Làm điều 3 năm không thể chỉ trong 3 ngày

Tại Diễn đàn quốc tế hóa giáo dục đại học (FIHE) do Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tổ chức, GS Yoo Taek Lee, Hiệu trưởng Trường Endicotte, Đại học Woosong (Hàn Quốc) khẳng đi, sau đại dịch, nhu cầu học trực tuyến tại tất cả các quốc gia càng lớn hơn bao giờ hết.

Ông nhớ lại, khi mình còn công tác tại Đại học Boston (Mỹ), cả ông và đồng nghiệp đã có những thảo luận trong suốt 3 năm về việc có nên thực hiện các chương trình học trực tuyến hay không. Mặc dù hiểu rằng đây là một phương thức linh hoạt giúp các sinh viên dù không thể tham gia vào lớp học vẫn có thể tiếp thu kiến thức, nhưng trong 3 năm ấy, việc này vẫn chưa thể đi đến thống nhất về cách thức triển khai.

Đến khi Covid-19 xuất hiện tại Hàn Quốc, rất nhanh sau đó, ông và đồng nghiệp buộc phải hành động chỉ sau… 3 ngày chuẩn bị.

“Chúng tôi không có nhiều thời gian, cũng không thể chần chừ, đắn đo. Chỉ có một điều duy nhất, đó là phải chuyển đổi. Nhờ thế, điều 3 năm không thể làm, giờ chúng tôi đã có thể triển khai sau 3 ngày”, GS Yoo kể lại.

{keywords}

GS Yoo Taek Lee, Hiệu trưởng Trường Endicotte, Đại học Woosong (Hàn Quốc) 

Ông cũng cho rằng, không chỉ tại ngôi trường của ông, rất nhiều trường học khác cũng buộc phải thay đổi để thích nghi với thực tế.

“Hàn Quốc có quy định pháp lý rằng tỉ lệ học trực tuyến tại các trường không được quá 20%/ học kỳ. Theo quy định này, nếu tỉ lệ giờ học trực tuyến cao hơn 20% thì sinh viên sẽ không được cấp chứng chỉ.

Nhưng trong tình hình Covid-19, quy định này đã buộc phải dỡ bỏ ngay lập tức. Giờ đây, có những môn học 100% trực tuyến vẫn phải cấp chứng chỉ cho sinh viên”, ông Yoo nói và cho rằng, trong 5 năm nữa, việc học trực tuyến sẽ trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, điều khiến ông luôn băn khoăn là không phải lúc nào việc học trực tuyến cũng sẽ thành công.

“Khi nghiên cứu chương trình EdX của Viện Công nghệ Massachusetts tôi nhận thấy, sinh viên đăng ký học trực tuyến rất đông, nhưng chỉ 18% trong số đó muốn hoàn thành khóa học. Và kết quả thực tế chỉ có 5% trong số người đăng ký hoàn thiện được khóa học”.

Điều đó khiến GS Yoo đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để sinh viên hứng thú với việc học trực tuyến?”.

{keywords}

Sinh viên Hàn Quốc học online

GS Yoo Taek Lee cho rằng, muốn đạt được hiệu quả trong việc học trực tuyến, trước hết phải cung cấp chương trình học với mức chi phí hợp lý, đồng thời phải nâng cao được giá trị và chất lượng của khóa học.

Để làm được điều đó, Đại học Woosong của ông đã xây dựng những chương trình trực tuyến đa dạng, trong đó có sự hợp tác với 5 cơ sở giáo dục đại học khác ở châu Á. Đây là chương trình kéo dài 1 năm giúp sinh viên quốc tế có thể học hỏi, tương tác lẫn nhau.

Với mỗi khóa học, nhà trường sẽ xây dựng thành các module khác nhau. “Ví dụ, tại khóa học ‘Trí tuệ nhân tạo đối với kinh doanh trong kỷ nguyên chuyển đổi kỹ thuật số’, chúng tôi sẽ xây dựng với 4 module nội dung.

Trước khi thực hiện 4 module này, chúng tôi sẽ triển khai những giờ giảng tiền module nhằm cung cấp kiến thức cơ bản và cho sinh viên làm quen trước. Sau khi module thứ 4 kết thúc sẽ có phần bài trình bày theo nhóm và các dự án mà sinh viên thiết kế”.

Ông Yoo cho biết, ở mỗi module sẽ có các diễn giả, giảng viên được mời từ các cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học đến từ nhiều quốc gia khác nhau để chia sẻ. Điều này sẽ làm cho các khóa học trực tuyến thú vị hơn, chất lượng cao hơn và thu hút sinh viên hơn.

Mặc dù vậy, việc sắp xếp lịch học cũng là một trở ngại khi triển khai mô hình này do thời gian năm học của mỗi quốc gia khác nhau. Do đó, trường đưa ra ý tưởng mỗi khóa học đều có thời gian đề dẫn, gợi mở để sinh viên nghiên cứu trước; còn lại sẽ tập trung vào phần cốt lõi kéo dài 9 tuần để các giảng viên từ các cơ sở giáo dục khác nhau có thể dễ dàng sắp xếp thời gian.

Bên cạnh đó, việc duy trì tương tác với sinh viên, theo GS Yoo, là cách để sinh viên không bị nhàm chán. Vì thế, trong chương trình học cũng luôn có những hoạt động theo nhóm. Trường còn xây dựng công cụ hỏi đáp cho sinh viên, phân công cán bộ phụ trách văn phòng ảo nhằm hỗ trợ sinh viên khi cần trong mỗi giờ học trực tuyến. Nhờ vậy, sinh viên được hướng dẫn cụ thể từng bước, kịp thời.

“Học trực tuyến dần trở nên thay thế việc học trên lớp. Tất nhiên, sinh viên có thể tham gia các giờ giảng trực tiếp, trải nghiệm doanh nghiệp để có kinh nghiệm thực tế,… nhưng ngay cả những sinh viên ngồi ngoài lớp vẫn có thể tiếp cận với tri thức”, ông Yoo nói.

Nỗ lực của quốc gia “không kịp trở tay” trước đại dịch

Trong khi đó, Đại sứ quán Panama, ông David A. De Léon Salazar cho rằng, việc phải thực hiện học trực tuyến trong suốt cả năm học khiến học sinh Panama – vốn đã quen mô hình lớp học truyền thống – bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Chúng tôi bất ngờ không kịp trở tay vì nghĩ mình ở rất xa nơi bùng phát dịch. Panama là một quốc gia nhỏ và chúng tôi không có sự chuẩn bị để sẵn sàng cho điều này.

Năm nay, hơn 400.000 học sinh từ cấp tiểu học đến trung học của Panama phải chuyển sang mô hình học tập mới. Với nhiều học sinh ở khu vực nông thôn xa xôi không thể tiếp cận và truy cập Internet, chúng tôi phải gửi tài liệu bản cứng để các em tự học tại nhà và không bị tụt lại phía sau”, ông David A. De Léon Salazar nói.

Ông cũng cho biết, hiện tại chính phủ Panama đang đẩy nhanh việc lắp đặt Internet trên toàn quốc, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận hơn với học trực tuyến.

“Chúng tôi buộc phải thay đổi trong tư duy của mình. Giờ đây, mọi hoạt động đều phải thực hiện thông qua trực tuyến. Ngay cả với ngày Tết độc lập vốn rất trang trọng cũng sẽ được thực hiện trên môi trường ảo”, ông Salazar nói.

Tại Ý, bà Cristiana Bolchini, trợ lý Hiệu trưởng Đại học Politecnico di Milano cho rằng, trước những khó khăn “buộc các trường phải thay đổi”, việc cần làm lúc này là phải đầu tư vào kỹ năng dạy trực tuyến của giảng viên và công nghệ để đem đến hình thức tương tác thật nhất có thể.

“Đại học Politecnico di Milano là một ngôi trường đào tạo kỹ thuật, kiến trúc. Mọi hoạt động dạy và học luôn phải có sự tương tác trực tiếp. Vì thế, khi buộc phải giảng dạy trực tuyến, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai hỗ trợ kỹ năng cho giảng viên, sinh viên.

Bên cạnh đó, trường cũng tăng cường tìm kiếm các nền tảng công nghệ để thể hiện chân thực không gian kiến trúc, thiết kế để sinh viên luôn thấy môn học hấp dẫn.

Hiện mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Trong tương lai, chúng tôi rất muốn dựa trên những trải nghiệm này để biến cách thức học trực tuyến thành công cụ xóa nhòa ranh giới các khu học xá, giảng đường”, bà Cristiana Bolchini nói.

Thúy Nga

Sinh viên bất ngờ mê học online, trường đại học 'lợi đơn, lợi kép'

Sinh viên bất ngờ mê học online, trường đại học 'lợi đơn, lợi kép'

Tiết kiệm hàng tỉ đồng tiền in giáo trình, tiết kiệm được cả... thời gian xếp hàng nhập học cho tân sinh viên là những ích lợi thấy rõ ở những trường đại học sớm triển khai chuyển đổi số.