Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm đang được Bộ GD-ĐT cân nhắc và dự kiến sẽ trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Giải thể các trường không đạt chuẩn chất lượng

Theo đó, mục tiêu chung của đề án là hình thành một mạng lưới các trường sư phạm với một số trường đại học sư phạm trọng điểm và chủ chốt có đủ năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo viên trong từng giai đoạn; tinh gọn số lượng các trường sư phạm trong cả nước; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và thu hút nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển các trường sư phạm; hội nhập với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
Cụ thể, về số lượng, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hình thành một mạng lưới các trường sư phạm gồm từ 6 đến 8 trường sư phạm chủ chốt.

Đến năm 2030, tiến hành sắp xếp tổ chức để hệ thống có 3 trường sư phạm trọng điểm (1 trường thuộc khu vực miền Bắc, 1 trường thuộc khu vực miền Trung và 1 trường thuộc khu vực miền Nam) phát triển theo mô hình đại học và từ 3 đến 5 trường sư phạm chủ chốt;

Các cơ sở đào tạo giáo viên khác sẽ được chuyển thành vệ tinh của các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt. Trong đó sẽ giảm số lượng trường sư phạm ở các địa phương theo hướng sáp nhập, giải thể các trường không đạt chuẩn chất lượng nhằm đảm bảo quy mô đào tạo được xác định hợp lý, hiệu quả. Đề án cũng đặt mục tiêu giải thể các trường trung cấp sư phạm và không tổ chức đào tạo giáo viên ở các trường trung cấp chuyên nghiệp đa ngành khác. Các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo giáo viên xây dựng lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên và chấm dứt nhiệm vụ này trước năm 2025.

Về chất lượng, 100% trường sư phạm đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định của Bộ GD-ĐT hoặc đạt mức 3 trở lên theo Bộ chỉ số phát triển năng lực trường sư phạm.

Trường sư phạm trọng điểm phải đạt tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ từ 60% trở lên trên tổng số giảng viên sư phạm; trường sư phạm chủ chốt đạt tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ từ 40% trở lên trên tổng số giảng viên sư phạm.

Ít nhất 50% chương trình đào tạo cử nhân sư phạm của các trường sư phạm trọng điểm được công nhận chuyển đổi tín chỉ trong khu vực ASEAN.

Dừng đào tạo giáo viên trình độ trung cấp

Về lộ trình thực hiện, dự án nêu rõ giai đoạn 2019-2020 sẽ ban hành chi tiết đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí phân mức chất lượng các trường sư phạm theo Bộ chuẩn trường sư phạm.

Tiến hành đánh giá, rà soát các trường sư phạm để xác định các cơ sở không đạt chuẩn chất lượng tối thiểu. Công khai kết quả đánh giá, yêu cầu các cơ sở không đạt chuẩn chất lượng tối thiểu lập kế hoạch phát triển để đạt ngưỡng chất lượng tối thiểu.

Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ dừng tuyển sinh các trường sư phạm không đạt chuẩn chất lượng.

Tiến hành các phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu sau thời hạn cam kết.

Hình thành các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh của các trường sư phạm chủ chốt. Giải thể các trường trung cấp sư phạm và dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm đối với các trường trung cấp đa ngành.

Trong giai đoạn 2025-2030 sẽ hình thành các trường sư phạm trọng điểm, tiếp tục phát triển các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh.

Dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm đối với các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo giáo viên.

Bộ chuẩn trường sư phạm sẽ được xây dựng bao gồm 5 tiêu chuẩn và 14 tiêu chí.

Trong đó 5 tiêu chuẩn gồm: Điều kiện đảm bảo chất lượng (gồm 3 tiêu chí: cơ sở vật chất, giảng viên sư phạm, tài chính); Đào tạo (gồm 3 tiêu chí: tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với ngành đào tạo; đánh giá của người học về chất lượng và hiệu quả đào tạo; kiểm định chương trình đào tạo giáo viên); Nghiên cứu khoa học (gồm 3 tiêu chí: số bài báo của giáo viên được công bố; số đề tài và dự án nghiên cứu được ứng dụng hoặc chuyển giao; kinh phí nghiên cứu); Hợp tác quốc tế và kết nối cộng đồng (3 tiêu chí gồm tỷ lệ kinh phí thu được từ hoạt động hợp tác; tỷ lệ người nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu; tỷ lệ người học là người nước ngoài); Quản trị đại học (gồm 2 tiêu chí: mô hình quản trị và hiệu quả hoạt động; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị cơ sở).

Thanh Hùng

Sẽ bỏ quy định yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm với giảng viên trong luật

Sẽ bỏ quy định yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm với giảng viên trong luật

Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ không quy định yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm với giảng viên.