều thành tích cao trong các hội thi, hội giảng nhưng khi xét các danh hiệu thi đua đều không đạt, do không đủ số phiếu tín nhiệm của các thành viên trong liên tịch (gồm Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn,…).

Không theo năng lực cá nhân mà đánh giá bằng “cảm tính”, cùng nhóm, cùng hội thì bỏ phiếu tín nhiệm, ngược lại thì “không tín nhiệm”. Cũng vì không được tập thể ghi nhận dẫn đến tình trạng giáo viên mất niềm tin”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, Bộ cần xây dựng một quy chuẩn có các tiêu chí rõ ràng về việc đánh giá, khen thưởng cho từng danh hiệu thi đua mang tính đặc thù riêng của giáo dục. Để theo đó, những giáo viên, cán bộ quản lý đạt các quy chuẩn tương ứng với từng danh hiệu thì mặc nhiên được khen thưởng mà không cần chuyện bỏ phiếu tín nhiệm trong liên tịch để tránh tình trạng bị trù dập hay bằng mặt nhưng không bằng lòng.

Ông Sơn cho rằng, chất lượng giáo dục của ngành nói chung và của một đơn vị nói riêng không phải hoàn toàn do giáo viên quyết định mà một phần từ đội ngũ quản lý. 

Do đó rất cần đội ngũ này có “tâm, tầm, tài” để biến những ý tưởng đổi mới thành hiện thực. Ngoài ra cần xem xét việc phân công, bổ nhiệm đối với cán bộ quản lý.

“Cần mở rộng cơ chế bổ nhiệm, tuyển chọn đội ngũ quản lý để những ai có tâm huyết, năng lực đều có điều kiện ứng cử. Và cũng nên xem xét việc hết nhiệm kỳ quản lý, họ trở về làm công tác giảng dạy để nắm được nội dung, chương trình là chuyện bình thường. Chỉ có sự “đổi ngôi” mới giúp các nhà quản lý thay đổi suy nghĩ và cách làm việc”, ông Sơn nói.

Đi cùng chuẩn mới được nâng lên thì mức lương của giáo viên cũng cần được tính toán sao cho tương xứng. “Có như vậy mới tạo động lực cho giáo viên yên tâm, nỗ lực, sẵn sàng bồi dưỡng, học tập để nâng cao trình độ”.

Về điều này, nhiều giáo viên cũng chia sẻ băn khoăn khi Bộ GD-ĐT đang ráo riết xây dựng mới chuẩn giáo viên thì chất lượng đầu vào thật đáng lo ngại với mức điểm trúng tuyển ngành sư phạm khá thấp ở một số trường ĐH, CĐ.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Bộ GD-ĐT không cải thiện chất lượng giáo dục từ gốc rễ khi giải quyết bài toán thừa sinh viên sư phạm và lương giáo viên.

Thanh Hùng