- Nếu không thành thực nhìn nhận, bệnh thành tích vẫn tiếp tục "leo thang" và tạo ra những hệ luỵ không đáng có trong giáo dục, khiến tất cả chạy theo con số mà bỏ rơi phần "con người".

"Trường sắp đạt chuẩn quốc gia, xin đừng làm to chuyện"

Mấy ngày nay, sự việc cô chủ nhiệm ở Quảng Bình yêu cầu học sinh tát 231 cái tát vào mặt một bạn vì nói tục trong giờ chơi đã khiến cho dư luận bất bình.

Bà Phạm Thị Lệ Anh, hiệu trưởng nhà trường phân trần đó là do áp lực thi đua do Đội nên các em đã có hành động như vậy. Đội quy định nếu lớp học có em học sinh nói tục là bị trừ 5 điểm, nên đã tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm. Vì muốn lớp tiến bộ nên cô T. đã có biện pháp giáo dục học sinh, nhưng cô đưa ra không đúng. Gia đình học sinh cho hay nhà trường và chính quyền địa phương đã thuyết phục không làm to chuyện vì nhà trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ II.

Thêm sự việc này để càng thấy rõ hơn có lẽ, chuyện áp lực thi đua, thành tích đã “ngấm” vào máu của nhiều lãnh đạo, giáo viên của một số nhà trường khiến cho bức tranh giáo dục có thêm nhiều khoảng tối, nhiều người bị hút vào vòng xoáy của thi đua.

Bệnh thành tích đã ngấm sâu

Năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 6122 khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng cuối năm học thì các báo cáo lên cấp trên vẫn "đẹp như mơ".

Xét cho cùng, bệnh thành tích đã ngấm sâu vào một bộ phận lãnh đạo quản lý và nhiều giáo viên đứng lớp.

Đơn vị nào cũng muốn trường mình cuối năm có tỉ lệ học sinh khá giỏi cao, ít học sinh yếu kém và bỏ học.

Từ lâu, ngành giáo dục đang có nhiều thứ rất hình thức và coi trọng thành tích ảo.

Đối với giáo viên thì việc đánh giá viên chức cuối năm theo Nghị định 56 của Chính phủ (sửa đổi bằng Nghị định số 88) cũng chủ yếu là loại xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiếm hoi mới có trường hợp hoàn thành nhiệm vụ.

Còn đánh giá chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cũng phần nhiều là Xuất sắcKhá (đánh giá chuẩn không có loại Tốt) và gần như không thấy có giáo viên xếp loại trung bình.

Xét thi đua thì cũng phần lớn đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và có 15% Chiến sĩ thi đua cơ sở/ tổng số danh hiệu Lao động tiên tiến.

Đó là chưa kể lãnh đạo ngành, quản lý nhà trường còn được nhận bằng khen của các cấp.

Thầy cô đã giỏi vậy thì việc đào tạo ra các thế hệ học sinh có học lực chủ yếu là khá và giỏi cũng là chuyện… rất bình thường.

Ở cấp tiểu học bây giờ có một số thầy cô chủ nhiệm lớp không chỉ đề nghị khen thưởng cuối năm những em học tập, rèn luyện tốt mà còn vì lý do học sinh này là con ông nọ, cháu bà kia, rồi con đồng nghiệp, con phụ huynh có đóng góp nhiều cho trường sau mỗi lần thư ngỏ…

Vì thế, cứ kiểm tra học kì, cuối năm xong là một số giáo viên chủ nhiệm lớp phải nhờ vả, xin xỏ các thầy cô dạy các môn năng khiếu, tiếng Anh để học sinh “đủ chuẩn” nhằm đề nghị khen thưởng cho học sinh của mình!

Công tác giảng dạy thì nhiều cấp lãnh đạo không căn cứ vào đặc điểm, tình hình của mỗi trường, mỗi môn mà cứ ấn định chỉ tiêu học sinh giỏi, khá có khi cao chót vót.

Trong khi mặt bằng chất lượng một số trường, địa phương khó khăn thì thấp, giáo viên chỉ còn một cách duy nhất là nâng khống điểm để khỏi bị lãnh đạo than phiền, nhắc nhở.

Điều này dẫn đến việc khen thưởng tràn lan cho cả giáo viên và học sinh, không tạo được động lực cho việc dạy và học.

Không đánh giá đúng, bệnh sẽ... leo thang

Đánh giá đúng chất lượng giảng dạy cũng như công tác thi đua, khen thưởng không chỉ là mong muốn của Bộ GD-ĐT mà là mong muốn chung của toàn xã hội.

Vì thế, việc chấn chỉnh bệnh thành tích phải là sự gương mẫu từ các cấp lãnh đạo.

Đó là không nên giao thành tích xa rời với thực tế của từng đơn vị.

Trong thi đua, không thể cán bằng chỉ tiêu giữa các trường với nhau để rồi trường nào cao thì xét danh hiệu thi đua, trường nào thấp thì cắt.

Làm vậy, vô hình trung các trường khó khăn sẽ tìm cách để nâng thành tích khống lên cho bằng nhau.

Xét thi đua là phải căn cứ vào đặc điểm, tình hình của mỗi đơn vị, mỗi cá nhân để thấy được sự cố gắng, đóng góp.

Có một điều đáng buồn nhất là điểm báo cáo cuối năm của các trường về sở, phòng rất cao nhưng khi học sinh tham gia thi tuyển 10, thi THPT quốc gia lại thường rất thấp (6/9 môn có điểm thi trung bình dưới 5). Điều trớ trêu là cũng là những học sinh đó nhưng chỉ tháng trước được nhà trường tổng kết thì đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến, tháng sau thi lại có điểm dưới trung bình…

Việc lập lại kỉ cương, nền nếp trong đánh giá, xếp loại và thi đua trong ngành giáo dục cần hướng tới chất lượng, danh hiệu thật. Chỉ có thế mới, đảm bảo "dạy thật, học thật". 

Muốn làm được việc này phải bắt đầu từ sự gương mẫu của những người đứng đầu các đơn vị, từ những chính sách vĩ mô của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT. Nếu không, bệnh thành tích vẫn tiếp tục "leo thang" và tạo ra những hệ luỵ không đáng có, chạy theo con số mà bỏ rơi phần "con người".

Nguyễn Đăng

Bệnh thành tích trong giáo dục ở một số nơi còn nặng nề

Bệnh thành tích trong giáo dục ở một số nơi còn nặng nề

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, những đổi mới của giáo dục đào tạo cần tiếp tục triển khai căn cơ, bài bản theo đúng lộ trình.

Bệnh thành tích: Do nhà giáo bị quá nhiều ràng buộc?

Bệnh thành tích: Do nhà giáo bị quá nhiều ràng buộc?

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (đoàn Đắk Lắk) tại buổi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Bộ GD-ĐT yêu cầu khắc phục bệnh thành tích trong toàn ngành

Bộ GD-ĐT yêu cầu khắc phục bệnh thành tích trong toàn ngành

Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các sở, các trường ĐH, học viện, CĐ, trung cấp có đào tạo giáo viên yêu cầu khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

Lãnh đạo hết bệnh thành tích, giáo viên mới hết áp lực sáng kiến kinh nghiệm

Lãnh đạo hết bệnh thành tích, giáo viên mới hết áp lực sáng kiến kinh nghiệm

Với giáo viên, năm nào cũng phải nộp sáng kiến không phải tại quy định ở Nghị định 56 mà chính là do bệnh thành tích với phong trào 100% giáo viên viết sáng kiến từ xưa để lại.