Trong số một nửa các quốc gia thuộc OECD có dữ liệu về lương theo luật định của năm 2000 và 2015, hầu hết có mức lương tăng trong suốt giai đoạn này.

{keywords}
Biểu đồ sự biến động về lương giáo viên của các thành viên OECD từ năm 2005 đến năm 2015. Ảnh: OECD

Những ngoại lệ đáng chú ý là Anh và Pháp – lần lượt giảm khoảng 5% và 10%.

Lương giáo viên ở Hy Lạp cũng giảm 16%. Đan Mạch giảm gần 3% đối với cấp trung học phổ thông và tương tự với Ý ở cấp tiểu học và trung học.

Ở các quốc gia khác, mức lương tăng lên đáng kể (18% trở lên trong giai đoạn này), như: Phần Lan (cấp tiểu học), Ireland (từ tiểu học tới trung học phổ thông), Israel, Mexico (mầm non tới trung học cơ sở) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt, có một số mức tăng đột biến – 40% ở Israel (cấp mầm non), Latvia và Scotland (Vương quốc Anh) (cấp mầm non).

Tuy vậy, ở một số quốc gia, trong xu hướng tăng chung của giai đoạn 2000-2015 vẫn có một giai đoạn giảm, đặc biệt từ năm 2010.

Trong giai đoạn từ năm 2005 tới năm 2015 – giai đoạn mà ¾ quốc gia và nền kinh tế của OECD có dữ liệu của ít nhất một cấp học, có hơn một nửa trong số các quốc gia này tăng lương cho giáo viên.

Trung bình, ở các quốc gia và nền kinh tế này, lương tăng 6% ở cấp tiểu học, 6% ở cấp trung học cơ sở và 4% ở cấp trung học phổ thông.

Riêng Ba Lan tăng 20% ở cấp mầm non, tiểu học và trung học – kết quả của chương trình tăng lương giáo viên và cải thiện chất lượng giáo dục từ năm 2008 tới năm 2013, bằng cách đưa ra các khích lệ về tài chính để thu hút giáo viên chất lượng cao.

Một số quốc gia như Israel (cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), Latvia, Luxembourg (mầm non và tiểu học), Na Uy (mầm non) và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mức lương cao đột biến.

Ở hầu hết quốc gia, mức tăng tương tự cũng được thấy ở ở cấp tiểu học, trung học từ năm 2005 tới năm 2015.

Tuy nhiên, điều này không đúng ở Israel và Luxembourg.

Ở Israel, lương tăng hơn 43% ở cấp mầm non, 29% ở cấp tiểu học, 38% cấp trung học cơ sở và 18% cấp trung học phổ thông. Ở Luxembourg, mức tăng là 45% ở cấp mầm non và tiểu học, so với 16% ở cấp trung học.

{keywords}
Biểu đồ biến động về mức lương của giáo viên trung học cơ sở năm 2010, 2013 và 2015

Ở cả Israel và Luxembourg, sự khác biệt trong chỉ số thay đổi giữa lương giáo viên tiểu học và trung học là do những cái cách nhằm mục đích tăng lương giáo viên tiểu học.

Ở Israel, đây phần lớn là kết quả của việc từng bước thực hiện cải cách “New Horizon” ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, bắt đầu vào năm 2008 theo một thỏa thuận giữa các cơ quan giáo dục và Hiệp hội giáo viên Israel.

Cải cách này bao gồm việc trả lương cho giáo viên cao hơn để giáo viên làm việc nhiều giờ hơn.

Ví dụ trong năm học 2014-2015, 94% giáo viên toàn thời gian ở cấp mẩm non, 97% giáo viên tiểu học và 92% giáo viên trung học cơ sở nằm trong cải cách này.

Cũng năm đó, một cải cách tương tự (có tên là “Oz Letmura”) cũng được giới thiệu ở cấp trung học phổ thông, ảnh hưởng tới 41% giáo viên toàn thời gian của năm học 2014-2015.

Ngược lại, lương giáo viên các cấp học ở Anh, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đều giảm từ năm 2005: Anh và Bồ Đào Nha giảm khoảng 10%, Hy Lạp giảm 28%.

Tuy vậy, những thay đổi tổng thể về mức lương giáo viên của các thành viên OECD từ năm 2005 tới năm 2015 là tác động của sự suy thoái kinh tế vào năm 2008.

Trung bình, các quốc gia và nền kinh tế có dữ liệu về lương cho tất cả các năm trong giai đoạn này hoặc là có mức lương bị đóng băng, hoặc là bị cắt giảm từ năm 2009 đến năm 2013, trước khi bắt đầu tăng trở lại.

Ở cấp trung học cơ sở, những thay đổi về mức lương theo luật định cho thấy các mô hình khác nhau giữa 28 quốc gia có dữ liệu cho năm 2010, 2013 và 2015.

{keywords}
Biểu đồ mức lương của giáo viên trung học cơ sở năm 2015 ở 3 giai đoạn nghề nghiệp: mới vào nghề, sau 15 giảng dạy và mức lương cao nhất trong thang bậc lương. Ảnh: OECD

Ở hầu hết các quốc gia, mức lương hoặc đều tăng ở cả giai đoạn 2010-2013 và 2013-2015 hoặc đều giảm ở cả hai giai đoạn này.

Lương giảm ở cả 2 giai đoạn với trên 1/3 quốc gia và nền kinh tế, hầu hết đều ở châu Âu: Áo, Anh, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Ireland, Ý, Scotland VÀ Slovenia.

Ngược lại, xu hướng tăng ở cả hai giai đoạn này diễn ra liên tục với 1/3 số quốc gia khác, hầu hết bên ngoài châu Âu.

Nhóm nhỏ các quốc gia như Đan Mạch, Hungary, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ có mức lương giảm từ năm 2010 tới 2013 nhưng tăng từ năm 2013 tới 2015. Tuy nhiên, mức lương vào năm 2015 vẫn thấp hơn mức lương của năm 2010 ở phần lớn các quốc gia này.

Những phân tích về xu hướng lương trên đây đều ở đối tượng giáo viên đã có 15 năm kinh nghiệm và được đánh giá là đủ chuyên môn.

Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ về xu hướng tăng lương tùy theo giai đoạn và mục tiêu của hệ thống giáo dục lúc đó.

Chẳng hạn như một số quốc gia thiếu giáo viên có thể thực hiện chính sách thu hút giáo viên bằng cách tăng lương cho các giáo viên mới (OECD, 2015). Ví dụ như ở Pháp, giáo viên mới vào được tăng lương vào năm 2010 và 2011.

Theo biểu đồ, Luxembourg là quốc gia có lương giáo viên trung học cơ sở cao nhất trong khối OECD – mức lương khởi điểm của giáo viên mới vào nghề là khoảng 80.000 USD/ năm; sau 15 năm công tác, con số này tăng lên ở mức gần 120.000 USD/ năm, và những giáo viên đạt tiêu chuẩn cao nhất, có số năm công tác cao nhất sẽ nhận mức 140.000 USD/ năm. Các quốc gia xếp sau Luxembourg là Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, tuy nhiên mức lương giáo viên của các quốc gia này có sự cách biệt khá lớn so với Luxembourg – dao động từ 40.000 USD tới 100.000 USD/ năm.
Trong khi đó, mức lương trung bình của giáo viên trong OECD ở 3 mức sự nghiệp lần lượt là: dưới 40.000 USD/ năm, trên 40.000 USD và 60.000 USD/ năm.
Khoảng lương phổ biến nhất của hầu hết các quốc gia là từ 20.000-40.000 USD/ năm. Một số quốc gia có mức lương khởi điểm và lương tối đa trên dưới mốc 20.000 USD/ năm gồm có Cộng hòa Séc, Estonia, Lithuania, Ba Lan, Hungary, Brazil, Cộng hòa Slovakia và Latvia.

Nguyễn Thảo (Theo OECD)