Tại tọa đàm Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức hôm nay (29/10), các đại biểu đã đặt ra câu hỏi với Bộ GD-ĐT về việc thực nghiệm SGK trước khi đưa vào triển khai đại trà.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay, trong thông tư 33 quy định rõ là trong hồ sơ đề nghị hội đồng thẩm định SGK, các nhà xuất bản phải thuyết minh rõ quá trình thực nghiệm sách do mình biên soạn.

“Việc thực nghiệm cũng giống như việc thực nghiệm chương trình. Hiện nay chương trình mới đang xây dựng theo hướng mở và thực nghiệm chương trình mới không phải là thực nghiệm toàn bộ chương trình như trước đây mà chỉ là thực nghiệm những nội dung, phương pháp, cách thức tiếp cận mới của chương trình để đảm bảo rằng nếu đưa vào thì có tính khả thi và đáp ứng mục tiêu đặt ra.

Các nhà xuất bản khi tổ chức biên soạn SGK cũng phải thể hiện yêu cầu của chương trình. Cũng theo tinh thần đó, các SGK cũng phải được thực nghiệm những nội dung mới để xem những nội dung đó có phù hợp với đối tượng học sinh hay không.

Thứ hai là thực nghiệm phương pháp tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp nhằm mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đối với những bài học được đưa vào thực nghiệm trong SGK phải thể hiện được phương pháp mới ấy và tác giả của các nhà xuất bản đem thực nghiệm những điều đó ở địa bàn, đối tượng học sinh để xem việc tổ chức hoạt động học cho học sinh với sự hỗ trợ của SGK thì học sinh tiếp nhận ra sao, qua đó để đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực”, ông Thành nói.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Ông Thành cũng cho hay, với cách làm đó, các nhà xuất bản đã nộp hồ sơ thẩm định sách về Bộ GD-ĐT và được Bộ yêu cầu thực hiện chặt chẽ.

“Ví dụ như SGK lớp 6 đang trong quá trình thẩm định hiện nay, các báo cáo đưa về ít nhất cũng phải thực nghiệm trên 10% những nội dung trong SGK, đặc biệt là chọn vào những thể loại bài mà các tác giả muốn thử nghiệm nó trong thực tế. Có những SGK lên đến 14-15%, thậm chí có những sách đến 20% nội dung bài học”, ông Thành nói.

“Với cách thực hiện như thế, chúng tôi cho rằng việc tiếp cận, tổ chức thực hiện của các nhà xuất bản rất nghiêm túc. Khi các nhà xuất bản mang hồ sơ lên hội đồng thẩm định quốc gia, chúng tôi yêu cầu đầu tiên là nhìn vào thông số này. Nếu không đảm bảo thì sẽ không được tiếp tục”, ông Thành nói.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Hùng

Sẽ tập trung kiểm soát việc thực nghiệm sách

Liên quan đến việc biên soạn SGK, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, SGK được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân.

Song, ông Độ cũng cho biết, để đảm bảo nâng cao chất lượng, Bộ GD-ĐT dự kiến trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc kiểm soát quá trình thực nghiệm sách.

“Trước đây, các nhà xuất bản phối hợp với tác giả đi thực nghiệm. Nhưng tới đây sẽ có sự tham gia của Bộ GD-ĐT trong việc phối hợp chỉ đạo cùng các nhà xuất bản thì sẽ hiệu quả hơn.

Thứ hai, trong thời gian sắp tới, Bộ sẽ tăng cường khâu thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản trước khi gửi bản mẫu hoàn thiện lên Bộ thì đã phải tổ chức thẩm định sơ bộ. Chúng tôi muốn nâng cao chất lượng của các bản mẫu trước khi gửi lên hội đồng thẩm định quốc gia” - ông Độ nói.

Ngoài ra, ông Độ cho hay cần mở rộng đối tượng để có thể thêm các ý kiến đóng góp một cách rộng rãi hơn, từ đó chắt lọc nhiều ý kiến tốt cho quá trình chỉnh sửa.

Cụ thể với việc thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đang diễn ra, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm, quá trình đã hoàn tất vòng 1.

“Chúng tôi yêu cầu các thành viên của Hội đồng thẩm định tăng cường vào việc trao đổi, thảo luận, thậm chí là tranh luận với các tác giả về các nội dung. Với những ý kiến mà các tác giả yêu cầu bảo lưu quan điểm, việc này cần phải được đưa ra giải quyết thấu đáo”, ông Thành nói.

{keywords}
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Thanh Hùng

Tại tọa đàm, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nêu lên trong thực tế vừa qua, còn những ý kiến phản ánh từ dư luận, phụ huynh, học sinh về một vài cuốn SGK đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt.

Song, ông Thắng cho rằng, đây cũng là tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

“Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho Bộ GD-ĐT trong việc tổ chức thẩm định SGK khác trong thời gian tới, trước mắt đối với lớp 2 và lớp 6. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu làm sao để quy trình cần làm sao chặt chẽ hơn, quy định được trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan rõ hơn, đặc biệt là Hội đồng thẩm định quốc gia để làm sao các sách khi đã được thẩm định và Bộ trưởng GD-ĐT ký phê duyệt thì phải đảm bảo chất lượng cao nhất, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đổi mới chương trình”, ông Thắng nói.

Thanh Hùng

Sẽ lấy ý kiến rộng rãi với các bản mẫu SGK trước khi ban hành

Sẽ lấy ý kiến rộng rãi với các bản mẫu SGK trước khi ban hành

Bộ GD-ĐT dự kiến lấy ý kiến góp ý rộng rãi với các bản mẫu SGK khi Hội đồng thẩm định đánh giá Đạt và trước khi Bộ trưởng ký ban hành.